Thứ năm, Tháng hai 13, 2025
HomePháp LuậtĐể tội phạm mua bán dữ liệu cá nhân không còn đất...

Để tội phạm mua bán dữ liệu cá nhân không còn đất sống

Ngay sau Tết Nguyên đán, Công an thành phố Huế đã cho công bố thông tin triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ các đối tượng mua bán gần 56 triệu dữ liệu cá nhân, thu giữ nhiều máy móc, thiết bị sim rác, phong tỏa nhiều tài khoản ngân hàng…

Thông tin này làm nức lòng nhiều người, trong đó có những người kín tiếng như giảng viên Nguyễn Hoài Anh, Trường đại học Sư phạm Huế. Không giấu được niềm vui, Hoài Anh đã chia sẻ thông tin lên mạng xã hội kèm lời nhắn “chắc là nhiều người nhận được những cuộc gọi làm phiền, bị lừa đảo,… có liên quan ở đây”, bởi bản thân Hoài Anh cũng đã nhận những cuộc gọi làm phiền như mời mua nhà, vay tiền, nhận quà miễn phí các kiểu mà không rõ, tại sao người gọi lại có thông tin của mình.

Cùng cảm xúc, ông Hoàng Khánh, Công ty Vietravel ở Huế chia sẻ, lâu nay cứ mỗi lần tham gia làm thủ tục qua các cổng dịch vụ đều có cảm giác bất an, vì sợ lộ lọt thông tin cá nhân đến các phần tử như thế này. Giờ đọc tin thấy đỡ lo phần nào. Hy vọng công an sẽ xử lý triệt để, không chỉ bắt người bán, mà còn điểm mặt, chỉ tên, xử lý cả người mua.

Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng. (Ảnh: Minh Sơn)
Dữ liệu cá nhân là một loại tài sản cần phải được bảo vệ

Trước đó, Công an Thành phố Huế cho biết, sau hơn 2 năm nắm bắt theo dõi, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp Cục An ninh mạng – Bộ Công an và Phòng An ninh mạng – Công an thành phố Hà Nội xác định có nhóm đối tượng tiến hành thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân thông qua ứng dụng Zalo, Messenger của Facebook, Telegram. Trong quá trình làm án, lực lượng điều tra nhận thấy các đối tượng thường xuyên thay đổi tài khoản, phương thức giao dịch để tránh bị theo dõi.

Dữ liệu cá nhân được các đối tượng bán cho nhiều tổ chức, các nhân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau… Số tiền thu lợi từ hoạt động trái pháp luật này lên đến hàng tỉ đồng. Riêng tại Huế, nhóm đối tượng đã khai thác, trộm thông tin dữ liệu cá nhân của khoảng 1 triệu cán bộ, Đảng viên…

Với những tình tiết đã được làm rõ, Công an thành phố Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự. Đồng thời khởi tố bắt giữ ba đối tượng gồm Lê Công Định, sinh năm 1997 ở TP Hà Nội; Nguyễn Minh Tú, sinh năm 1999; Dương Thanh Lâm, sinh năm 1982 đều ở TP Hồ Chí Minh. Bước đầu nhóm đối tượng khai nhận đã tổ chức mua bán khoảng 56 triệu dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân, trong đó, có cả nhóm tín dụng đen.

Hành vi của các đối tượng được đánh giá là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội, tạo điều kiện hoặc tiếp tay để các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội khác, đặc biệt là nhóm tội phạm lừa đảo, cưỡng đoạt, chiếm đoạt tài sản, làm giả tài khoản ngân hàng, khủng bố tinh thần, đòi nợ. Việc mua bán dữ liệu cá nhân còn mang lại lợi nhuận bất chính cho những đối tượng làm ăn phi pháp và gây hậu quả nặng nề đến công dân, tổ chức.

Công an TP Huế và Công an tỉnh Tuyên Quang vào năm 2022, 2023 đã phá thành công hai vụ mua bán dữ liệu cá nhân với số lượng lớn. Tuy nhiên với chuyên án này, cơ quan điều tra xác định là vụ đặc biệt lớn với gần 56 triệu dữ liệu cá nhân trong bối cảnh dân số cả nước đến năm 2023 mới đạt hơn 89 triệu người.

Chuyên án thành công và mở ra nhiều điều cần lưu ý. Đó là cần cảnh giác, nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ dữ liệu của từng cá nhân, tổ chức khi tham gia vào môi trường mạng. Các tổ chức, doanh nghiệp sớm có, hoặc tăng cường biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhân viên, khách hàng. Tránh việc thu thập dữ liệu cá nhân khi chưa đủ cơ sở pháp lý, thu thập nhưng không rõ mục đích sử dụng…

Để phòng ngừa hậu quả do hoạt động mua, bán dữ liệu cá nhân gây ra, Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Huế khuyến cáo: Người dùng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng xác thực hai yếu tố, cẩn thận khi chia sẻ thông tin cá nhân cho người khác. Cần kiểm tra, xác thực thông tin khi có yêu cầu từ những người tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên các ngân hàng, nhà mạng… đề nghị cung cấp thông tin cá nhân.

Các đơn vị, tổ chức có lưu trữ, quản lý dữ liệu thông tin cá nhân của người dùng cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Triển khai biện pháp bảo vệ, khai thác, sử dụng thông tin cá nhân theo đúng quy định của pháp luật; Khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu về các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp thì kịp thời báo ngay lực lượng chức năng gần nhất để được giải quyết.

Hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề xuất của Chính phủ bổ sung dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vào chương trình xây dựng pháp luật và pháp lệnh năm 2025.

Dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu đối với dự án luật này tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp vào cuối năm 2025, để tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ khu vực, quốc tế, đẩy mạnh việc sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển đất nước.

Nguồn: https://nhandan.vn/de-toi-pham-mua-ban-du-lieu-ca-nhan-khong-con-dat-song-post859836.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay