Thứ bảy, Tháng Một 25, 2025
HomeThời SựĐề xuất giao quyền tuyển, sử dụng giáo viên cho ngành giáo...

Đề xuất giao quyền tuyển, sử dụng giáo viên cho ngành giáo dục

Theo đó, Chính phủ đề xuất giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Cùng đó, 2 cơ quan này cũng muốn được điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng giáo viên.

Đề xuất giao quyền tuyển, sử dụng giáo viên cho ngành giáo dục- Ảnh 1.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trình dự thảo luật

Cùng đó, Chính phủ đề xuất, Nhà nước có chính sách thu hút người có trình độ cao, người có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng làm nhà giáo và tuyển dụng nhà giáo đến công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, bao gồm cả giáo viên, giảng viên, được quy định chung tại luật Viên chức, thẩm quyền quản lý biên chế giáo viên thuộc ngành nội vụ.

Trình Quốc hội xếp lương nhà giáo cao nhất, giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ kỳ vọng luật Nhà giáo sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, đồng thời có chính sách đặc thù xây dựng và phát triển nhà giáo.

Đặc biệt, việc ban hành luật sẽ khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đã diễn ra nhiều năm hay những bất cập với quản lý đội ngũ nhà giáo ngoài công lập.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản sẽ có sự đồng bộ trong toàn bộ hệ thống khi có hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp, các yêu cầu về đạo đức nhà giáo được quy định thống nhất.

Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù, có tính chất đột phá sẽ tạo thuận lợi để nhà giáo phát triển. Ngoài lương, phụ cấp cao nhất thì có thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, thu hút người có tâm huyết đến vùng đặc biệt khó khăn hay quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý với giáo viên mầm non, nhà giáo có trình độ cao…

Đề xuất giao quyền tuyển, sử dụng giáo viên cho ngành giáo dục- Ảnh 2.

Đại biểu Thái Văn Thành (đoàn Nghệ An)

Lòng vòng nên khai giảng rồi giáo viên vẫn chưa có

Thảo luận tại tổ sáng cùng ngày, đại biểu Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, cho rằng việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và các cơ sở giáo dục trong chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo từ tuyển dụng, đánh giá, đến đào tạo nguồn nhân lực.

Cơ quan quản lý giáo dục khi được chủ trì tuyển dụng, quản lý biên chế thì sử dụng sẽ chủ động, điều động, luân chuyển, biệt phái, đáp ứng được yêu cầu, hạn chế được tình trạng thừa – thiếu cục bộ của các địa phương.

Thực tế, ông Thành cho biết, đang có tình trạng huyện này thừa rất nhiều giáo viên nhưng không thể điều sang những huyện đang thiếu, bởi ngành không được giao thẩm quyền về quản lý biên chế.

“Lâu nay chúng ta nói đội ngũ nhà giáo thiếu khoảng 120.000 người, trong đó 72.000 người chưa tuyển dụng được. Nguyên nhân chậm tuyển dụng là do nhiều tầng lớp, như qua phòng nội vụ rồi quay ngược lại phòng giáo dục, rồi lại quay trở về phòng nội vụ 3 – 4 vòng, làm chậm tuyển dụng, dẫn đến khai giảng năm học mới rồi nhưng giáo viên vẫn chưa có”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thành, khi ngành giáo dục không được giao nhiệm vụ quản lý biên chế, dẫn đến không thể đặt hàng đào tạo được, vì “đặt hàng xong rồi ra trường không có chỉ tiêu biên chế thì sao?”.

Theo ông Thành, việc chủ động được biên chế sẽ giúp thuận lợi trong thực hiện tiêu chuẩn nghề nghiệp và chuẩn nhà giáo, tạo ra hành lang pháp lý để nâng cao chất lượng nhà giáo. Đây cũng là công cụ để cơ sở giáo dục xây dựng quy hoạch thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá và sàng lọc nhà giáo.

Ngoài ra, theo ông Thành, các chính sách về thu hút và bảo vệ nhà giáo tạo hành lang pháp lý cho các địa phương để thu hút đội ngũ học sinh, sinh viên xuất sắc, hoặc những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt ở những lĩnh vực khác để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm làm nhà giáo.


Nguồn: https://thanhnien.vn/de-xuat-giao-quyen-tuyen-su-dung-giao-vien-cho-nganh-giao-duc-185241109162939533.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay