TPO – Ngân hàng Nhà nước đề xuất, sau sáp nhập, tổ chức tín dụng hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tỷ lệ phần vốn góp, sở hữu cổ phần và điều kiện hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra dự thảo Thông tư quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại tổ chức tín dụng. Theo đó, dự thảo nêu rõ các phạm vi hoạt động, nguyên tắc và điều kiện sáp nhập, hợp nhất của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động sau sáp nhập.
Về sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng, dự thảo nêu 5 nguyên tắc, bao gồm: Một là, thực hiện theo thỏa thuận, bảo đảm hoạt động bình thường của tổ chức tín dụng.
Hai là, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, chủ nợ trong quá trình sáp nhập, hợp nhất; tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan.
Ba là, bảo mật thông tin nhằm đảm bảo hoạt động ổn định của tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất trước khi đề án sáp nhập, hợp nhất được cơ quan có thẩm quyền quyết định của tổ chức tín dụng thông qua. Đảm bảo nguyên tắc thận trọng, trung thực, chính xác, không gây hiểu nhầm về các tài liệu, hồ sơ.
Ngân hàng Nhà nước quy định chặt chẽ các trường hợp ngân hàng sáp nhập nếu áp dụng trong thời gian tới.
Bốn là, nghiêm cấm việc tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức. Việc chuyển nhượng, mua bán tài sản trong quá trình sáp nhập, hợp nhất phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức tín dụng, cá nhân liên quan.
Năm là, giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng bị hợp nhất hết hiệu lực khi tổ chức tín dụng hợp nhất khai trương hoạt động. Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng bị sáp nhập hết hiệu lực khi Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng nhận sáp nhập.
Tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất phải đáp ứng đầy đủ ba điều kiện: Không thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm, trừ trường hợp được miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. Có đề án sáp nhập, hợp nhất theo quy định được cơ quan có thẩm quyền quyết định của các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất thông qua.
Sau khi sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng sau sáp nhập, tổ chức tín dụng hợp nhất phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn, tỷ lệ phần vốn góp, sở hữu cổ phần và điều kiện hoạt động ngân hàng.
Việc sáp nhập, chuyển giao ngân hàng thương mại thời gian qua thu hút sự chú ý với 2 ngân hàng OceaBank và CB, chính thức chuyển giao từ ngày 17/10. Hiện còn 2 ngân hàng buộc chuyển giao là DongABank, GPBank.
Được biết, nhiều ngân hàng thương mại có kế hoạch sáp nhập các ngân hàng yếu kém trong thời gian tới.
Nguồn: https://tienphong.vn/de-xuat-quy-dinh-moi-khi-sap-nhap-hop-nhat-to-chuc-tin-dung-post1688315.tpo