Theo kết luận của Bộ Chính trị, sắp tới sẽ thực hiện sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập một số đơn vị cấp xã để tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Tạ Văn Hạ
Theo dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Tổ chức chính quyền địa phương mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến, đơn vị hành chính cấp cơ sở được hình thành từ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn) hiện nay. Đơn vị hành chính cấp cơ sở sẽ gồm xã, phường và đặc khu ở hải đảo, bỏ thị trấn.
Chính quyền địa phương cấp cơ sở, dự luật quy định HĐND và UBND cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu) cơ bản thiết kế như đối với HĐND và UBND cấp huyện trước đây, nhưng có quy mô nhỏ hơn.
Góp ý vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Tạ Văn Hạ cho rằng, phương án nói trên thực chất là nhập nhiều xã, phường lại để tạo thành các “xã to” và gọi tên là xã.
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội, “xã” vốn là cấp hành chính thấp nhất trong mô hình tổ chức chính quyền trước đây. Với mô hình mới, đơn vị hành chính cấp cơ sở cũng được hình thành từ nhiều đơn vị hành chính cấp xã khác nhau. Dự kiến từ hơn 1.000 đơn vị cấp xã xuống chỉ còn 2.000 – 3.000 đơn vị cấp cơ sở, như vậy “xã” sẽ to hơn rất nhiều.
Cùng đó, tổ chức chính quyền của cấp cơ sở cũng cơ bản thiết kế như cấp huyện trước đây, dù quy mô nhỏ hơn. Vì thế, ông Hạ cho rằng, với mô hình mới, việc tổ chức đơn vị hành chính cơ sở thành các xã, phường là không thực sự phù hợp. Khi triển khai trong thực tế cũng sẽ gặp nhiều bất cập.
“Đơn cử, chúng ta vẫn gọi bí thư tỉnh ủy, bí thư huyện ủy nhưng không thể gọi là bí thư xã ủy. Chưa kể, sau này với quy mô xã, phương to và mô hình tổ chức chính quyền như hiện nay ban chấp hành đảng ủy xã cũng rất lớn và cũng không thể gọi là xã ủy viên như huyện ủy viên trước đây”, ông Hạ phân tích và nói thêm dù đây chỉ là thói quen trong gọi tên song rõ ràng là không phù hợp.
Sử dụng tên quận, huyện, thành phố để giữ địa danh lịch sử, văn hóa
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội đề xuất tổ chức đơn vị hành chính cấp cơ sở thành các khu và đặc khu thay vì xã, phường. Cùng đó, tên gọi các khu sẽ sử dụng lại tên các quận, huyện, thị trấn, thành phố cấp huyện trước đây và đặt tên theo số thứ tự.
Chẳng hạn, các địa danh cấp huyện trước đây như Q.Ba Đình, Q.Hoàn Kiếm, TP.Đà Lạt, TP.Sa Pa hay TP.Hạ Long… thì có thể tổ chức thành các Khu Ba Đình 1, Ba Đình 2; Khu Đà Lạt 1, Khu Đà Lạt 2 hay Khu Hạ Long 1, khu Hạ Long 2…
Ông Hạ cho rằng, việc sử dụng tên gọi “khu” sẽ giải quyết được những bất cập do cách gọi xã, phường. “Nghe rất thuận và hợp lý hơn”, ông Hạ phân tích và cho biết, trong từ điển tiếng Việt, khu cũng bao hàm nghĩa đơn vị hành chính, thành phần của một đô thị lớn.
Cùng đó, ông Hạ nhấn mạnh, quan trọng hơn, việc tổ chức các khu và sử dụng các địa danh cấp huyện trước đây để gọi tên cũng sẽ giúp giữ được tên các địa danh nổi tiếng, có bề dày lịch sử, văn hóa, được quốc tế biết đến như Ba Đình, Hoàn Kiếm của Hà Nội hay Mù Cang Chải, Sa Pa, Hạ Long hay Đà Lạt…
“Lâu nay địa giới hành chính chúng ta chủ yếu nhắc tới là cấp huyện. Những địa danh nổi tiếng Mù Cang Chải, Sa Pa, Hạ Long hay Đà Lạt hay thậm chí Hoàng Sa, Trường Sa cũng là tên đơn vị cấp huyện. Do đó, nếu tổ chức theo phương án các khu và đặt tên theo cách này sẽ giữ được các địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng”, ông Hạ nêu.
“Những địa danh đã đi vào lịch sử, điểm đến của du khách thế giới, danh lam thắng cảnh thì phải giữ được”, ông Hạ kiến nghị.
Tại tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ cũng đề xuất khuyến khích đặt tên đơn vị cấp xã mới theo tên của đơn vị cấp huyện trước sắp xếp, có gắn số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.
Nguồn: https://thanhnien.vn/de-xuat-to-chuc-cap-co-so-thanh-cac-khu-thay-cho-xa-phuong-185250327160431021.htm