Đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị Quốc hội xây dựng luật để xử lý hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, hoạt động từ thiện để đánh bóng bản thân, trục lợi.
“Sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê, nhiều người bị phát hiện thổi phồng số tiền ủng hộ nhằm đánh bóng tên tuổi. Từ khóa phông bạt trở thành làn sóng mạnh mẽ ám chỉ lối sống giả tạo, làm màu, khoe mẽ”, Phó đoàn Thái Bình Nguyễn Văn Huy nói về bất cập trong ủng hộ sau bão Yagi, tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 4/11.
Bên cạnh nhiều câu chuyện ấm tình người khắp mọi miền Tổ quốc, việc lợi dụng tình trạng khẩn cấp, hoạt động thiện nguyện để trục lợi vẫn xảy ra. Một số người sử dụng hình ảnh, thông tin địa điểm bị thiệt hại do bão lũ để giả mạo nạn nhân, chiếm đoạt tiền, quà quyên góp.
Trước đó việc làm từ thiện của một số nghệ sĩ bị dư luận nghi ngờ do cách làm nghiệp dư, thiếu kinh nghiệm. Báo cáo thu chi sơ sài, không có hóa đơn, chứng từ gây tranh cãi, bị nghi ăn chặn tiền từ thiện, đánh mất lòng tin nơi khán giả. Những sự việc trên để lại hệ lụy nặng nề, không ít cá nhân đã trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội.
“Những hành vi như vậy không chỉ vi phạm đạo đức, pháp luật mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng”, đại biểu tỉnh Thái Bình nói và đề nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình khẩn cấp để trục lợi.
Qua việc khắc phục hậu quả bão Yagi, đại biểu Huy cho rằng cần đánh giá lại cách thức bảo quản thực phẩm khi ủng hộ. Hình ảnh người dân gói bánh chưng, bánh tét để ủng hộ là rất đẹp, song do quá trình vận chuyển xa xôi, thời tiết oi bức nên rất dễ thiu hỏng, phải vứt bỏ dọc đường gây lãng phí.
Đại biểu này cũng lo ngại đoàn cứu trợ tự phát thường thiếu tính chuyên nghiệp, rất dễ gặp nguy hiểm và có thể làm phức tạp thêm quá trình cứu hộ của lực lượng chức năng. Về lâu dài, hoạt động từ thiện, cứu trợ, quyên góp phải được thực hiện chuyên nghiệp hơn dưới sự điều chỉnh của một văn bản pháp lý. “Kiến nghị Quốc hội sớm xây dựng và ban hành Luật về tổ chức và hoạt động từ thiện để phát huy tinh thần đoàn kết, lan tỏa giá trị tốt đẹp về lòng nhân ái”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học y Hà Nội, đồng tình việc cứu trợ, ủng hộ đồng bào vùng lũ còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Việc phân phối hàng cứu trợ cần tránh tình trạng “chỗ cần không có, chỗ lại thừa”.
Ông đề nghị Chính phủ, bộ ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định nhu cầu cứu trợ, số lượng, thời gian, cách thức vận chuyển đến người dân và địa phương. Từng địa phương cần sớm có kế hoạch áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong cứu hộ, cứu nạn.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cho rằng công tác dự báo ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tự động, xây dựng bản đồ cảnh báo khu vực lũ quét, lũ ống, sạt lở đất còn chậm.
Việc này dẫn đến việc cảnh báo từng thôn, bản để người dân biết và chủ động phòng tránh chưa hiệu quả. Việc ưu tiên xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng đảm bảo phòng, chống thiên tai cũng chưa được quan tâm đúng mức. “Có công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập nhiều năm không được duy tu, nâng cấp, trong khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, thiên tai ngày càng khốc liệt, bất thường”, ông Thi nói.
Đại biểu Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai để đảm bảo sẵn sàng ứng phó.
Từ khi phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi đến ngày 10/10, Ban Cứu trợ Trung ương đã nhận được 2.091 tỷ đồng. Trong đó, 1.035 tỷ đồng đã được phân bổ về 26 tỉnh thành để hỗ trợ người dân xây, sửa nhà; trợ giúp gia đình người bị chết, bị thương, mất tích; cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo không ai bị đói, thiếu đồ ăn, nước uống; giúp học sinh quay lại trường học.
Bão Yagi đổ bộ Quảng Ninh ngày 7/9, sau đó gây mưa lũ cho toàn miền Bắc, làm thiệt hại kinh tế 81.500 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh tổn thất nặng nhất với 24.800 tỷ đồng; Hải Phòng 12.200 tỷ; Hải Dương 7.400 tỷ; Lào Cai 6.600 tỷ; Yên Bái 5.730 tỷ; Bắc Giang 5.000 tỷ; Hưng Yên 3.600 tỷ đồng… Riêng thiệt hại nông nghiệp hơn 30.800 tỷ đồng, chiếm 38% tổng thiệt hại kinh tế.
Nguồn: https://vnexpress.net/de-xuat-xay-dung-luat-cuu-tro-tu-thien-de-ngan-truc-loi-4811835.html