Một trong những chủ đề nóng năm 2024 tại Nhật Bản – nơi tôi đang làm việc, là sự kiện Cơ quan Khí tượng lần đầu tiên phát cảnh báo về nguy cơ xảy ra trận siêu động đất xung quanh rãnh Nankai – rãnh ngầm chạy dọc bờ biển Thái Bình Dương, nằm ngay bờ biển phía Đông Nhật Bản.
Sau trận động đất mạnh 7.1 độ tại Tây Nam Nhật Bản, chính phủ đã chính thức cảnh báo về nguy cơ xảy ra trận siêu động đất mạnh 8-9 độ trong vòng 30 năm tới.
Năm 2024 chứng kiến những biến động chưa từng có trong lịch sử thời tiết. Biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm xa lạ mà đã trở thành hiện thực, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống người dân ở nhiều quốc gia. Những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng cả về tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề và gây ra những thách thức lớn cho con người.
Tại Việt Nam, năm qua ghi nhận những kỷ lục nhiệt độ chưa từng thấy trong hàng thập kỷ qua. El Niño – hiện tượng khí hậu liên quan đến sự ấm lên bất thường của nước biển, làm thay đổi mô hình thời tiết toàn cầu – đã khiến nhiệt độ trung bình trên cả nước cao hơn nhiều năm từ 0,5 đến 1,5 độ C. Các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm, vượt ngưỡng lịch sử, đặc biệt là tháng 4 khi nhiệt độ trung bình cao hơn tới 3 độ C so với cùng kỳ các năm trước.
Không chỉ riêng miền Bắc, Nam Bộ cũng trải qua mùa khô khắc nghiệt với số ngày nắng nóng diện rộng kéo dài. Biên Hòa và Bình Phước thậm chí ghi nhận nhiệt độ phá vỡ mọi kỷ lục cũ, đạt mức 40 độ C. Những đợt nắng nóng không chỉ làm suy giảm năng suất lao động mà còn đẩy người dân vào những cuộc chiến cam go với tình trạng thiếu nước và mất mùa.
Mưa bão cũng đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều địa phương. Mưa lớn kéo dài tại miền Bắc vào tháng 6 và tháng 7 gây ra hàng loạt trận lụt và sạt lở đất, khiến nhiều gia đình mất đi nhà cửa và người thân. Đỉnh điểm là cơn bão Yagi, được xem là mạnh nhất trong ba thập kỷ qua trên Biển Đông, đã tàn phá Quảng Ninh với sức gió giật cấp 17.
Sau khi bão tan, mưa lớn tiếp tục đổ xuống, rồi ngập lụt, lũ quét… dẫn đến hậu quả nặng nề, tang thương. Trong đó, Lào Cai là địa phương phải hứng chịu những mất mát, đau thương lớn nhất về người và tài sản. Mưa lớn gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên diện rộng, với sức tàn phá chưa từng có trong lịch sử 100 năm qua đã khiến 139 người thiệt mạng và hiện vẫn còn 12 người mất tích. Trên 10.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 700 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn.
Chỉ riêng ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng, đã có tới 84 người chết và mất tích (trong đó còn 8 người mất tích chưa được tìm thấy), nhiều hộ gia đình không còn một ai sau cơn bão…
Các nhà khoa học dự báo rằng, năm 2025, mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu El Niño kéo dài hoặc chuyển đổi thành La Niña – hiện tượng khí hậu tạo ra những tác động quy mô lớn, ngược lại với El Niño – thì nó có thể gây ra chuỗi ngày mưa bão, hạn hán và nắng nóng chưa từng có. Hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo đứng trước nguy cơ bị tàn phá nặng nề hơn nữa, trong khi con người sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về sức khỏe, kinh tế và an ninh lương thực.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng chống chịu?
“Thất bại trong chuẩn bị là chuẩn bị cho thất bại”. Câu nói của Benjamin Franklin – một thành viên trong nhóm lập quốc của Hoa Kỳ – đúng trong đa phần trường hợp. Việc chuẩn bị kỹ càng là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đối phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan.
Sau trận siêu động đất Kanto vào năm 1923, chính phủ Nhật Bản đã ban hành đạo luật xây dựng để nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai, đặc biệt là động đất. Những điều luật này được theo dõi và bổ sung liên tục dựa theo tiến độ phát triển khoa học kỹ thuật và tình hình biến đổi khí hậu. Lần gần nhất đạo luật được chỉnh sửa toàn diện là vào năm 2000, cho đến nay vẫn đang phát huy tác dụng tốt, nhưng cũng đang được đưa vào cân nhắc sửa đổi để chuẩn bị cho siêu động đất Nankai trong tương lai.
Các biện pháp tuyên truyền cũng được đẩy mạnh trên mọi kênh và phương tiện truyền thông. Theo Văn phòng Nội các, người dân được yêu cầu thực hiện “các biện pháp chuẩn bị đặc biệt”, bao gồm luôn mang theo tiền mặt và giấy tờ tùy thân, bất cứ khi nào có khuyến cáo đặc biệt về trận siêu động đất, nhằm mục đích nhanh chóng sơ tán khi động đất xảy ra. Người dân cũng được khuyến khích chuẩn bị sẵn một “ba lô khẩn cấp”, bao gồm nước, đồ ăn, thuốc và quần áo trong vài ngày.
Dễ dàng nhận thấy, nâng cao nhận thức cộng đồng là sự chuẩn bị cấp bách, nhưng cũng đơn giản và hiệu quả nhất. Những chiến dịch giáo dục về biến đổi khí hậu, tổ chức tại các trường học và khu dân cư, sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về tác động của từng hành động nhỏ đến môi trường. Học sinh có thể được dạy về việc phân loại rác, tiết kiệm năng lượng, hay trồng cây xanh. Những thay đổi nhỏ trong hành vi, khi được thực hiện rộng rãi, sẽ tạo ra tác động lớn và tích cực hơn nhiều so với chúng ta tưởng.
Năm 2024, với những kỷ lục về thời tiết cực đoan, đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu và ở nước ta.
Đứng trước những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, Việt Nam đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2016 và cam kết giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 8% vào năm 2030 nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc vào năm 2030.
Thách thức cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại, đánh giá và điều chỉnh hành động. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ việc hạn chế sử dụng nhựa, tiết kiệm năng lượng, đến những hành động lớn hơn như phát triển cơ sở hạ tầng xanh, tất cả đều góp phần bảo vệ hành tinh và hướng tới sự phát triển bền vững cho thế hệ con cháu sau này. Không thể ngăn cản thiên tai, nhưng giảm thiểu thiệt hại bằng sự chuẩn bị và ý thức trách nhiệm là hoàn toàn khả thi.
Tác giả: Phạm Tâm Long là tiến sĩ về Phát triển bền vững trong Quản trị Kinh doanh tại Đại học Osaka, Nhật Bản; hiện là giảng viên tại Trường quản trị Quốc tế – Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Tâm Long là các vấn đề về Quản trị bền vững trong doanh nghiệp và Quản lý các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/di-qua-mot-nam-thoi-tiet-cuc-doan-thien-tai-khoc-liet-20241231075334430.htm