Theo văn bản vừa ban hành, UBND quận 7, TPHCM yêu cầu Phòng GD&ĐT quận tham mưu UBND quận thành lập đoàn kiểm tra và tổ chức kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định.
UBND quận 7 yêu cầu có hình thức xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định (nếu có).
Phòng GD&ĐT có trách nhiệm phân công thành viên trong lãnh đạo phòng để thường xuyên theo dõi, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của phụ huynh học sinh, người dân về sai phạm trong việc triển khai công tác thu, chi và vận động tài trợ đầu năm tại các cơ sở giáo dục, báo cáo kịp thời về lãnh đạo quận và Sở GD&ĐT.
Quận này cũng giao Phòng Tài chính – Kế hoạch quận phối hợp cùng Phòng GD&ĐT kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm học nhằm kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định.
UBND quận 7 cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường cần nhanh chóng tổ chức rà soát lại hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp do đơn vị mình quản lý, báo cáo việc thực hiện và nhận tài trợ tại đơn vị.
Trường hợp hiệu trưởng các đơn vị bị dư luận và báo chí phản ánh phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan và người đứng đầu.
Lỗi do phụ huynh tự thực hiện, trường không biết?
Đầu năm học này, quận 7 là nơi xảy ra một số sự việc liên quan đến thu chi quỹ phụ huynh trong trường học gây bức xúc dư luận.
Có thể kể đến kế hoạch quỹ phụ huynh toàn chi tiền phong bì cho giáo viên với một năm 6 ngày lễ đi thầy cô xảy ra tại một lớp 2 của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.
Một loạt ngày lễ trong năm như 20/10, 20/11, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, ngày 8/3 và dịp tổng kết năm, quỹ phụ huynh của lớp này đều có khoản “phong bì” cho giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu, bộ môn với mức chi dao động từ 1 đến 2,5 triệu đồng.
Theo lý giải của nhà trường, đây là khoản dự kiến chi của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tự đưa ra, chưa thông qua giáo viên chủ nhiệm.
Hiệu trưởng đã phân tích cho phụ huynh hiểu việc chi chăm lo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, bảo mẫu là sai quy định. Đồng thời yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh trả lại tiền cho phụ huynh đã đóng góp.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu xảy ra tình trạng quỹ phụ huynh “chi đậm” phong bì cho đội ngũ.
Trước đó, vào năm học 2022-2023, tại trường này đã xảy ra sự việc danh sách chi quỹ phụ huynh của một lớp đến hơn 130 triệu đồng, chủ yếu là các hoạt động tặng tiền cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, lãnh đạo, nhân viên nhà trường, bảo vệ, mua hoa cho lớp dịp Tết.
Trong đó, khoản chi phí nhiều nhất được liệt kê tới 54 triệu đồng “chăm cô” với số tiền cụ thể cho giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu, mỗi người 27 triệu, hình thức chuyển khoản hàng tháng, thời gian từ 9/2022 đến tháng 5/2023.
Các dịp lễ, Tết còn lại như ngày nhà giáo, Tết Nguyên đán, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Quốc tế phụ nữ… mức chi tổng cộng cũng từ vài triệu đến gần 20 triệu đồng.
Cũng y như cách lý giải năm nay, theo lãnh đạo Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, kế hoạch này là do cha mẹ học sinh của lớp tự thực hiện, không thông qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường. Và trường cũng yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh phải dừng những khoản thu trong bảng liệt kê nói trên.
Cũng tại quận 7, thống kê thu chi quỹ lớp đầu năm học này của một lớp 6 ở Trường THCS Huỳnh Tấn Phát gây choáng váng khi được chia sẻ trên mạng xã hội.
Theo thông báo từ giáo viên chủ nhiệm lớp, tổng thu quỹ lớp là 70 triệu đồng nhưng vừa vào năm học đã chi hết gần 66 triệu đồng, quỹ chỉ còn lại hơn 4 triệu đồng.
Một số khoản chi được liệt kê như “cô chủ nhiệm là 5 triệu đồng, máy lạnh 38,48 triệu đồng, mua kệ dép 1,7 triệu đồng, máy chiếu 12,8 triệu đồng, khăn trải bàn 385.000 đồng, bóng đèn 990.000 đồng, ghế giáo viên và tủ là 2,5 triệu đồng, vệ sinh sàn và lớp học 1 triệu đồng, sơn lớp và công thay bóng đèn 3 triệu đồng…”.
Theo lãnh đạo Trường THCS Huỳnh Tấn Phát, ban đại điện cha mẹ học sinh của lớp này đề xuất nhà trường cho phép gắn 2 máy lạnh, sơn lại lớp học và vệ sinh trang thiết bị và sàn lớp học, lắp máy chiếu và trang bị kệ dép cho lớp.
Khi đề xuất này chưa được hiệu trưởng ký duyệt, phụ huynh vì lo ngại học sinh nóng nực nên ban đại diện cha mẹ học sinh đã xúc tiến cho gắn máy lạnh và máy chiếu.
Sau đó, ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đã làm biên bản tiếp nhận bàn giao tài sản của lớp cho ban tiếp nhận của trường quản lý, cũng như thực hiện biên bản ghi nhớ về việc cho mượn, trao tặng thiết bị, tài sản phục vụ giảng dạy, học tập.
Còn những khoản chưa thiết thực, nhà trường đã yêu cầu trả lại cho phụ huynh. Cô giáo chủ nhiệm cũng đã bàn giao lại cho ban đại diện cha mẹ học sinh số tiền cô đang giữ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/dia-ban-noi-xay-ra-1-nam-6-ngay-di-phong-bi-thay-co-chan-chinh-lam-thu-20241103090003603.htm