Như Tuổi Trẻ Online đã phản ánh, ngày 9 và 10-11 một số địa phương ở miền Bắc như Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên… có chất lượng không khí ở ngưỡng xấu (cảnh báo đỏ).
Đáng chú ý, Hà Nội và Thái Nguyên có thời điểm chất lượng không khí rất kém, ở ngưỡng cảnh báo tím – ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Hoàng Ánh – phó trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường – cho biết phát thải ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ giao thông, công nghiệp, xây dựng…
Từ hoạt động giao thông vận tải bao gồm cả bụi đường và khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hiện Hà Nội có khoảng 1,1 triệu xe ô tô và gần 7 triệu xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.
Hoạt động xây dựng nhà ở, công trình giao thông, công trình công ích (cải tạo mặt đường, vỉa hè) chưa nghiêm túc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, quản lý như che chắn, rửa xe, vệ sinh… làm phát sinh bụi.
Theo bà Ánh, ngoài ra khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, hay như đốt chất thải, rác thải và đốt củi khi trời lạnh. Bên cạnh đó, các khu vực quanh Hà Nội người dân vẫn đốt rơm rạ tại cánh đồng khá phổ biến.
Hà Nội đã có biện pháp tích cực cấm sử dụng bếp than tổ ong, tuy nhiên vẫn còn người dân sử dụng.
Ngoài ra, các yếu tố như điều kiện khí hậu, thời tiết cũng là nguyên nhân khách quan tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Các giải pháp kiểm soát nguồn thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Các giải pháp kiểm soát nguồn thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, để cải thiện chất lượng không khí từ nguồn thải phương tiện giao thông, ngoài những giải pháp trước mắt cần áp dụng các giải pháp lâu dài, căn cơ sau:
1. Phát triển, áp dụng công nghệ giao thông xanh: Thúc đẩy sản xuất, sử dụng xe điện, xe sử dụng nhiên liệu sinh học hoặc nhiên liệu tái tạo để thay thế dần xe dùng nhiên liệu hóa thạch.
2. Xây dựng cơ sở hạ tầng sạc điện cho xe điện: Mở rộng mạng lưới trạm sạc cho xe điện trên toàn thành phố, giúp người dân thuận tiện chuyển sang sử dụng phương tiện điện.
3. Nâng cao ý thức cộng đồng: Tổ chức các chương trình giáo dục, tuyên truyền về tác động của khí thải từ giao thông, lợi ích của việc sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường. Khuyến khích người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
4. Phát triển quy hoạch đô thị bền vững: Xây dựng các khu đô thị tích hợp nơi ở và làm việc, hạn chế nhu cầu di chuyển xa, giảm phát thải từ giao thông.
5. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp khoa học công nghệ: Đầu tư vào nghiên cứu, phát triển các phương pháp lọc khí thải, giảm thiểu ô nhiễm từ giao thông và áp dụng công nghệ hiện đại vào hệ thống giao thông công cộng.
Theo đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, bài học kinh nghiệm từ thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cho thấy những giải pháp trên khi được thực hiện đồng bộ và quyết liệt bởi các cơ quan, đơn vị, bộ ngành và địa phương có thể mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông.
Nguồn: https://tuoitre.vn/diem-ten-nhung-nguon-thai-chinh-gay-o-nhiem-khong-khi-o-ha-noi-20241110155155634.htm