Năm 2024, điện ảnh Việt tiếp tục lập kỷ lục doanh thu phòng vé với ước tính đạt 1.987 tỷ đồng, tăng trưởng 27% so với năm trước đó. Có tới 5 bộ phim vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng và 2 phim khác gần xấp xỉ con số đó. Điện ảnh nội địa đã thực sự bỏ xa những bộ phim ngoại nhập, ngay cả bom tấn của Hollywood và những đối thủ mạnh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan.
Hai cột mốc thành công lớn nhất trong năm đồng thời cũng thiết lập kỷ lục của bản thân là Mai của Trấn Thành và Lật Mặt 7: Một Điều Ước của Lý Hải. Bộ phim thứ 3 của đạo diễn (kiêm biên kịch) Trấn Thành thu về 551 tỷ đồng, vượt qua kỷ lục của Nhà Bà Nữ để trở thành phim ăn khách nhất trong sự nghiệp của nhà làm phim xuất thân từ một diễn viên hài và MC đắt show này.
Lý Hải theo sát Trấn Thành với Lật Mặt 7: Một Điều Ước sắp chạm mốc 500 tỷ đồng và trở thành bộ phim ăn khách vượt trội nhất trong chuỗi phim “thương hiệu” Lật Mặt. Thành công của Lý Hải có thể lý giải anh đã thay đổi thể loại và cách tiếp cận. Từ những bộ phim nặng tính hành động hoặc hài, kinh dị như những phần trước, Lý Hải chuyển sang dòng phim chính kịch, kể về một điều ước giản đơn của một bà mẹ già mà phải đến khi bà gặp tai nạn, sống cùng với từng đứa con một rồi sau đó… biến mất, những đứa con mới tụ hội lại đi tìm bà và hiểu được điều ước giản dị mà cảm động của bà. Phim dù hơi công thức và khuôn mẫu, nhưng vẫn là một tác phẩm chạm được vào cảm xúc của số đông.
Dòng phim kinh dị bứt phá với bốn bộ phim thành công, mức doanh thu trên dưới trăm tỷ là Làm Giàu Với Ma (128 tỷ đồng), Ma Da (127 tỷ đồng), Cám (96 tỷ đồng) và Linh Miêu: Quỷ Nhập Tràng (87 tỷ đồng). Ưu điểm của bốn bộ phim này là đều khai thác những chất liệu văn hóa tâm linh đậm chất Việt Nam và đều thu hút được khán giả đến rạp, dù mỗi bộ phim trong số chúng đều khá non nớt về kịch bản hay cách xử lý câu chuyện.
Bộ phim cuối cùng trở thành “cú hit” của phòng vé là Chị Dâu với doanh thu 109 tỷ đồng. Thành công của bộ phim này là minh chứng cho thấy, một kịch bản hay có vai trò quan trọng như thế nào đối với một bộ phim. Chị Dâu của đạo diễn Khương Ngọc khai thác một mối quan hệ ít được khai thác trên màn ảnh: chị dâu – em chồng. Và đạo diễn đã phơi bày những mâu thuẫn ngấm ngầm của mối quan hệ này qua một đám giỗ dưới một ngôi nhà từ đường sắp đổ.
Cơn bão tràn đến khi mối quan hệ của họ ở bên bờ vực đã khiến họ phải nương tựa vào nhau và thấu hiểu được nỗi lòng của bà chị dâu mà trước đó họ bằng mặt nhưng không bằng lòng. Kịch bản độc đáo chỉ khai thác một bối cảnh nhưng phơi bày hết được những tính cách và nỗi lòng của mỗi người đàn bà trong số họ. Dàn diễn viên thực lực như Hồng Đào, Việt Hương, Lê Khánh, Đinh Y Nhung và cả Ngọc Trinh đều tỏa sáng trong bộ phim này.
Dĩ nhiên, ngoài những bộ phim thành công kể trên, điện ảnh Việt cũng có những bộ phim thất bại thảm hại tại phòng vé với doanh thu chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng, như Đóa Hoa Mong Manh, Domino: Lối Thoát Cuối Cùng hay Biệt Đội Hot Girl… Điều này dẫn đến sự phát triển khá thiên lệch và tạo ra những cái đỉnh và đáy cách biệt một trời một vực.
Điện ảnh Việt đang bước vào thời điểm ăn nên làm ra, nhưng nó chỉ dành cho những nhà làm phim giỏi và nắm được thị hiếu của khán giả.
Đà tăng trưởng của điện ảnh Việt vẫn tiếp tục được dự báo. Ba bộ phim Tết sắp ra mắt mở màn cho một mùa phim Tết xôm tụ nhất từ trước tới nay vì các đối thủ khá ngang tài ngang sức. Doanh thu của mùa phim Tết thường chiếm khoảng 35-40% tổng doanh thu của năm.
Phim Tết đầu tiên mà tôi vừa xem là Bộ Tứ Báo Thủ – bộ phim Tết thứ 4 liên tiếp của đạo diễn Trấn Thành. Anh vẫn tiếp tục chứng minh khả năng kể chuyện được đại chúng yêu thích. Dù thay đổi thể loại từ chính kịch trong cả ba bộ phim trước sang hài, nhưng chất hài trong phim mới này cũng chỉ là bệ đỡ cho câu chuyện phim mang tính chính kịch, kể về một cặp đôi rất xinh đẹp nhưng đang rơi vào cảnh chán nhau, trong khi đó một “tiểu tam” quyến rũ đang chực chờ để lôi kéo sự chú ý của anh chàng nam chính. Quốc Anh, Tiểu Vy và Kỳ Duyên đều gây được ấn tượng với khán giả. Họ diễn xuất tự nhiên và ăn ý với nhau.
“Bộ tứ báo thủ” gồm Trấn Thành, Lê Giang, Lê Dương Bảo Lâm và Uyển Ân cũng tung hứng để tạo nên những tràng cười sôi động. Theo tôi, bộ phim này sẽ ăn khách lớn tại phòng vé, bất chấp hai đối thủ còn lại là Nụ Hôn Bạc Tỷ và Yêu Nhầm Bạn Thân có tốt đến đâu.
Hai bộ phim Tết còn lại thuộc dòng rom-com (lãng mạn hài) với dàn diễn viên trẻ đẹp và câu chuyện hợp thời đại. Yêu Nhầm Bạn Thân của đạo diễn Diệp Thế Vinh & Nguyễn Quang Dũng được làm lại từ bộ phim ăn khách của Thái Lan (Friendzone) và được cải biên phù hợp với bối cảnh văn hóa của Việt Nam qua diễn xuất của Kaity Nguyễn, Trần Ngọc Vàng và Thanh Sơn. Trong khi đó Nụ Hôn Bạc Tỷ của đạo diễn Thu Trang là một bộ phim có kịch bản gốc. Thu Trang, Tiến Luật làm nền để hỗ trợ diễn xuất cho ba gương mặt trẻ đẹp. Nghe nói chất lượng của bộ phim rất khá và nó có thể làm nên sự bất ngờ trong cuộc đua phim Tết năm nay.
Ngay sau Tết, một danh sách dài những bộ phim lớn khác chờ được phát hành, trong đó có Địa Đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Thám Tử Kiên của Victor Vũ, Nhà Gia Tiên của Huỳnh Lập, Chốt Deal của Nam Cito và Bảo Nhân, và một bộ phim đang quay của đạo diễn Hàm Trần, thuộc thể loại hình sự kể về vụ không tặc đầu tiên ở Việt Nam.
Trong số những bộ phim được chờ đợi trong năm 2025, Địa Đạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là một ẩn số thú vị. Phim là một bản anh hùng ca về những người chiến sĩ ở trong lòng địa đạo Củ Chi trong những năm chiến tranh ác liệt. Được đầu tư kinh phí lớn và kịch bản rất được khen ngợi, cộng với tài năng chỉ đạo của đạo diễn tài năng Bùi Thạc Chuyên và dàn diễn viên tên tuổi, được dẫn đầu với Thái Hòa, người xem hoàn toàn có thể tin tưởng bộ phim này thành công tại phòng vé khi được khởi chiếu vào đầu tháng 4, đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nếu bộ phim này thành công, nó có thể mở đường cho những bộ phim mang tính sử thi về lịch sử Việt Nam – dòng phim từng một thời là chủ đạo của điện ảnh Việt Nam quay trở lại.
Bên cạnh những bộ phim thương mại thành công tại phòng vé, điện ảnh Việt cũng bắt đầu xuất hiện một thế hệ những đạo diễn trẻ mang phim đi dự thi các liên hoan phim quốc tế hàng đầu và mang về những giải thưởng quan trọng đầu tiên. Sự thành công của Ròm (đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy), Những Đứa Trẻ Trong Sương (Hà Lệ Diễm), Bên Trong Vỏ Kén Vàng (Phạm Thiên Ân), Cu Li Không Bao Giờ Khóc (Phạm Ngọc Lân) hay Mưa Trên Cánh Bướm (Dương Diệu Linh)… đã khiến giới phê bình quốc tế gọi tên là “một làn sóng mới đến từ Việt Nam”.
Nhưng, có lẽ gọi là “làn sóng mới” thì sớm quá vì các đạo diễn trẻ mới chỉ trình chiếu bộ phim đầu tay của mình. Cần thêm nhiều bộ phim và đạo diễn hơn nữa, mới may ra hình thành được một làn sóng mới. Dù sao những tín hiệu của một thế hệ đạo diễn mới này đã cho thấy dòng phim độc lập/nghệ thuật của Việt Nam cũng đang trên đà tăng tốc và hứa hẹn có thêm nhiều tác phẩm nữa trong tương lai.
Điện ảnh Việt vẫn đang trên đà tăng trưởng tốt. Ai hoạt động trong ngành này cũng đều nhận thấy được điều đó!
Tác giả: Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội; anh từng làm phóng viên, biên tập viên của tuần báo Sinh viên Việt Nam và thư ký tòa soạn tạp chí Thể thao Văn hóa; Đàn ông.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/dien-anh-viet-buoc-vao-thoi-an-nen-lam-ra-20250122073443652.htm