Hội nghị do Nikkei Business Publishing (Nhật Bản) phối hợp cùng Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ (IMT) và Hiệp hội Hợp tác Kỹ thuật hải ngoại và Đối tác bền vững (AOTS) tổ chức vào ngày 18.2.2025 với sự tham dự của 320 đại biểu gồm các chính khách, chuyên gia nổi tiếng và nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản.
Kỷ nguyên của chuyển đổi số
Hội nghị là nơi chia sẻ kinh nghiệm quý báu, giải pháp cụ thể, cũng như định hướng tương lai trong ứng dụng công nghệ số, tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Xã hội – kinh tế và nhân lực số; Đổi mới sản xuất và dịch vụ; Cộng hưởng giữa công nghệ số và trải nghiệm khách hàng.
Theo đó, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, các hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên chuyển đổi số đang là động lực lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống. Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề và tạo ra những tiện ích cho xã hội, từ giao thông, sản xuất và thương mại đến giảm phát thải carbon…

Diễn đàn kỹ thuật số châu Á 2025 thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham dự
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết tháng 3.2024, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí khởi động “Sáng kiến chung Nhật Bản – Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, trong đó nhấn mạnh các hợp tác về đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới chuỗi cung ứng.
TP.HCM cố gắng đạt tăng trưởng bình quân từ 8 – 8,5%/năm trong những năm tới. Năm 2025 kỳ vọng đạt tăng trưởng đến mức 2 con số. Tỷ trọng kinh tế số đóng góp cho thành phố kỳ vọng đạt mức 40%. Theo ông Hoan, các mục tiêu trên rất thách thức, đòi hỏi sự sáng tạo vượt bậc trong các yếu tố và phương thức sản xuất mới. Vì vậy, các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn kỹ thuật số châu Á 2025 để các bên gặp gỡ, tìm hiểu các giải pháp cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực, định hướng phát triển tương lai là điều hết sức cần thiết nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về những sáng tạo công nghệ mang tính nhân văn.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu khai mạc Diễn đàn kỹ thuật số châu Á 2025
“Đổi mới sáng tạo số không chỉ áp dụng cho việc phát triển kinh tế nói chung, mà còn là cách để phát triển xã hội một cách bền vững, gìn giữ môi trường và để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Hoan khẳng định.
Việt Nam – Nhật Bản có nhiều cơ hội hợp tác
Trong lễ khai mạc, ông Naoki Ito, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho hay, quan hệ Nhật Bản và Việt Nam đã được nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện. Từ đó, đã có nhiều hợp tác càng lúc càng cụ thể, sâu rộng. Tuyến đường sắt đô thị số 1 tại TP.HCM là một ví dụ. Tuyến đường sắt này đã dần thay đổi cách đi lại cũng như phong cách sống của người dân thành phố. “Không chỉ là đường sắt, đây còn là một ví dụ về hợp tác và chuyển đổi số. Các nhà thầu Nhật Bản thực hiện tuyến đường sắt, trong khi FPT Việt Nam triển khai hệ thống mua vé. Người dân có thể mua vé bằng QR code, không cần dùng tiền mặt. Thông qua việc hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt – Nhật, chúng ta có thể làm ra những sản phẩm để cùng nhau xâm nhập thị trường toàn cầu”, ông Naoki Ito hào hứng nói.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT (phải) trao đổi với Giáo sư Akie Ariyama về việc kinh doanh và ứng dụng công nghệ số
Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) chia sẻ thêm: “Giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều cơ hội để hợp tác, đặc biệt về nhân lực số, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, nhà máy thông minh. Phía Việt Nam sẵn sàng tạo những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp Nhật đăng ký, hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực này.”
Ông Kozo Mizushima, Tổng giám đốc Sojitz Việt Nam, đánh giá thế giới quan và nhân sinh quan của người Nhật và người Việt là tương đồng, nên trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam có lẽ là nơi phù hợp nhất về con người để hợp tác. Về phương diện hợp tác giữa các doanh nghiệp, hãy chọn hợp tác với doanh nghiệp có triết lý kinh doanh rõ ràng, và biết rõ phải làm gì để thực hiện sứ mệnh của mình. Ngoài ra, để tồn tại dài lâu, cần phải có một nền tảng triết lý liên quan đến đạo đức vững chắc, và khả năng thích ứng linh hoạt “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Trong phiên thảo luận về sứ mệnh của doanh nghiệp trong việc tạo ra một tương lai bền vững, các diễn giả khuyến nghị rằng đứng trước sự hấp dẫn về hiệu quả từ các giải pháp số, các doanh nghiệp cần quay về điểm cơ bản là lý do tồn tại của doanh nghiệp.
Giáo sư Akie Ariyama đến từ đại học Waseda cho rằng thời AI cũng chính là thời kỳ của tư tưởng, triết lý, niềm tin và giá trị đạo đức làm bánh lái cho các hành động. Trách nhiệm của doanh nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực, bao gồm góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng một xã hội an toàn và thuận tiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo việc làm, kích thích nền kinh tế địa phương và hỗ trợ sự phát triển của nhân viên. Doanh nghiệp càng lớn càng phải tiên phong thực hiện các trách nhiệm này, chứ không đơn thuần theo đuổi mục đích gia tăng lợi nhuận. Đây là quyết định mang tính chất nhân bản, rất cần đến sự kiên định của người đứng đầu.
Diễn đàn kỹ thuật số châu Á 2025 đã mang lại cho người tham dự những câu chuyện điển hình trong ứng dụng giải pháp số, chỉ ra các hoạt động cụ thể để vượt qua thách thức từ quyết tâm lãnh đạo đến chất lượng nguồn nhân lực, và tạo ra những cơ hội kết nối xuyên quốc gia để cùng nhau tạo ra những giải pháp cho phát triển bền vững.
“Tỷ trọng đóng góp kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế số hằng năm đến 20%. Việt Nam cũng ở nhóm đầu thế giới về sự cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), là quốc gia có 14 năm liên tiếp có sự nâng hạng về chỉ số này”, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), thông tin.
Nguồn: https://thanhnien.vn/dien-dan-ky-thuat-so-chau-a-2025-thu-hut-hang-tram-doanh-nghiep-tham-du-185250219091815192.htm