Chủ Nhật, Tháng hai 23, 2025
HomeThế GiớiDiễn đàn Tương lai ASEAN 2025 nhấn mạnh giá trị bền vững

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 nhấn mạnh giá trị bền vững

Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 25-26/2. Đây là sự kiện quan trọng với nhiều vấn đề sẽ được đưa ra bàn thảo, mang tới kỳ vọng về một sự kiện đa phương tái khẳng định tầm quan trọng của những nỗ lực chung trong việc định hình một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng ASEAN.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta, ông Beni Sukadis, điều phối viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược Indonesia (Lesperssi) cho rằng ASEAN đang thúc đẩy an ninh và hòa bình khu vực bằng cách tăng cường đối thoại, hợp tác và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và tuân thủ luật pháp quốc tế, qua đó đảm bảo một Đông Nam Á ổn định và thịnh vượng.

Ông Beni bày tỏ hy vọng các vấn đề được bàn thảo tại Diễn đàn sẽ nhấn mạnh giá trị của tính bền vững và tính tuần hoàn trong chuỗi cung ứng để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên.

Cách tiếp cận này nhằm đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế dài hạn thông qua tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Trong khi đó, Tiến sĩ Dinna Prapto Raharja, Cố vấn chính sách cấp cao, người sáng lập Viện nghiên cứu và đào tạo độc lập, Synergy Policies, lại cho rằng cơ chế của ASEAN đã có vẻ trở nên phức tạp hơn trong 10 năm qua.

Có rất nhiều cơ quan để hợp tác nhưng các cơ quan này không kết nối tốt với nhau và phản ứng nhanh trước các vấn đề.

Các sự kiện như Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 là cần thiết và có thể hữu ích, thúc đẩy quá trình ra quyết định từ các cơ quan ASEAN.

Tiến sỹ Dinna nhận định về một số xu hướng toàn cầu chính đang tác động tới ASEAN gồm: Sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc chỉ làm việc với một nhóm nhỏ các quốc gia và hành động nhanh chóng vì lợi ích độc quyền của nhóm nhỏ đó; sự suy yếu của các cơ chế và tổ chức của Liên hợp quốc; sự trỗi dậy của một số thế lực cực đoan ở một số quốc gia.

Trong khi đó, ở cấp độ khu vực, xu hướng là chờ đợi và xem xét đến mức phản ứng chậm.

Bà Dinna nhấn mạnh để trở thành một tác nhân gắn kết và thúc đẩy hòa bình, các nhà lãnh đạo ASEAN, bắt đầu từ cấp Bộ trưởng Ngoại giao, phải khởi xướng việc hợp lý hóa quá trình ra quyết định mà không loại bỏ quá trình thảo luận và sự tham gia của xã hội dân sự vào các vấn đề chiến lược.

Trong lĩnh vực kinh tế, căng thẳng địa chính trị đang thay đổi dòng chảy thương mại khi các nền kinh tế lớn có xu hướng chuyển một số thành phần trong chuỗi cung ứng của họ sang các đồng minh và đối tác, giảm thiểu rủi ro bất ổn trong nguồn cung nguyên liệu thô. Bà Dinna cho rằng ASEAN nên nắm bắt cơ hội này.

ASEAN là tổ chức có nhiệm vụ khởi xướng các ý tưởng và mô hình hợp tác cho các quốc gia thành viên để đảm bảo rằng các quốc gia thành viên ASEAN không bị tụt hậu trong dòng chảy thương mại đang thay đổi.

Bà Dinna đưa ra ví dụ trong việc ASEAN có thể đảm bảo hệ sinh thái xe điện (EV) với tất cả các nguyên liệu thô và thành phần, được sản xuất tại khu vực ASEAN, tuyển dụng nhân viên ASEAN, tạo ra những nghiên cứu và phát triển chung.

Nghiên cứu và phát triển ở đây đề cập đến quá trình đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm công nghệ mới hoặc cải tiến các sản phẩm, công nghệ hiện có.

Các quốc gia thành viên ASEAN hợp tác để đổi mới và phát triển công nghệ, đặc biệt là trong hệ sinh thái xe điện EV.

Điều này bao gồm việc khám phá các nguyên liệu thô mới, phát triển các thành phần và tạo ra phương pháp sản xuất hiệu quả để đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng EV nằm trong khu vực ASEAN.

Các nỗ lực nghiên cứu và phát triển chung có thể đem đến những tiến bộ đáng kể, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia thành viên.

Theo bà Dinna, việc bảo vệ hệ sinh thái EV trong khu vực ASEAN là một chiến lược tuyệt vời để thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới và tự lực trong khu vực. Đây là tầm nhìn có thể đảm bảo các quốc gia thành viên ASEAN duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Theo ông Beni Sukadis, ASEAN đang đàm phán các thỏa thuận như Thỏa thuận khung Kinh tế số (DEFA) để giải quyết các lĩnh vực mới nổi như thương mại kỹ thuật số và tính bền vững. Điều này sẽ giúp định hình các quy tắc và tiêu chuẩn cho các nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực.

Tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, bằng cách cải thiện kết nối khu vực thông qua các sáng kiến như Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025, ASEAN đang theo đuổi mục tiêu tạo ra một khu vực tích hợp và cạnh tranh hơn.

Ông Beni cho rằng việc xây dựng chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi là quan trọng nhằm tăng khả năng chống chọi với các thách thức toàn cầu như căng thẳng địa chính trị, biến đổi khí hậu, đại dịch và thiên tai.

Để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, ASEAN cam kết thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực và giữa ASEAN với phần còn lại của thế giới.

Điều này bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) và đảm bảo rằng tất cả các nhóm dân số, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương nhất, đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.

Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-gia-indonesia-dien-dan-tuong-lai-asean-2025-nhan-manh-gia-tri-ben-vung-post861179.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay