Theo một số chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo được khuyến khích để đáp ứng yêu cầu net zero, việc có biện pháp gỡ vướng cho các dự án này là rất cần thiết, không để dự án bị “đắp chiếu” gây lãng phí.
Mong phương án tháo gỡ “thấu tình đạt lý”
Với các dự án đã được thanh tra xác định có vi phạm, việc phải có biện pháp khắc phục các sai phạm để minh bạch hóa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thượng tôn pháp luật là cần thiết. Tuy nhiên làm thế nào để vừa xử lý đúng quy định pháp luật vừa “thấu tình đạt lý” nhằm huy động hiệu quả nguồn lực này, chia sẻ giữa Nhà nước và nhà đầu tư là yêu cầu đặt ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Thịnh, chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận, cho biết nhiều dự án bị vướng mắc về quy hoạch và chồng lấn quy hoạch, các thủ tục như đất đai và xây dựng. Đây là những điểm nghẽn không chỉ với các dự án trong diện kết luận thanh tra, mà cả với những dự án sắp triển khai. Nếu không có phương án tháo gỡ thì sẽ rất khó đưa dự án vào vận hành, lãng phí nguồn lực.
Theo ông Thịnh, có thực tế là khi đầu tư, các nhà đầu tư không ai biết khoáng sản ở đâu, được địa phương “bật đèn xanh” cho vào làm thì doanh nghiệp mới tham gia đầu tư. Nhưng đến khi rà soát và kết luận thanh tra lại xác định là dự án vi phạm, xây dựng vào đất quy hoạch khoáng sản, rất khó cho nhà đầu tư. “Hay với dự án bị vướng thủ tục đất đai, với tính chất đền bù phức tạp hiện nay, rất khó có dự án đáp ứng được yêu cầu”, ông Thịnh nói.
Đại diện doanh nghiệp tham gia vào một số dự án điện mặt trời cho biết sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra, nhiều chủ đầu tư dự án đã nỗ lực hoàn thiện và khắc phục các sai phạm. Đặc biệt là các quy định, thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng, môi trường, quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất – nguyên nhân chính khiến cho các dự án bị chậm triển khai.
“Cần xem xét đến bối cảnh triển khai dự án này ở giai đoạn 2019 – 2021, đó là giai đoạn cao điểm chống dịch COVID-19 nên chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong thu thập và hoàn thành hồ sơ. Vì vậy, trên cơ sở nghị quyết Chính phủ ban hành, việc rà soát xử lý vướng mắc với từng dự án cần đánh giá, tính toán đến những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư để có phương án xử lý phù hợp”, vị này đề xuất.
Xử lý phù hợp các vi phạm giá FIT
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mới, chưa có tiền lệ, thiếu kinh nghiệm, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh nên quá trình triển khai còn phát sinh một số sai phạm. Vì vậy, nguyên tắc xử lý là các cơ quan, cấp, ngành, địa phương nào phải giải quyết theo thẩm quyền. Với các dự án đã bị khởi tố, chỉ xử lý khắc phục các vi phạm sau khi bản án có hiệu lực theo quy định.
Theo vị này, có sáu nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án điện năng lượng tái tạo. Đó là cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình và dự án trọng điểm quốc gia. Với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai và xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định.
Với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng… sẽ được đánh giá và điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù hợp. Tuy nhiên với dự án được hưởng giá FIT có vi phạm, không đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì sẽ không được hưởng giá FIT ưu đãi và sẽ bị thu hồi khoản giá FIT. “Với dự án điện mặt trời trên đất nông – lâm nghiệp, nếu không đáp ứng quy định sẽ bị thu hồi giá FIT ưu đãi…”, vị này cho biết.
Tuy nhiên ông Bùi Văn Thịnh cho rằng cần đánh giá thận trọng phương án xử lý, thu hồi đối với các doanh nghiệp hưởng giá FIT chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện ưu đãi… Bởi khi các dự án đã ký hợp đồng PPA với EVN, được EVN công nhận ngày vận hành thương mại (COD), đó là thỏa thuận giữa bên mua với bên bán điện và là cơ sở pháp lý khi thưa kiện.
“Việc xác nhận nghiệm thu sau khi COD có thể có nguyên nhân từ thủ tục đất đai, quy hoạch chậm được giải quyết. Nên nếu xác định đó là vi phạm, cần làm rõ các quy định để làm cơ sở xử lý hài hòa, phù hợp lợi ích các bên” – ông Thịnh nói và cho rằng một khi bị ép buộc áp dụng giá chuyển tiếp, trước nguy cơ phá sản, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, sẽ kiện EVN.
Nhà đầu tư lo phá sản nếu bị thu hồi giá FIT
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, việc xác định dự án nào bị thu hồi giá FIT cũng cần thận trọng, tránh đánh đồng giữa “tội” và lỗi”, giữa cố tình và vô ý trên tinh thần tránh lãng phí nguồn lực xã hội, tránh để xảy ra khiếu kiện làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết đã tính toán mặt bằng giá với các chỉ tiêu tài chính tại từng thời điểm khi triển khai dự án. Vì vậy nếu bị cắt giảm và thanh toán giá điện chuyển tiếp (có thể bị giảm tương ứng 30 – 50%), cũng như phải trả lại tiền chênh lệch hưởng giá FIT, nhà đầu tư có thể bị phá vỡ phương án tài chính, thậm chí phá sản.
Rà soát kỹ để xử lý vướng mắc
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị công bố nghị quyết, việc giải quyết vướng mắc thực hiện với tinh thần lựa chọn phương án xử lý tối ưu, hạn chế tối đa tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng môi trường đầu tư. Việc xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng để tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc cho các dự án.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì rà soát kỹ các trường hợp khó khăn vướng mắc của dự án điện năng lượng tái tạo, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý từng vướng mắc; khẩn trương rà soát, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện 8, kế hoạch thực hiện và quy hoạch khoáng sản…
Với các chủ đầu tư tích cực và chủ động khắc phục đầy đủ các vi phạm, thiếu sót do cơ quan có thẩm quyền đã chỉ ra; có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, vận hành của dự án phù hợp với quy định của pháp luật… thì phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vướng mắc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dien-tai-tao-dinh-thanh-tra-van-cho-thao-go-20241220100726579.htm