Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (đề án).
Nguyên tắc đặt tên gọi, vị trí đặt trung tâm hành chính
Về nguyên tắc xác định tên gọi, đề án nêu rõ việc đặt tên cho ĐVHC sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hoá.
Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các ĐVHC trước khi sáp nhập để đặt tên cho ĐVHC hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến ĐVHC cấp tỉnh.
Tên gọi của ĐVHC mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.
Nghiên cứu đặt tên của xã, phường theo số thứ tự hoặc theo tên của ĐVHC cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin.
Tên của xã, phường mới sau sắp xếp không được trùng với tên của ĐVHC cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoặc phạm vi tỉnh, TP dự kiến thành lập theo định hướng sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Lựa chọn trung tâm hành chính – chính trị của một trong số các ĐVHC hiện nay là trung tâm hành chính – chính trị của ĐVHC mới để bảo đảm chính quyền địa phương nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định.
Trung tâm hành chính – chính trị của ĐVHC mới có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông phát triển (sân bay, đường bộ, cảng,…), dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, TP và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển.

Trung tâm hành chính – chính trị của ĐVHC mới cần có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của ĐVHC mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh.
Sau khi ĐVHC mới đi vào hoạt động ổn định, có thể nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các trung tâm hành chính – chính trị mới hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển chung của địa phương và tạo ra không gian phát triển mới.
Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, quá trình sắp xếp ĐVHC các cấp ở Việt Nam, cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành ĐVHC cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất 06 tiêu chí sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh gồm diện tích; dân số; tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc; tiêu chí về địa kinh tế; tiêu chí về địa chính trị; tiêu chí về quốc phòng, an ninh.
Lý do Cao Bằng không sáp nhập
Căn cứ vào sáu tiêu chí và định hướng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại các Kết luận 127, 130, 137, Chính phủ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, đa chiều với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh trình Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thông qua.
Cụ thể, định hướng là có tổng số 52 ĐVHC cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, gồm: gồm TP là Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và 48 tỉnh.
Những tỉnh này gồm Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hoà Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Kiên Giang.
Riêng đối với tỉnh Cao Bằng có diện tích chưa đạt theo quy định (6.700,4 km2 chỉ đạt 83,8% tiêu chuẩn) nhưng không thực hiện sắp xếp.
Về lý do, Đề án nêu rõ Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới quốc gia rất dài giáp với nước Trung Quốc, địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, hiểm trở, có gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Các tỉnh giáp ranh đều không phù hợp để sắp xếp, sáp nhập. Cụ thể, phía Tây giáp ranh tỉnh Hà Giang đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh mới có diện tích lớn. Phía Nam giáp ranh với tỉnh Bắc Kạn nhưng đã dự kiến sáp nhập với tỉnh Thái Nguyên.
Phía Đông giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn có diện tích lớn và đã bảo đảm đạt 100% cả hai tiêu chuẩn về diện tích và dân số, nếu sáp nhập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn sẽ thành một tỉnh mới có chiều dài đường biên giới lớn, khó khăn trong công tác bảo đảm quốc phòng an ninh.
Phương án sắp xếp 52 ĐVHC cấp tỉnh
Đề án nêu rõ sáp nhập tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang mới có diện tích 13.795,6 km2 và dân số 1.731.600 người.
Sáp nhập tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lào Cai, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái mới có diện tích 13.257 km2 và dân số 1.656.500 người.
Sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên mới có diện tích 8.375,3 km2 và dân số 1.694.500 người.
Sáp nhập tỉnh Hòa Bình, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ để thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Phú Thọ, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện nay (giảm 2 tỉnh) có diện tích 9.361,4 km2 và dân số 3.663.600 người.
Sáp nhập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh (đã được quy hoạch đến năm 2030 trở thành TP trực thuộc trung ương) thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Bắc Giang; tỉnh Bắc Giang mới có diện tích 4.718,6 km2 và dân số 3.509.100 người.
Sáp nhập tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Hưng Yên, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Hưng Yên; tỉnh Hưng Yên mới có diện tích 2.514,8 km2 và dân số 3.208.400 người.
Sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng thành một TP trực thuộc trung ương có tên gọi là TP Hải Phòng, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Thủy Nguyên; TP Hải Phòng mới có diện tích 3.194,7 km2 và dân số 4.102.700 người.
Sáp nhập tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình (đã được quy hoạch đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí TP trực thuộc Trung ương) thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Ninh Bình, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình hiện nay; (giảm 2 tỉnh) có diện tích 3.942,6 km2 và dân số 3.818.700 người.
Sáp nhập tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện nay (giảm 1 tỉnh) có diện tích 12.700 km2 và dân số 1.584.000 người.
Sáp nhập tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng thành một TP trực thuộc trung ương có tên gọi là TP Đà Nẵng, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 11.859,6 km2 và dân số 2.819.900 người.
Sáp nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 14.832,6 km2 và dân số 1.861.700 người.
Sáp nhập tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Gia Lai, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 21.576,5 km2 và dân số 3.153.300 người.
Sáp nhập tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa (đã được quy hoạch đến năm 2030 trở thành TP trực thuộc trung ương) thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 8555,9 km2 và dân số 1.882.000 người.
Sáp nhập tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay (giảm hai tỉnh) có diện tích 24.233,1 km2 và dân số 3.324.400 người.
Sáp nhập tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 18.096,4 km2 và dân số 2.831.300 người.
Sáp nhập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP.HCM thành 1 TP trực thuộc trung ương có tên gọi là TP.HCM, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại quận 1, TP.HCM hiện nay (giảm hai tỉnh), có diện tích 6.772,6 km2 và dân số 13.608.800 người.
Sáp nhập tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 12.737,2 km2 và dân số 4.427.700 người.
Sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Tây Ninh, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Tân An, tỉnh Long An hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 8.536,5 km2 và dân số 2.959.000 người.
Sáp nhập tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ thành TP trực thuộc trung ương mới có tên gọi là TP Cần Thơ, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ hiện nay (giảm hai tỉnh), có diện tích 6.360,8 km2 và dân số 3.207.000 người.
Sáp nhập tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh thành một tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hiện nay (giảm hai tỉnh) có diện tích 6.296,2 km2 và dân số 3.367.400 người.
Sáp nhập tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (giảm một tỉnh) có diện tích 5.938,7 km2 và dân số 3.397.200 người.
Sáp nhập tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 7.942,4 km2 và dân số 2.140.600 người.
Sáp nhập tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay (giảm một tỉnh) có diện tích 9.888,9 km2 và dân số 3.679.200 người.

Nguồn: https://plo.vn/dien-tich-dan-so-cua-23-tinh-thanh-pho-moi-sau-sap-nhap-post844411.html