Quân Long Tường tan lở
Giờ Thìn [7 – 9 giờ sáng], Tổng đốc Long Tường Lê Phúc Bảo nghe tin bại trận, liền sai Phó lãnh binh tỉnh Định Tường là Nguyễn Văn Chính đem 13 binh thuyền đi cứu viện. Chính đụng đầu 16 chiếc thuyền của quân nổi dậy ở phần sông gần miếu Xá Hương. Hai bên giao chiến, quân Định Tường thua chạy, bị cướp mất 10 chiếc thuyền. Giờ Dậu [5 giờ chiều – 7 giờ tối], Lê Phúc Bảo nghe tin bại trận, lại nghe tin có một cánh quân nổi dậy từ sông Sài Gòn kéo thẳng ra sông Bến Lức. Lê Phúc Bảo sợ bị giáp kích, liền ngay trong đêm đem quân chạy về Cù Úc (Vũng Gù). Quân nổi dậy chia đường tiến lên.
Rạng sáng ngày mồng 8, Lê Phúc Bảo chạy đến Vũng Gù thì quân nổi dậy đã đuổi kịp. Lê Phúc Bảo xua binh thuyền ra chiến đấu. Quân tiền đạo của Bảo bị phá tan. Quân nổi dậy nhân thế nước triều tiến công. Quân Long – Tường tan rã. Tổng đốc Lê Phúc Bảo, Phó thống đồn Uy Viễn là Nguyễn Văn Vị mỗi người chỉ đem được một chiếc thuyền chạy thoát thân.
Định Tường thất thủ
Trong khi quân Long – Tường đang bị đánh tan tác, Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương vẫn còn đóng ở phần sông thuộc tỉnh lỵ Định Tường. Nghe nói quân nổi dậy có một nhóm binh thuyền ngoài biển, sợ họ xâm nhập cửa Tiểu, Lê Đại Cương bèn đóng quân lại không tiến. Khoảng giờ Tuất [7 – 9 giờ tối] đêm mồng 7 tháng 6, quân lính tỉnh Định Tường thua chạy về, báo tin thua trận ở sông Tra. Giờ Thân [3 – 5 giờ chiều] ngày mồng 8, thự Tuần phủ Định Tường là Tô Trân lại được tin báo bại trận ở Vũng Gù. Trong tỉnh lỵ Định Tường bấy giờ chỉ còn 100 lính và hơn 200 dân phu. Tô Trân bèn đi tìm Lê Đại Cương xin chia quân đi tiếp viện cho Tổng đốc Lê Phúc Bảo ở Vũng Gù, đồng thời chia quân giúp phòng thủ tỉnh thành.
Lê Đại Cương không chấp nhận kiến nghị của Tô Trân, ngược lại còn thông báo sẽ đưa binh thuyền của mình về địa phận sông Ba Lầy ở thôn Kiến Đăng, huyện Hội Sơn trong tỉnh Định Tường để bảo vệ mạn trên. Ông ta giải thích trong công văn gửi về triều đình rằng:
“Thần thiết nghĩ: Hạt Định Tường về mạn bắc một dải sông dài, có 2 con sông chính, một sông chính ở mạn trên gọi là Đăng Giang (nguyên tục danh là lạch Chanh) thông đến sông Tiền Giang gọi là Ba Lầy; một sông chính nữa gọi là Cù Úc thông đến tỉnh thành Định Tường. Nay binh thuyền của bọn giặc đã vào dải sông dài ấy, mà kỳ này gió nam thổi mạnh, dòng nước chảy xiết, thế tất nhiên chúng chia đường do sông Đăng ra sông Ba Lầy đi xuống, mà binh thuyền của thần đóng ở tỉnh Định Tường là mạn dưới, thần lập tức tư báo cho viên Lê Phúc Bảo và viên Thự phủ Định Tường [là Tô Trân] ở đấy tập họp biền binh chạy về, và viên Thự phủ ấy hiện đã gọi bắt dân phu ở tỉnh thành ấy được 5, 6 trăm tên đóng giữ thành ấy để phòng bọn giặc đến đánh úp. Còn binh thuyền của thần thì đến sông Ba Lầy đóng giữ” (Khâm định tiễu bình Nam Kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên, tr.96).
Báo cáo của Lê Đại Cương tuyên bố trong tay Tô Trân có đến 500 hoặc 600 người, trong khi chính Tô Trân cho biết mình chỉ có tổng cộng 300 quân, chỉ một phần ba số đó là lính chiến. Tô Trân cố lưu Lê Đại Cương lại nhưng ông này không nghe. Ước chừng giờ Tuất [7 – 9 giờ tối] hôm đó, binh thuyền của Lê Đại Cương rút đi. Một giờ sau, Tổng đốc Lê Phúc Bảo và hơn 30 lính ngồi một chiếc thuyền duy nhất chạy về tỉnh lỵ Định Tường.
Tổng đốc An Hà đem quân rút chạy. Tổng đốc Long Tường thì tan quân trở về. Lòng người trong tỉnh lỵ Định Tường hoàn toàn vỡ lở. Giờ Tỵ [9 – 11 giờ sáng] ngày mồng 9, binh và dân trong tỉnh lỵ bỏ trốn hết sạch. Trong tay Tô Trân chỉ còn 20 người lính các đội Cường tráng, Giáo dưỡng. Giờ Ngọ [11 giờ trưa – 1 giờ chiều], binh thuyền của quân nổi dậy kéo tới nơi. Lính Hồi lương và tù giam trong tỉnh phá ngục làm loạn. Tổng đốc Lê Phúc Bảo bỏ thành chạy trước, thự Tuần phủ Tô Trân, Án sát Ngô Bá Tuấn cũng bỏ chạy theo. Tỉnh Định Tường thất thủ. Quân nổi dậy cho Cai đội Bắc Thuận cũ là Lê Viết Chương làm Trấn phủ, Binh tào Tư vụ cũ là Bùi Văn Thuận làm Tham phủ. Việc chiếm Định Tường giúp quân nổi dậy nắm trong tay ba tỉnh: Phan Yên, Biên Hòa, Định Tường. Hôm sau, họ sẽ mất tỉnh Biên Hòa, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến khí thế tiến công của quân nổi dậy ở miền tây.
Tổng đốc Long Tường Lê Phúc Bảo bỏ tỉnh Định Tường, chạy về Ba Lầy tìm Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương. Giờ Mùi [1 – 3 giờ chiều] ngày mồng 9 tháng 6, Lê Đại Cương gặp Bảo, khuyên ông này đi Vĩnh Long chiêu tập binh dân để phòng ngự tỉnh lỵ Vĩnh Long và hứa sẽ dời binh thuyền về thượng lưu tỉnh thành Vĩnh Long để làm thanh viện. Cả hai còn muốn tái chiến lần nữa. Nhưng có được chăng? (còn tiếp)
(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký – toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)
Nguồn: https://thanhnien.vn/dinh-tuong-that-thu-185250106234853168.htm