Thứ hai, Tháng hai 24, 2025
HomeThời SựĐổi mới tư duy về lĩnh vực y tế, chú trọng công...

Đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế, chú trọng công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.

Các chỉ tiêu sức khoẻ cơ bản của người dân được cải thiện rõ

Tại buổi làm việc, báo cáo tóm tắt kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của ngành ngành Y tế trong thời gian qua, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Y tế cho biết, ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các chỉ tiêu sức khoẻ cơ bản và mức độ hưởng thụ dịch vụ y tế của người dân được cải thiện rõ rệt qua các năm; nhiều chỉ tiêu đã vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tuổi thọ trung bình của người dân hiện nay là 74,7 tuổi; chiều cao của người Việt Nam nâng lên; tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi giảm đáng kể.

Đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế, chú trọng công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ảnh 1
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Hệ thống các cơ sở khám bệnh chữa bệnh được tổ chức theo ba cấp chuyên môn, phân bố theo các vùng miền trong cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân. Năm 2024, số giường bệnh trên một vạn dân đạt 34 giường bệnh. Mạng lưới y tế tư nhân cũng phát triển mạnh; trên cả nước có 343 bệnh viện tư với tổng số giường bệnh chiếm 5,26% tổng số giường bệnh toàn quốc. Mô hình kết hợp quân dân y, y tế công an nhân dân, y tế biển đảo được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai từ năm 1985 tại 100% xã, phường trong cả nước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm.

Đội ngũ nhân lực y tế ngày càng được tăng cường về số lượng và chất lượng. Năm 2024, các chỉ tiêu nhân lực y tế trên 1 vạn dân lần lượt là 14 bác sỹ, 18 điều dưỡng và 3,3 dược sỹ đại học. Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y khoa (như ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai, các kỹ thuật can thiệp tim mạch; thụ tinh trong ống nghiệm; ghép tế bào gốc; kỹ thuật mổ cột sống có sử dụng Robot… ). Các kỹ thuật này đã và đang tiếp tục được chuyển giao từ các chuyên gia của bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến trên tới bệnh viện các địa phương trong cả nước. Cùng với đó, phát huy tiềm năng và thế mạnh của y dược cổ truyền.

Ngành y tế đã tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế ngày càng được chú trọng và phát triển. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đã triển khai Sổ sức khoẻ điện tử; 100% cơ sở khám, chữa bệnh có ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT đã kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp được gần 21 triệu tài khoản thẻ BHYT, trong đó có gần 16 triệu tài khoản Sổ sức khoẻ điện tử (đạt gần 16% dân số cả nước)…

Bên cạnh kết quả đạt được, ngành y tế còn có những khó khăn, tồn tại. Đó là: Sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền về chỉ số sức khỏe, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và chất lượng dịch vụ y tế. Hệ thống y tế vẫn chủ yếu tập trung vào điều trị; công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở chưa được chú trọng đúng mức; người dân phải đương đầu với gánh nặng bệnh tật kèm theo gánh nặng chi phí y tế gia tăng. Quy mô nhân lực y tế chưa đạt như kỳ vọng. Cơ chế tài chính cho y tế cơ sở còn nhiều khó khăn, chưa đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng chưa tạo khích lệ phù hợp để tăng cường năng lực và chất lượng dịch vụ y tế cơ sở. Đầu tư phát triển khoa học công nghệ chưa đồng bộ, kịp thời để đáp ứng được tốc độ phát triển khoa học công nghệ chung của khu vực và quốc tế.

Nâng cao y đức, chú trọng phòng bệnh cho nhân dân

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng, lao động, cống hiến và trưởng thành của ngành y tế; biểu dương thành tích đã đạt được, những đóng góp to lớn của ngành trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ giáo sư, bác sỹ, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cả nước. Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những thách thức hiện nay, những hạn chế, bất cập trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và chỉ đạo phương hướng nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành y tế không chỉ là khám, chữa bệnh mà phải là phòng ngừa bệnh tật, chăm sóc sức khỏe nhân dân để hạn chế bệnh tật.

Tổng Bí thư khẳng định, để giải quyết các thách thức đối với ngành y tế hiện nay và trong nhiều năm tới, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực y tế, ngành y tế cần đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế; tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ; tăng cường năng lực cho sức khỏe sinh sản, nhi khoa và lão khoa; tăng cường y tế cộng đồng; tăng cường số lượt người dân được đến các cơ sở y tế thăm, khám sức khỏe hàng năm hoặc mỗi nửa năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn, rào cản, nút thắt để ngành y tế vươn dậy, để có được “một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta” như mong muốn của Bác Hồ cách đây 70 năm.

Nhấn mạnh yêu cầu nâng cao y đức trong cán bộ y tế, Tổng Bí thư đề nghị, thực hiện thật tốt những Lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành y, mỗi thầy thuốc, bác sỹ, cán bộ công nhân viên ngành y tế ngoài việc làm thật tốt chuyên môn thì phải nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân; đối xử công bằng, không phân biệt “nhân thân” người bệnh; tôn trọng quyền và nhân phẩm của bệnh nhân; trung thực, khách quan trong thực hành công việc; luôn học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn; thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, để thực sự là “ Mẹ hiền” trong con mắt bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Ngành y tế cần tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở. Nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; bảo đảm y tế cơ sở đủ bác sĩ và nhân viên y tế có trình độ, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ y tế để thu hút người dân khám chữa bệnh tại địa phương thay vì đổ dồn lên bệnh viện tuyến trên. Nâng cao hiệu quả của các chương trình tiêm chủng và y tế dự phòng, mở rộng độ bao phủ của chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh nhiệm vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân thì cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh, các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu để hạn chế bệnh tật.

Để giảm tải bệnh viện tuyến trên, Tổng Bí thư chỉ rõ, ngành y tế tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; đầu tư phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu tại các địa phương; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận bác sĩ chuyên khoa mà không cần di chuyển xa; xây dựng hệ thống tư vấn sức khỏe trực tuyến để hỗ trợ chẩn đoán ban đầu; khuyến khích phát triển các bệnh viện, dịch vụ y tế ngoài khu vực nhà nước. Bộ Y tế cần sớm có đề xuất cụ thể để cải thiện mức lương và chế độ phụ cấp cho bác sĩ, y tá, nhất là vùng khó khăn; hỗ trợ tài chính cho sinh viên y khoa cam kết làm việc tại y tế cơ sở sau khi tốt nghiệp; tạo điều kiện để bác sĩ tham gia hội nghị khoa học, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm.

Bộ Y tế cũng cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế để hỗ trợ người yếu thế; cải thiện danh mục chi trả bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Hoàn thiện pháp luật về y tế, xây dựng chiến lược tổng thế chăm sóc sức khỏe con người, sức khỏe cộng đồng. Sớm khắc phục bất cập trong đấu thầu mua sắm thuốc và thiết bị y tế – một “điểm nghẽn” về thể chế, không để ảnh hưởng đến vận hành của ngành y tế, đến chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại; đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu đông y, phát triển các phương pháp chữa bệnh hiệu quả bằng thảo dược; hỗ trợ đào tạo bác sĩ y học cổ truyền, mở rộng mô hình kết hợp đông – tây y.

Đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế, chú trọng công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ảnh 2
Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng ngành y tế nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025). (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư yêu cầu thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai bệnh án điện tử, đồng bộ dữ liệu sức khỏe giữa các bệnh viện và cơ sở y tế. Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong chẩn đoán, điều trị bệnh và phân tích xu hướng dịch bệnh, đồng thời đầu tư phát triển các phần mềm hỗ trợ bác sĩ trong việc ra quyết định điều trị, tăng độ chính xác trong chẩn đoán bệnh. Nâng cao công tác y tế cộng đồng, tuyên truyền phòng bệnh trong nhân dân, phát triển phong trào rèn luyện thể lực, khuyến khích kiểm tra sức khỏe định kỳ; khuyến khích lối sống lành mạnh, phòng chống bệnh tật. Chú trọng hợp tác quốc tế để tăng cường năng lực kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh; hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp y tế. Quan tâm vấn đề vệ sinh môi trường sống, chú trọng giáo dục cộng đồng về giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi làm việc…

* Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm chúc mừng Ngành Y tế nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2025) và ghi sổ truyền thống với nội dung: Tự hào về truyền thống hào hùng của Ngành Y tế Việt Nam. Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân của chúng ta đã được kế thừa từ lịch sử của dân tộc, của đất nước. Ngành Y tế tự hào có Lời dạy của Bác Hồ và phải thi đua thực hiện thật tốt những Lời dạy của Bác mà sâu sắc nhất là Lương y như Từ mẫu… Đất nước Việt Nam trường tồn và phát triển được là có sự đóng góp rất quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ và trách nhiệm này cho ngành Y tế, mong muốn các thế hệ giáo sư, thầy thuốc, bác sỹ, nhân viên y tế hoàn thành tốt sứ mạng cao cả vinh quang này.

Nguồn: https://nhandan.vn/doi-moi-tu-duy-ve-linh-vuc-y-te-chu-trong-cong-tac-phong-benh-va-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan-post861367.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay