Đó cũng là chủ đề mà ANESSA Sunshine Project, dự án thể thao trẻ em do Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) và Liên đoàn Bóng đá TP.HCM (HFF) phối hợp, triển khai tại Việt Nam.
Vấn đề ai cũng sợ
Chẳng ai lại muốn phải hành xác trong tiết trời nóng bức và ánh nắng mặt trời như thiêu đốt. Nhưng với rất nhiều người muốn tập luyện thể thao, họ lại không còn cách nào khác.
Đó thường là những người tập chạy bộ, đạp xe, hoặc phổ biến nhất là chơi bóng đá phong trào. Vào những ngày cuối tuần, các sân bóng đá mini vẫn luôn kín chỗ trong khoảng thời gian 8h sáng đến 11h trưa, thời điểm ánh nắng mặt trời bắt đầu gây ra nhiều tổn hại.
Kể cả ở sân chơi thể thao đỉnh cao, nắng nóng cũng thường khiến các VĐV ngôi sao phải khốn đốn. Tại Olympic Tokyo, một cung thủ người Nga từng ngất xỉu trong quá trình thi đấu vì không quen nổi với thời tiết ở Nhật Bản. Hay như các nữ cầu thủ cũng thường xuyên kiện cáo ở Olympic vì bị xếp lịch thi đấu vào giữa trưa (để nhường “giờ vàng” cho các trận bóng đá nam).
Lâm Quang Nhật, VĐV bơi lội và triathlon hàng đầu Việt Nam, từng phải ngừng thi đấu vì nhịp tim tăng quá cao mà thời tiết nắng nóng là một phần nguyên do. Ở các giải chạy chuyên nghiệp lẫn phong trào, tình trạng VĐV bị đột quỵ do nắng nóng cũng thường xuyên xuất hiện.
Bác sĩ Phan Tấn Tài (Bệnh viện Trưng Vương) chia sẻ về vấn đề này: “Lời khuyên của tôi là nên tránh thi đấu trong điều kiện nắng nóng nếu có thể. Nắng nóng khiến cơ thể chúng ta ra mồ hôi nhiều, dẫn đến mất nước và điện giải.
Mất nước và điện giải gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ thần kinh và tim mạch. Ngoài ra, hiệu suất thi đấu cũng sẽ giảm, dễ dẫn đến các chấn thương. Mất nước nhiều cũng làm tăng thân nhiệt và nhịp tim, dễ dẫn đến rối loạn nhịp tim”.
Trẻ em càng đáng lo
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), vấn đề nắng nóng càng tác động lớn đến trẻ em bởi trẻ em ít có khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng người lớn, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, hen suyễn, tim mạch… Trẻ em cũng là đối tượng chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. UNICEF vì vậy thường xuyên đưa ra khuyến cáo liên quan đến việc chơi thể thao ngoài trời ở các nước nhiệt đới.
Cũng vì vậy, dự án thể thao trẻ em do JFA và HFF phối hợp triển khai nhận được nhiều sự ủng hộ của các phụ huynh Việt Nam.
Cầu thủ Nguyễn Công Phượng, người đồng hành với dự án, chia sẻ trong sáng 3-11: “Là một cầu thủ bóng đá, thời gian tập luyện dưới ánh mặt trời đã đóng góp rất nhiều vào sự thành công của tôi, giúp tôi rèn luyện sức mạnh thể chất và sức bền tinh thần.
Tôi rất vinh dự khi được đồng hành cùng dự án với mong muốn khuyến khích các em tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn một cách an toàn bằng các biện pháp phù hợp”.
Hàng trăm trẻ em đã giao lưu, chơi bóng cùng Công Phượng và nghe các chuyên gia, HLV của JFA chia sẻ những cách thức hợp lý để phòng chống tác hại của nắng nóng khi chơi thể thao ngoài trời. Bổ sung nước và điện giải, sử dụng đồng hồ thể thao để theo dõi nhịp tim xuyên suốt, mặc trang phục mỏng nhẹ có màu sáng để thuận lợi giúp cơ thể thoát nhiệt, sử dụng kem chống nắng… là những cách thức phù hợp.
“Trong nhiều trường hợp, chơi thể thao trong bóng râm, phòng lạnh cũng chưa chắc đã an toàn hơn ngoài trời. Đặc biệt là yếu tố sốc nhiệt, khi chúng ta vừa chơi thể thao từ phòng lạnh bước ra ngoài trời nắng gắt sẽ rất dễ gặp phải. Vì vậy chơi thể thao ngoài trời vẫn tốt và an toàn nếu chúng ta có biện pháp phòng chống hợp lý”, bác sĩ Phan Tấn Tài chia sẻ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/doi-pho-voi-nang-nong-khi-choi-the-thao-bang-cach-nao-20241104084243064.htm