Thứ sáu, Tháng hai 21, 2025
HomeThời SựĐột phá tạo đô thị hiện đại

Đột phá tạo đô thị hiện đại

Đột phá tạo đô thị hiện đại - Ảnh 1.

Khu vực Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu hiện tại chủ yếu phát triển dàn ngang nên không thể phát triển giao thông công cộng. Nếu quy hoạch lại theo mô hình TOD (gắn phát triển đô thị với giao thông công cộng) sẽ nén dân cư lại trong các khu dân cư mới (xây cao tầng, không gian ngầm) với đầy đủ hạ tầng giao thông – xã hội sẽ cải thiện thực trạng giao thông và môi trường sống của người dân – Ảnh: THANH HIỆP – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Việc thực hiện TOD là bước đi quan trọng trong thực hiện nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và còn là bước đi đầu tiên góp phần hoàn thiện mô hình TOD ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, sẽ quy hoạch lại đô thị gắn với các “xương sống” giao thông công cộng mới để tiến tới đa số người dân sống và làm việc trong các “đô thị nén” đầy đủ tiện ích với những tòa nhà cao tầng, từ đó bỏ sử dụng xe cá nhân và chuyển sang sử dụng giao thông công cộng.

Ý tưởng đề xuất nghiên cứu mô hình TOD Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu (quận Bình Thạnh) sẽ mở ra cơ hội tái thiết đô thị ở các khu phố cũ xuống cấp và phát triển hệ thống giao thông công cộng.

* Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):

Cầu cạn trên cao, mở đường cục bộ khó giải quyết các vấn nạn đô thị

Ông cha ta nói từ lâu “lộ thông, tài thông”. Giao thông mà phát triển thì kinh tế phát triển, tiền bạc sẽ về. Nên trước hết phải đột phá hạ tầng giao thông.

1739932980 242 Dot pha tao do thi hien daiÔng Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)

Lâu nay giải pháp làm cầu cạn, cầu sắt lắp ghép trên cao, hầm vượt hoặc mở rộng, cải tạo đường cục bộ thường được đưa ra với mục tiêu giải quyết tình trạng kẹt xe, ngập úng ở các khu vực nút giao đô thị như Hàng Xanh, ngã sáu Phù Đổng, nút giao Cộng Hòa…

Tuy nhiên, những giải pháp này dù cần thiết nhưng chỉ mang tính hiệu quả thời điểm, điểm nghẽn giao thông được dịch chuyển từ chỗ này qua chỗ khác.

Ví dụ như nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ – Nguyễn Văn Linh (quận 7 – Nhà Bè) làm hầm vượt sẽ giải quyết được kẹt xe khu vực này, nhưng lượng xe thoát ra nhanh sẽ tăng điểm nghẽn cầu Kênh Tẻ (quận 7), cầu Kênh Xáng (quận 8)…

Bởi vậy, chỉnh trang đô thị và tái chỉnh trang đô thị phải đồng bộ, mà muốn đồng bộ phải dựa trên cơ sở quy hoạch và cách làm chỉnh trang bài bản trên toàn hướng tuyến thuộc khu vực.

Việc này đòi hỏi những cách làm mới, đột phá tương tự như ý tưởng làm TOD khu vực Hàng Xanh – Bình Triệu hay ở các khu vực dọc hệ thống đường sắt đô thị chứ không chỉ ở một vài vị trí tắc nghẽn.

Mục tiêu theo ý chí chính trị được tán thành, thống nhất cao từ trên xuống dưới và được người dân ủng hộ. Hệ thống pháp luật đã được xây dựng mới theo hướng đồng bộ, thống nhất so với trước đây để tạo nền tảng cho việc này thực hiện tốt. Cuối cùng việc thực thi cho thấy sự vào cuộc của chính quyền quyết liệt để đưa ra các đề án, đề xuất các cơ chế chính sách rất mới.

TP.HCM đang bước vào thời điểm hết sức quan trọng trong đột phá phát triển hạ tầng giao thông, tái điều chỉnh đô thị vốn phát triển còn lộn xộn, tự phát và nhiều bất cập, hạn chế.

Chính quyền TP.HCM cũng đang quyết liệt hơn để đưa ra những đề án phát triển hạ tầng đô thị so với trước đây. Có sự thay đổi bởi hiện nay có sự thay đổi rất lớn ở ý chí chính trị của Tổng Bí thư và các cơ quan có thẩm quyền trung ương định ra những định hướng phát triển đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Luật Đất đai 2013 đã quy định quy chế cho người dân góp quyền sử dụng đất vào các dự án đầu tư nhưng do thiếu những cơ chế cụ thể nên không thực hiện được. Hiện nay Luật Đất đai 2024 tiếp tục quy định cơ chế góp đất. Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy đất nước này đã chỉnh trang nhiều khu đô thị cũ ngập nước, xuống cấp thành các khu đô thị mới quy củ, khang trang, hiện đại nhờ cơ chế này.

TP.HCM cũng làm dự án tương tự nhưng quy mô nhỏ tầm 3,5ha ở khu dân cư Xóm Cải (phường 8, quận 5) vào những năm 1990. Khu đất vốn là vùng đất trồng cải, nhà cửa lụp xụp nhếch nhác, sau khi cải tạo trở nên khang trang, quy củ. Những người có nhà mặt tiền được tái định cư ngay mặt tiền, nhiều nhà trong hẻm được tái định cư ngay trên các căn hộ. Đây cũng là kinh nghiệm để TP.HCM đưa ra cách làm mới, đột phá cho việc chỉnh trang và tái điều chỉnh đô thị.

Đột phá tạo đô thị hiện đại - Ảnh 2.

Khu vực từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu, cửa ngõ quan trọng của TP.HCM, được đề xuất phát triển theo mô hình TOD – Ảnh: THANH HIỆP

* Ông Hoàng Ngọc Tuân (trưởng phòng kế hoạch – hợp đồng, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM):

Quyết không để lỡ cơ hội

Việc quy hoạch và phát triển khu vực đô thị TOD phải gắn liền với xây dựng metro, cần phải thực hiện song song. Nếu để xây dựng xong tuyến metro mới phát triển đô thị TOD thì sẽ để lỡ mất cơ hội vàng.

1739932981 285 Dot pha tao do thi hien daiÔng Hoàng Ngọc Tuân (trưởng phòng kế hoạch – hợp đồng, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM)

Hơn 20 năm trước, tôi có dịp sang Quảng Châu (Trung Quốc); khi đó, thành phố này cũng chật chội, nhiều xe như TP.HCM. Tuy nhiên, 20 năm sau trở lại Quảng Châu, thật bất ngờ, thành phố này đã lột xác ngoạn mục. Không gian đô thị được cấu trúc lại hầu như toàn bộ, hệ thống giao thông công cộng cực kỳ thuận tiện với metro, xe điện, xe buýt.

Người dân sử dụng phương tiện công cộng bằng cách mua vé hoặc quét mã qua điện thoại, một số tuyến đã áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để thanh toán, khu vực nội thành hầu như không còn bóng dáng xe hai bánh.

Chìa khóa cho việc thay đổi toàn diện bộ mặt thành phố Quảng Châu chính là hệ thống tàu điện ngầm rộng khắp (xây dựng tuyến đầu tiên vào năm 1993 và đưa vào khai thác năm 1997), đến nay họ có hệ thống tàu điện ngầm dài đứng thứ 3 trên thế giới với 621km…

Mạng lưới giao thông công cộng hiện đại như vậy chính là niềm mong mỏi của người dân TP. Hiện nay, các cơ chế chính sách đột phá giúp TP đạt mục tiêu hoàn thành 355km metro vào năm 2035 đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 2-2025.

Đây là cơ hội vàng cho TP.HCM để giải quyết triệt để tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng, tạo nên cấu trúc bền vững và huyết mạch cho tái thiết và phát triển đô thị văn minh, hiện đại.

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng 355km metro trong 10 năm đòi hỏi nguồn lực tài chính khổng lồ khoảng 40,2 tỉ USD. Trong đó, phát triển dự án đầu tư đường sắt đô thị kết hợp với đầu tư phát triển đô thị trong khu vực TOD là một trong những nguồn lực hết sức quan trọng.

Bởi khi đường sắt đô thị xong, giá trị đất tại khu vực các nhà ga đã tăng lên rất cao, gấp hàng chục lần so với thời điểm khởi công xây dựng, dẫn đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất rất lớn, gây khó khăn cho triển khai cải tạo đô thị.

Đột phá tạo đô thị hiện đại - Ảnh 5.

Đồ họa: TUẤN ANH

* TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM):

Cần cải tạo ngay khu vực Hàng Xanh – cầu Bình Triệu, Cộng Hòa – Trường Chinh

Theo tôi, khi nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc biệt làm metro được thông qua, TP.HCM cần đẩy nhanh việc cải tạo đô thị kết hợp phát triển 11 khu hạ tầng TOD theo kế hoạch đã được phê duyệt.

1739932982 672 Dot pha tao do thi hien daiTS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM)

Có thể thấy rằng trên cơ sở nghị quyết 98/2023/QH15, TP.HCM đã và đang tập trung đầu tư, phát triển rất mạnh về hạ tầng giao thông. Đặc biệt, hiện TP cũng có kế hoạch rất cụ thể về hoàn thiện phát triển hạ tầng chung khác như xây dựng 355km đường sắt đô thị, siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hệ thống đường ở các ngõ vào TP, đường vành đai 2 và đường vành đai 3 sắp sửa khép kín, đường vành đai 4 đang chuẩn bị trình Quốc hội… Những công trình đồ sộ của TP.HCM sẽ tạo nên đô thị đặc biệt trong khu vực, giai đoạn 2025 – 2035.

Điều đặc biệt nữa là hiện Quốc hội đang thảo luận về nghị quyết với cơ chế đặc biệt và phân cấp phân quyền tối đa cho TP.HCM chủ động quyết định xây dựng và phát triển mạng lưới metro. Đây là khát vọng vươn lên của TP.HCM, ngay trong những ngày đầu năm 2025.

Trong năm 2025, cần cải tạo lại khu đô thị nằm sát các tuyến đường trọng yếu theo mô hình TOD, chẳng hạn như khu vực Hàng Xanh – cầu Bình Triệu, Cộng Hòa – Trường Chinh hoặc các tuyến nội đô thường xuyên xảy ra kẹt xe.

Việc này không chỉ tạo nguồn thu phát triển mạng lưới metro mà còn là giải pháp chỉnh trang, tái cấu trúc đô thị theo hướng hiện đại, đầy đủ tiện ích để nâng cao chất lượng sống của người dân.

Bên cạnh việc cải tạo các khu đô thị có mật độ lưu thông cao, tập trung nguồn lực có tính hệ thống để hoàn thành hạ tầng kết nối, giao thông công cộng hiện đại… thì TP.HCM còn cần có các giải pháp song song để giảm ùn tắc.

Cụ thể như TP cần có kế hoạch hạn chế xe cá nhân không chỉ từ người dùng mà kể cả nhà sản xuất về số lượng dự kiến bán ra thị trường. Đồng thời tạo nguồn thu và tăng thu phí từ ô tô, xe máy cũng là yếu tố cần nghiên cứu để bù đắp chi phí xây dựng hạ tầng phục vụ chính người dân.

Khi chúng ta triển khai đồng loạt các giải pháp, ngoài giúp đô thị thông thoáng thuận tiện thì các chỉ số phát triển chắc chắn sẽ tăng cao hơn hiện nay. Đây là tiêu chí phát triển bền vững… vì kẹt xe do hạ tầng yếu kém vẫn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài mà chúng tôi ghi nhận được.

Đột phá tạo đô thị hiện đại - Ảnh 4.

Khu vực từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu là một trong những điểm nóng về giao thông của TP.HCM, nhất là thường xuyên kẹt xe – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kỳ vọng của người dân

Khu vực từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu là một trong những điểm nóng về giao thông của TP.HCM do thường xuyên kẹt xe, ngập nước và hạ tầng quá tải. Đề xuất phát triển mô hình TOD tại khu vực này đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Vậy họ nghĩ gì và kỳ vọng ra sao?

Mong dự án triển khai nhanh chóng

Anh Nguyễn Trọng Hiếu (ngụ quận Bình Thạnh, nhân viên văn phòng) cho biết giờ cao điểm cả sáng lẫn chiều ở đây đều bị kẹt xe nghiêm trọng. Xe cộ nối dài trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ Hàng Xanh đến tận cầu Bình Triệu, và ngược lại ở hướng đường một chiều bên kia là Đinh Bộ Lĩnh.

“Tôi đi làm ở quận 4, sáng nào cũng mất ít nhất 30 – 40 phút để chạy xe máy dù khoảng cách chỉ hơn 5km. Chưa kể mỗi khi mưa lớn là các con hẻm, thậm chí đường lớn, cũng bị ngập, xe chết máy và phải dắt bộ giữa dòng xe chen chúc, rất vất vả.

Nếu thành phố phát triển mô hình TOD với hệ thống giao thông công cộng hiện đại thì mình sẽ được gần hơn với metro hoặc xe buýt nhanh. Nhưng quan trọng là việc này phải được triển khai nhanh chóng, thêm các chính sách hỗ trợ tái định cư hợp lý ở địa phương thì mới thực sự thu hút người dân.

Thực tế, nhiều dự án quy hoạch được công bố rất hoành tráng nhưng khi làm lại bị chậm tiến độ hoặc không đồng bộ, dẫn đến tình trạng lãng phí. Tôi mong với mô hình TOD lần này sẽ có cách làm rõ ràng, bài bản, đảm bảo lợi ích thực sự cho người dân”, anh Hiếu chia sẻ.

Tạo điều kiện cho người dân kinh doanh

Bà Bùi Thị Mẫn (bán hàng gần bến xe Miền Đông) cho hay bà buôn bán ở đây hơn chục năm rồi. Trước đây, khách chủ yếu là người đi xe buýt và xe khách từ bến xe Miền Đông, nhưng từ khi bến xe chuyển ra TP Thủ Đức (khu quận 9 cũ giáp với Bình Dương) thì lượng khách đã giảm đi nhiều.

Nếu khu vực này được xây dựng lại hết, mở rộng đường sá và quan trọng là vẫn được ở lại tại đây thì chắc chắn nhiều bà con sẽ ủng hộ. Từ đó sẽ có thêm nhiều người đi bộ, mua sắm, giúp việc kinh doanh ổn định hơn.

Bà Mẫn mong muốn quy hoạch phải tính đến lợi ích của người dân buôn bán. Nếu quy hoạch tốt, có vỉa hè rộng rãi, không còn cảnh lấn chiếm lòng đường, khách đi bộ nhiều hơn, việc kinh doanh chắc cũng thuận lợi. Nhưng nếu giải tỏa và phải chuyển đi nơi khác quá xa, người đã quen với việc buôn bán ở khu vực này như bà không biết sẽ làm gì tiếp.

Dự án TOD Hàng Xanh 8,5 tỉ USD có gì?

Theo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), phạm vi nghiên cứu dự án TOD Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) có tổng diện tích khoảng 51,4ha, tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 216.000 tỉ đồng (hơn 8,5 tỉ USD).

Về định hướng nghiên cứu, khu vực này sẽ được chỉnh trang đô thị, tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng, nâng cấp hạ tầng và cải thiện chất lượng sống.

Nơi đây cũng được nghiên cứu xây dựng các công trình điểm nhấn, chung cư cao tầng, mảng xanh và các công trình công cộng nhằm nâng cao tính thẩm mỹ và tiện ích đô thị.

Bên cạnh đó, dự án sẽ phát triển không gian đô thị ngầm, khai thác tối đa tiềm năng phát triển để tạo lập trung tâm vận chuyển công cộng.

Đồng thời kết nối giao thông công cộng (bao gồm tuyến metro 3A, metro số 5 theo quy hoạch) và phát triển các khu vực văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, dịch vụ.

Về hiện trạng, khu vực nghiên cứu có 4 tuyến đường chính: Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong đó, Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh là hành lang kết nối quan trọng giữa TP.HCM và Bình Dương.

Khu vực này có mật độ giao thông dày đặc, thường xuyên tắc nghẽn nghiêm trọng vào giờ cao điểm tại những vị trí nút cổ chai lâu năm như ngã tư Hàng Xanh, ngã năm Đài liệt sĩ và cầu Bình Triệu.

Liên quan đến đề xuất phát triển đô thị theo mô hình TOD ở khu vực Hàng Xanh, tại thông báo kết luận mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ghi nhận, đánh giá cao ý tưởng của CII, góp phần cho sự phát triển chung của thành phố.

Ông Mãi đề nghị CII chủ động sử dụng nguồn vốn của mình để thuê đơn vị tư vấn hoàn chỉnh ý tưởng. Đồng thời nghiên cứu hạ tầng xanh đồng bộ, thông minh, hiện đại và các cơ chế chính sách liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (đền bù theo giá thị trường, sinh kế cho người bị ảnh hưởng, tái định cư tại chỗ…).

Đột phá tạo đô thị hiện đại - Ảnh 5.

Đường sắt đô thị đi đến đâu sẽ phát triển và tái cấu trúc đô thị hiện đại đến đó. Trong ảnh: metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đoạn qua TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Định hình mô hình TOD

Theo đề án metro TP.HCM, hiện nay nhiều quốc gia và thành phố trên thế giới đã quy hoạch và thực hiện thành công mô hình TOD.

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả TOD, nhiều thành phố đã ban hành các chính sách về quản lý quy hoạch, đất đai, cơ chế hợp tác, phân bổ thu chi nhằm thúc đẩy phát triển tích hợp metro trong khu vực các đô thị.

4 nội dung chính

Trong đó, một là, quy hoạch để xác định phạm vi TOD để phát triển (khoảng 600 – 1.000m). Phạm vi TOD phụ thuộc điều kiện địa hình, điều kiện sử dụng đất, quỹ đất.

Hai là, xác định rõ đối tượng gồm 3 lớp: lớp thứ nhất là phạm vi bảo đảm công năng của đường sắt đô thị; lớp thứ hai thuộc phạm vi quản lý khu tổ hợp ga, trong đó công tác khai thác, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng và các tổ hợp thương mại, dịch vụ phục vụ hành khách ở ga.

Lớp thứ 3 là phát triển đô thị theo định hướng thị trường, những vùng đất nằm trong vùng phát triển TOD nhưng nằm ngoài phạm vi của dự án metro sẽ được chuyển nhượng thông qua đấu thầu, đấu giá.

Ba là, thiết lập cơ chế chia sẻ chi phí và lợi nhuận giữa đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị lợi nhuận thu được từ khai thác thương mại, dịch vụ, phát triển quỹ đất tại các nhà ga.

Bốn là, thành lập ủy ban phát triển đường sắt đô thị với phó chủ tịch/phó thị trưởng thành phố là trưởng ban, các sở ban ngành có liên quan là thành viên để thu xếp mặt tài chính, xác định không gian phát triển đô thị theo mô hình TOD, mật độ thích hợp; chính quyền cấp quận chịu trách nhiệm thu hồi đất, di dời hạ tầng kỹ thuật, bàn giao mặt bằng.

Nghiên cứu mô hình tập đoàn đường sắt đô thị

Tại dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù đặc biệt để làm đề án metro có những cơ chế rất mạnh, đột phá cho TP Hà Nội và TP.HCM phát triển đô thị gắn với mô hình TOD.

Metro đi đến đâu, hai thành phố sẽ phát triển và tái cấu trúc đô thị hiện đại đến đó. Cụ thể, dự thảo nghị quyết cho phép khi lập, điều chỉnh quy hoạch TOD được quyết định các chỉ tiêu khác với quy chuẩn để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất.

Đối với TP.HCM, dự thảo đưa ra các quy định áp dụng riêng, đó là TP được thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD, được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị.

Về mô hình triển khai, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu mô hình tập đoàn đường sắt đô thị sử dụng 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt đô thị trong đề án.

Trong đó, nghiên cứu đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để tập đoàn này được phép huy động vốn, được Nhà nước giao tổ chức thực hiện hoặc tự thực hiện các công tác thiết kế, quản lý dự án, đầu tư xây dựng; vận hành, khai thác; kinh doanh bất động sản khu vực vùng phụ cận nhà ga và depot theo mô hình TOD; kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.

Từ số báo này, Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Vận hội mới từ giao thông”, trân trọng mời gọi hiến kế của chuyên gia, doanh nghiệp và người dân, để tạo ra sự đồng thuận, huy động nguồn lực cùng thực hiện TOD, mở ra vận hội phát triển mới thành phố. Mục tiêu không chỉ giải được bài toán khó về giao thông mà còn là tái thiết đô thị, cải thiện môi trường, thay đổi văn hóa giao thông và đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống cư dân đô thị theo hướng văn minh hơn, hiện đại hơn.

Kính mời bạn đọc cùng hiến kế.

Nguồn: https://tuoitre.vn/dot-pha-tao-do-thi-hien-dai-20250217083431303.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay