Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ nhiều tâm tư, tình cảm tại chương trình “Molisa Festival”, tối 19/2.
Sự kiện có sự tham dự của các Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi, cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Đảng ủy Bộ, Công đoàn Bộ, cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành LĐ-TB&XH.
Tâm tư của Bộ trưởng
Chia sẻ về những tâm tư khi quyết định tổ chức “Molisa Festival”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong đây sẽ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Thông qua chương trình, Bộ trưởng mong muốn các công chức lớn tuổi và trẻ tuổi của Bộ có thể chia sẻ, động viên và cùng nhau hướng tới tương lai với nhiều khát vọng mới.
Thay mặt lãnh đạo Bộ và cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trân trọng gửi tới các nguyên Bộ trưởng, gia đình các đồng chí Bộ trưởng đã mất, cùng toàn thể lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ lời tri ân, cảm ơn sâu sắc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung luôn tự hào khi được cống hiến cho ngành LĐ-TB&XH (Ảnh: Mạnh Quân).
“Hãy an tâm rằng, dù chúng ta có thể không còn cái tên Bộ LĐ-TB&XH ở thời điểm này, nhưng tiếng thơm của ngành chắc chắn sẽ ngày càng lan tỏa. Chúng ta đang là một nhà, nhưng trong tương lai, có thể sẽ có năm ngôi nhà khác nhau ở năm Bộ khác nhau”, Bộ trưởng nhắn nhủ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong dòng chảy lịch sử của đất nước, toàn ngành hoàn toàn có quyền tự hào về 80 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành. Ở bất cứ thời điểm nào, dù tên gọi khác nhau, trụ sở khác nhau, Bộ LĐ-TB&XH luôn là hiện thân của sự nhân ái, nhân văn, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, của Đảng và Nhà nước, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.
“Chúng ta có thể tự hào về những thành tựu đã đạt được. Đó là những thành tựu trên con đường tạo lập, xây dựng thể chế, thực hiện các chính sách xã hội, từng bước chuyển đổi cách tiếp cận từ “ổn định và đảm bảo” sang “ổn định và phát triển”, từ lo an sinh trước mắt sang chính sách xã hội bền vững, từ việc chăm lo cho người nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ, thương binh, gia đình chính sách… sang phúc lợi cho mọi người.
Cán bộ, công nhân viên của ngành ngày đêm cần mẫn, không quản ngại khó khăn để chăm sóc thương binh, người già, trẻ em. Rất nhiều người làm công việc thầm lặng tại các nghĩa trang liệt sỹ, họ không có điều kiện để có mặt tại đây hôm nay”, Bộ trưởng chia sẻ.

Dấu ấn sâu đậm nhất với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chính là quãng thời gian gắn bó với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (Ảnh: Mạnh Quân).
Nhân dịp này, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn chân thành tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành suốt 80 năm qua – những người đã góp phần tạo dựng nên vị thế và tên tuổi của Bộ LĐ-TB&XH ngày nay.
Người đứng đầu ngành mong muốn thế hệ cán bộ trẻ, những người mới được tiếp nhận vào Bộ, sẽ luôn tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành. Bởi chính họ là những người sẽ tiếp tục viết nên những trang sử mới của ngành.
Chia sẻ lần cuối cùng trên cương vị tư lệnh ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng đã kể lại nhiều câu chuyện trong suốt 46 năm công tác của mình.
Cụ thể, khi rời ghế trường cấp 3, ông được tuyển dụng vào biên chế nhà nước với mức lương 36 đồng. Thời điểm đó, theo Bộ trưởng, cuộc sống rất khó khăn, đói triền miên, phải ăn bo bo, khoai tây thay cơm.
Sau này, ông tham gia công tác ở vùng biên giới phía Bắc và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, từ thời kỳ bao cấp đến công cuộc đổi mới. Ông thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của sự đổi mới do Đảng, Nhà nước khởi xướng, cũng như những hiệu quả, kết quả mà ngành LĐ-TB&XH đã và đang mang lại với người có công và xã hội.
Trong hành trình ấy, ông cảm thấy mình may mắn khi được trưởng thành qua nhiều cương vị lãnh đạo, làm thủ trưởng tại 11 cơ quan, đơn vị khác nhau.
“Chia tay nhiều, xúc động cũng không ít, nhưng có lẽ dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi chính là quãng thời gian gắn bó với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội”, Bộ trưởng bày tỏ.
Hai nhiệm kỳ trên cương vị tư lệnh ngành LĐ-TB&XH, Bộ trưởng chia sẻ ông không thể quên những buổi trưa, những đêm thức trắng tại trụ sở Bộ, vừa ăn bánh mì vừa cùng cán bộ cấp dưới miệt mài làm chính sách, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
“Tôi chắc chắn không bao giờ quên những cuộc gọi khi đã quá nửa đêm của Thủ tướng, trao đổi về chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Có những đêm, 0h30 phút tôi vừa rời khỏi trụ sở Chính phủ thì Thủ tướng lại gọi quay trở lại làm việc, kéo dài đến 4h sáng.
Sau đó, chúng tôi lại khẩn trương chuẩn bị tài liệu để 8h sáng báo cáo lãnh đạo cấp cao. Để rồi, những nỗ lực ấy đã tạo ra những chính sách rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ”, Bộ trưởng chia sẻ.
Hôm nay, đọc bài viết trên báo Dân trí về 2 nhiệm kỳ công tác vừa qua, tôi chợt nhớ rằng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa. Biết bao cống hiến thầm lặng của ngành, và chính những con người có mặt hôm nay đã dệt nên những “sản phẩm” đầy tự hào ấy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định: “Chưa bao giờ chúng ta làm tốt công tác an sinh xã hội và chính sách xã hội như giai đoạn vừa qua”. Cũng ghi nhận những đóng góp của ngành, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: “Đóng góp của ngành LĐ-TB&XH, trong đó có cá nhân Bộ trưởng, là đặc biệt quan trọng, nhất là trong lĩnh vực chính sách xã hội”.
Chúng ta có quyền tự hào về những gì đã làm được. Và tôi thực sự tự hào về tất cả mọi người”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng không quên gửi lời cảm ơn chân thành tới các ông bố, bà mẹ, những người vợ, người chồng – những người đã âm thầm hỗ trợ, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành chung sức, đồng lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức. Theo Bộ trưởng, đó là những gian truân mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu, để rồi hôm nay, Bộ mới có được những kết quả và thành tựu đáng tự hào.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà lưu niệm các Thứ trưởng (Ảnh: Mạnh Quân).
Bộ trưởng cũng chia sẻ rằng, ngày hôm qua, Quốc hội đã chính thức “bấm nút” thông qua việc hợp nhất Bộ LĐ-TB&XH với Bộ Nội vụ, thành Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, ông khẳng định đây không phải là điều đáng ngại, bởi tiền thân của Bộ từng có giai đoạn mang chính cái tên Bộ Nội vụ.
“Lần hợp nhất này, hãy nghĩ rằng chúng ta đang quay trở về cái nôi ngày xưa. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và một số đơn vị sự nghiệp giáo dục sẽ về với Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số đơn vị khác chuyển về Bộ Y tế. Đó chính là sự lan tỏa. Cán bộ của ngành khi về cơ quan mới sẽ mang theo những điều tốt đẹp nhất của ngành LĐ-TB&XH để tiếp tục tạo dựng và phát huy các giá trị của người làm công tác xã hội”, Bộ trưởng nhắn nhủ.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành, dù ở cương vị hay cơ quan nào, cũng sẽ tiếp tục cống hiến hết mình, để tiếng thơm 80 năm của ngành LĐ-TB&XH không ngừng lan tỏa.
Dấu ấn của tư lệnh ngành LĐ-TB&XH
Phát biểu tri ân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng bày tỏ, đây là một ngày hết sức đặc biệt và ý nghĩa đối với đại gia đình Bộ LĐ-TB&XH. Đây không chỉ là dịp để gặp gỡ, chung vui, cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp trên chặng đường 80 năm xây dựng và phát triển của Bộ, mà còn là cơ hội để tôn vinh những đóng góp của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động.
Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gửi lời chúc mừng tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, người vừa được Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ tín nhiệm bầu và bổ nhiệm giữ cương vị mới – Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, nhiệm kỳ 2021-2026, kể từ ngày 1/3/2025.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tri ân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Mạnh Quân).
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang 80 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ này, dưới sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ và trực tiếp là Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ đã phát huy tinh thần “Đoàn kết – Kỷ cương – Đổi mới – Phát triển”, đạt được những thành tựu to lớn, ấn tượng trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Những thành tựu này đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý – niềm tự hào chung của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ.
Trong những thành quả ấy, bên cạnh sự đoàn kết, chủ động, sáng tạo và không ngừng phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ, không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ. Đặc biệt là những đóng góp to lớn, quan trọng của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong 10 năm qua.
Hai nhiệm kỳ trên cương vị Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, với tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết lớn, Bộ trưởng đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, Ngành hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng, đạt được những thành quả to lớn, chưa có tiền lệ. Vị thế của Bộ, Ngành được nâng cao rõ rệt so với các giai đoạn trước đây.
10 năm vừa qua ghi nhiều dấu mốc nổi bật của người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong khoảng thời gian này, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng lãnh đạo các đơn vị cờ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành LĐ-TB&XH (Ảnh: Mạnh Quân).
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được triển khai đồng bộ, góp phần thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách. Bộ cũng đã tích cực thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, qua đó, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm mạnh, hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện.
Đặc biệt, việc đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tin tưởng, trên cương vị mới, với tầm nhìn sâu rộng, tinh thần trách nhiệm cao, sự tâm huyết, nhạy bén, sáng suốt trong chỉ đạo điều hành, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ chèo lái Bộ Dân tộc và Tôn giáo vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. Đồng thời có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/du-bo-ld-tbxh-khong-con-nhung-tieng-thom-cua-nganh-se-mai-lan-toa-20250219220651689.htm