Trẩy hội tại Ocean City
Sau sự kiện khai mạc vào tối ngày 18/1, hàng nghìn người đã có một đêm đáng nhớ tại Ocean City. Sau nghi thức “Thắp đèn – Bật Tết”, du khách trải nghiệm không gian bừng sáng của Lễ hội Đèn lồng Quốc Tế Ocean. Đồng thời hơn 250 gian hàng hội chợ xuân mang tới hàng trăm sản vật vùng miền, đã mở cửa đón khách.
“Ai cũng bất ngờ vì quy mô của lễ hội, không khí sôi động trên từng con phố, nhất là những nơi trưng bày đèn lồng. Ocean City mang Tết sớm đến với miền Bắc”, anh Thanh Du (34 tuổi, Hà Nam) chia sẻ.
“Dù thời tiết lạnh, chúng tôi vẫn quyết tâm sưu tập đủ bộ ảnh thần thú, bộ ảnh xuyên không, bộ ảnh cầu may mắn… tại gần 30 mô hình đèn lồng, các tiểu cảnh trang trí tại lễ hội”, Mai Anh (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Nhóm bạn của Mai Anh cho biết đã thuê dịch vụ StaynFun, cùng với đó là hàng chục trang phục truyền thống, ngoài áo dài, cổ phục Việt Nam còn có hanbok của Hàn Quốc, kimono của Nhật Bản…
Giới trẻ chụp ảnh, ghi lại những bức ảnh để đăng tải trên mạng xã hội, bên cạnh mô hình đèn lồng thần thú, nhân vật trong truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại được tái hiện sinh động. Mô hình đèn lồng khổng lồ của Việt Nam, cũng thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình có con nhỏ, những du khách yêu lịch sử, văn hóa Việt.
“Tác phẩm đèn lồng của nước chủ nhà không chỉ đẹp về màu sắc, ánh sáng mà còn mang giá trị văn hóa truyền thống rất lớn. Như qua các tác phẩm “Lạc Long Quân trở về”, “Thánh Gióng”, hay “Hồn thiêng Đất Việt”, tôi có dịp nhắc nhở con trẻ về cội nguồn dân tộc, truyền thống đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước của cha ông và vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa các vùng miền Việt Nam”, ông Trần Văn Nam (65 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Trong hàng nghìn du khách đổ về Ocean City có du khách quốc tế. Chiêm ngưỡng các tác phẩm của Việt Nam cùng 5 đội thi tham gia Cuộc thi thiết kế Đèn lồng, hay các cụm đèn lồng của Fosun (đơn vị sở hữu Lễ hội đèn lồng Yuyan Garden đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể Trung Quốc), họ đã nhanh chóng nhận ra những điểm nổi bật của các tác phẩm Việt.
“Tôi ấn tượng với câu chuyện văn hóa trong những tác phẩm đèn lồng, một bản sắc rất Việt Nam, mà càng ngắm lâu càng ngạc nhiên”, anh Arthur (35 tuổi, du khách Anh) chia sẻ.
Trước đó, khi nhận xét về các tác phẩm của Việt Nam, ông Sato Kenichi – Chủ tịch Hiệp hội Lễ hội Nebuta thành phố Aomori, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch và Hội thảo TP Aomori (Nhật Bản) – cũng từng nói: “Một điểm đặc trưng của các tác phẩm Việt Nam là truyền tải giá trị truyền thống văn hóa, đồng thời gây ấn tượng về mặt thị giác nhờ kỹ thuật và tay nghề cao của các nghệ nhân”.
Cũng nhờ hội tụ các yếu tố từ kỹ thuật làm đèn lồng tinh xảo đến thổi hồn giá trị văn hóa bên trong, tác phẩm “Hồn thiêng đất Việt” của nhóm tác giả Hội An Crafts (Việt Nam) nhận giải Nhất Cuộc thi thiết kế Đèn lồng quốc tế, đồng thời giành được kỷ lục Cụm đèn lồng có kích thước lớn nhất Việt Nam. Ngay sau khi được vinh danh, cụm đèn lồng này đã trở thành tâm điểm check-in (chụp ảnh) của các bạn trẻ. Chứng kiến dòng du khách say mê ngắm nhìn “đứa con tinh thần” của mình, nhóm tác giả xúc động mạnh.
“Mình là người con của Hội An và cũng là người làm đèn lồng tại Hội An (Quảng Nam). Mình muốn lan tỏa văn hóa của Hội An đến với các tỉnh bạn, và để cho mọi người trên thế giới hiểu rằng đèn lồng ở Hội An, văn hóa quê hương mình đẹp như thế nào. Cuộc thi, lễ hội này đã giúp mình làm được điều đó”, anh Võ Hoàng – thành viên đội Hội An Crafts nói.
Rộn ràng không khí sắm Tết mới
Tại Lễ hội Ánh sáng phương Đông, không khí rộn rã không chỉ ghi nhận tại các địa điểm trưng bày đèn lồng, mà còn diễn ra tại hơn 250 gian hàng của hội chợ Xuân.
Ấn tượng nhất với nhiều du khách chính là khung cảnh “Tết 4.000 năm, Tết 5 vương quốc” của chợ Xuân Giảng Võ nổi tiếng năm nào, nay được tái hiện với quy mô rộng lớn hơn.
“Từ đặc sản 3 miền đều có đủ, thậm chí là còn nhiều món quà, ẩm thực từ các quốc gia khác cũng hội tụ về đây. Chỉ dạo một vòng mà tôi đã thấy Tết này no đủ”, bà Thanh Châu (56 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Cũng theo bà Thanh Châu và nhiều du khách, hội chợ xuân đã góp phần hình thành xu hướng sắm Tết mới và xu hướng này sẽ được nhiều người đón nhận. “Xưa nghĩ đến Tết là tôi sợ phải đi mua sắm, nay có hội chợ xuân thì Tết nhàn mà lại vui quá, không chỉ được thảnh thơi mua sắm mà còn được trải nghiệm văn hóa 4 phương”.
Trước khung cảnh “biển người” say mê trải nghiệm các hoạt động tại Lễ hội Ánh sáng phương Đông, ông Jonathan Wallace Baker – Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, đây là một tín hiệu vui, cho thấy sự phát triển của di sản văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.
“Lễ hội Đèn lồng Quốc tế Ocean 2025 – Ánh sáng phương Đông – có thể gọi là lễ hội liên văn hóa, không chỉ là trong nước mà còn là với các nước khác”, ông Jonathan Wallace Baker khẳng định.
Lễ hội Ánh sáng Phương Đông 2025 kéo dài 18/1 – 16/3 tại Ocean City do Vinhomes và Sunny Vietnam phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của nhà tài trợ Kim cương Masterise Homes, các nhà tài trợ Vàng – Ngân hàng Techcombank và Xanh SM.
Lần đầu tiên, hàng triệu người dân Thủ đô và du khách sẽ được trải nghiệm chơi hội xuân kéo dài suốt 58 ngày, với 580 hoạt động trải nghiệm độc đáo và đặc sắc.
Lễ hội Ánh Sáng Phương Đông quy tụ 5 chuỗi lễ hội gồm: Lễ hội đèn lồng quốc tế Ocean với 30 cụm tác phẩm lớn đến từ 5 quốc gia, trải dài gần 2km; hội chợ Xuân Ocean Spring với hơn 250 gian hàng; chuỗi Lễ hội văn hóa và nghệ thuật Ocean Art Fest; nhạc hội Road-to-8WONDER cùng chuỗi hoạt náo suốt 58 ngày chủ đề “Hành trình ánh sáng – Gửi vạn niềm vui”, đưa Ocean City trở thành điểm đến du xuân sôi động, hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa Á Đông.
Du khách đặt vé tham gia Lễ hội Đèn lồng tại:
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/du-khach-an-tuong-voi-quy-mo-cua-le-hoi-anh-sang-phuong-dong-2025-20250119211202657.htm