Thứ tư, Tháng tư 9, 2025
HomeThời SựDự kiến có khoảng 34 tỉnh, thành, khoảng 5.000 xã, phường

Dự kiến có khoảng 34 tỉnh, thành, khoảng 5.000 xã, phường

Ngày 28.3, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây nguyên nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 – 30.4.2025).

Tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực hiệu quả.

Theo Tổng Bí thư, với những kết quả bước đầu, chỉ trong 2 tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định; Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 cũng đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai những hoạt động liên quan đến tổng kết nghị quyết này.

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình ủng hộ đánh giá cao của cán bộ, đảng viên, của nhân dân. Tổng Bí thư cho hay, qua rà soát, từ Đại hội 6, trong tất cả các nghị quyết đều có đánh giá về bộ máy tổ chức cơ quan nhà nước nhưng quả thực quá trình thực hiện cũng vô cùng khó khăn.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Dự kiến có khoảng 34 tỉnh, thành; khoảng 5.000 xã, phường- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp mặt

“Chúng ta thực hiện Nghị quyết 18 này là của nhiệm kỳ Đại hội 12. Trong đó có nêu ra những cái vấn đề như vậy (sắp xếp tổ chức bộ máy – PV). Và chúng ta bây giờ mới quyết tâm để thực hiện, không còn cách nào khác về những việc này cả”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị đang xây dựng nội dung để trình ra Trung ương đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã; đề án sắp xếp lại các tổ chức chính trị – xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

“Các nội dung trên đều nhằm mục đích để tổ chức lại một không gian phát triển kinh tế – xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng với tầm nhìn đến năm 2045 – 2050 và thậm chí xa hơn nữa”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cho biết thêm, dự kiến sẽ cơ cấu lại hệ thống tổ chức bộ máy hành chính gồm 3 cấp. Đó là cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành phố và xã phường. Dự kiến, đầu tháng 4 sẽ họp Trung ương tính toán các phương án. Thẩm quyền quyết định cuối cùng là Trung ương và Quốc hội để rồi sẽ tổ chức triển khai thực hiện.

“Nhưng theo dự kiến ban đầu thì chúng tôi tính toán là sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay. Và kết thúc hoạt động của tổ chức cấp huyện, không tổ chức cấp huyện và sẽ tổ chức khoảng độ 5.000 cấp xã, phường. Cơ cấu tổ chức này sẽ hướng đến mục tiêu là chính quyền, cán bộ phải gần dân hơn, sát dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính quyền phải chủ động tiếp cận được với người dân, thay vì nhân dân phải tới chính quyền”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo Tổng Bí thư, công tác này nhằm tạo không gian phát triển kinh tế – xã hội từng khu vực, vùng đất nước để cho đất nước ta sớm được phồn vinh, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.

Trên 80% các nước áp dụng mô hình chính quyền 3 cấp

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết thêm, đây cũng là một trong những công việc rất mới trong tư duy, trong chỉ đạo. “Bây giờ với hệ thống chính quyền 3 cấp như vậy thì chúng tôi cũng tham khảo trên thế giới thì khoảng độ trên 80% các nước là người ta áp dụng mô hình chính quyền 3 cấp này. Chỉ có khoảng mười mấy phần trăm là các nước người ta 4 cấp như chúng ta thôi”, Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, mô hình chính quyền 3 cấp đặt ra việc phải nghiên cứu Trung ương thì làm gì? Cấp tỉnh, thành phố làm gì? Chính quyền cấp xã làm gì? Qua đó, mới phát hiện ra là quá nhiều việc phải sắp xếp lại.

“Nếu Trung ương làm thì tỉnh thôi. Tỉnh làm thì xã cũng thôi, nếu xã làm thì tỉnh thôi. Bộ máy nó phải thống nhất như vậy chứ”, Tổng Bí thư nói và phân tích thêm: “Trên bộ, trên Trung ương có bộ nào ngành nào thì dưới địa phương có sở, ngành ấy. Thế rồi lại đến tận cơ sở đều có bộ máy như thế cả thì quá cồng kềnh”.

Theo Tổng Bí thư, bây giờ phải tính là Trung ương sẽ làm những việc gì? Tỉnh thì phải triển khai những vấn đề cụ thể ở địa phương và đặc biệt là cấp xã. Tổng Bí thư nhìn nhận, trước đây bộ máy hành chính ở cấp xã là hành chính thôi, nhưng đến nay cấp xã là cấp quan trọng nhất, cấp cơ sở. Đây là nơi để tổ chức triển khai tất cả các chủ trương nghị quyết của Đảng, của nhà nước.

“Bây giờ là cán bộ xã, cán bộ cơ sở phải nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, phải biết được người dân đang mong muốn cái gì. Người ta khó khăn ở cái gì, người ta đang muốn, cần cái gì thì chỉ có cấp xã, chính quyền ở xã giải quyết thôi chứ, tỉnh làm sao đến được?”, Tổng Bí thư phân tích.

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết thêm, vừa qua đã bàn đến quy mô là bao nhiêu xã và chức năng của xã phải làm những việc gì, phải tổ chức như thế nào để đảm bảo được cấp xã phải sát với dân, giải quyết mọi thủ tục của dân.

Nguồn: https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-to-lam-du-kien-co-khoang-34-tinh-thanh-khoang-5000-xa-phuong-185250328215508415.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay