Ông Dương Ngọc Long (58 tuổi), nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng ở làng nghề đúc đồng Phước Kiều (P.Điện Phương, TX.Điện Bàn, Quảng Nam), được cha chỉ dạy cho các kỹ thuật về đúc đồng từ năm 15 tuổi rồi gắn bó với nghề. Khoảng 5 năm trở lại đây, ông Long chuyển qua làm nghề đục ngược trên đồng để tạo ra những bức tranh có giá trị cao, phù hợp thị hiếu người dùng.
Ông Long cho hay, làm tranh đồng khó ở chỗ chuyển thể từ những mẫu tranh trên giấy thành những đường nét mềm mại, sinh động trên chất liệu đồng. Vì gọi là nghề đục ngược âm bản nên buộc người làm phải có cái nhìn không gian đa chiều. “Để tạo ra được một bức tranh đồng, người thợ phải đạt đến trình độ điêu luyện. Tranh đồng có ưu thế về độ bền nên được nhiều người yêu thích”, ông Long nói.
Trên tay nghệ nhân, chiếc búa như cán cân, còn ve được xem như chiếc bút vẽ. Ve thì có nhiều loại, nào ve chạm, ve đục, ve to, ve nhỏ…, nhưng với người thợ ở làng đúc đồng Phước Kiều, mỗi chiếc ve chỉ dùng một lần cho một bức tranh. Để tạo ra những bức tranh sinh động, người thợ kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật chạm âm bản và kỹ thuật đục ngược để khi hoàn thành tác phẩm sẽ được nhìn ở mặt dương bản.
Vừa hoàn thành bức tượng bằng đồng về chân dung anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy (44 tuổi, ở làng Phước Kiều) mày mò tìm thêm hướng mở mới cho thương hiệu đúc đồng Phước Kiều. Ban đầu, anh Huy chỉ làm những dòng sản phẩm lưu niệm từ chất liệu đồng thuần túy có trọng lượng gọn nhẹ để làm quà lưu niệm phục vụ du khách khi đến Quảng Nam. Bắt tay thực hiện, anh nảy ra ý tưởng khác để lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử xứ Quảng từ chất liệu đồng Phước Kiều.
Vậy là dòng sản phẩm lưu niệm mới lạ ra đời. Nhóm tháp trong quần thể khu đền tháp Mỹ Sơn, vũ nữ Apsara huyền bí, Chùa Cầu Hội An, tượng chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ…, mỗi sản phẩm do anh Huy tạo ra có kích cỡ, trọng lượng và kiểu dáng khác nhau, phần lớn gọn nhẹ, đẹp mắt trong phối màu, hình thể.
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy chia sẻ, để tạo ra một bức tranh sinh động, chân thực trên chất liệu đồng, người thợ phải kết hợp sự khéo léo trong gia công với sự tưởng tượng về hình ảnh để biết đưa đường ve trên vết chạm lúc nông lúc sâu, nét thanh nét đậm và điều chỉnh lực đường búa cho hợp lý.
“Khi khoác lên mình chiếc áo mới với hình hài, kiểu dáng, sắc màu đặc trưng thì những giá trị truyền thống của làng nghề Phước Kiều hơn 400 năm tuổi mới có thể trường tồn trong một đời sống hiện đại không ngừng vận động như hiện nay”, anh Huy nói.
Làng nghề Phước Kiều nổi tiếng nhờ sự tài hoa của các nghệ nhân và quy trình chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt là bí quyết gia truyền pha hợp kim riêng để cho ra các sản phẩm đồng đỏ, đồng thau, đồng xanh… Sau hơn 4 thế kỷ thăng trầm, đến nay nhiều thế hệ nghệ nhân của làng vẫn giữ lửa để truyền thụ cho thế hệ trẻ.
Lúc hưng thịnh, Phước Kiều có hơn 30 lò đúc gia đình với khoảng 200 nhân công và 10 nghệ nhân. Ngày nay, những nghệ nhân, người thợ của làng đã cải tiến, nâng cấp cách thức đúc đồng để cho ra sản phẩm độc đáo, phù hợp thị hiếu người dùng, cũng như mở ra cho chính mình con đường mưu sinh mới. Nghề đục ngược trên đồng ra đời, tồn tại cho đến nay.
Nguồn: https://thanhnien.vn/duc-nguoc-tren-tranh-dong-185241231180831223.htm