Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeĐời SốngDùng ván tre xây cầu vượt biển lớn nhất thế giới, sau...

Dùng ván tre xây cầu vượt biển lớn nhất thế giới, sau 6 năm vẫn vững chắc

Trung Quốc tiếp tục củng cố vị thế là một trong những quốc gia mới nổi, đi đầu trong ngành công nghiệp thân thiện với môi trường. Các chuyên gia nước này đã nghiên cứu công nghệ mới tạo ra vật liệu từ tre bền và chắc hơn cho cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Dùng ván tre xây cầu vượt biển lớn nhất thế giới, sau 6 năm vẫn vững chắc - 1

Trung Quốc sở hữu cầu vượt biển dài nhất thế giới (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Tre vốn là loài cây có tốc độ tăng trưởng nhanh, là vật liệu có độ bền cao. Chúng được chế tạo thành các tấm vật liệu tổng hợp để sử dụng trên các khu vực ngắm cảnh kéo dài hàng kilomet dọc theo cầu vượt biển Hong Kong – Chu Hải – Macau. Đây cũng được biết tới là công trình cầu vượt biển lớn nhất thế giới.  

Sau 6 năm đi vào hoạt động, tới nay những tấm ván tre vẫn giữ được độ bền, bất chấp sự tác động của ánh nắng mặt trời, những cơn bão lớn và ăn mòn của nước biển.

Công trình có chiều dài gần 55km xuyên biển, bắc ngang qua châu thổ sông Châu Giang, kết nối với đặc khu hành chính Hong Kong, Macau với một thành phố ở đại lục – Châu Hải, qua đó rút ngắn thời gian di chuyển giữa 3 địa điểm xuống chỉ còn khoảng một tiếng.

Theo tờ SCMP, công trình gồm cầu vượt biển dài 22,9km và 6,7km đường hầm dưới biển kết nối 4 hòn đảo nhân tạo. Như vậy, đây là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới ở thời điểm hiện tại, cũng đồng thời đứng vị trí thứ 6 trong top những cây cầu dài nhất hành tinh.

Đây cũng là khu vực nằm ở nơi chịu 27-28 cơn bão hình thành gần đó nên cần đảm bảo sức chịu bão rất lớn. Đáng chú ý ở chỗ, cầu sử dụng 20.000m2 ván tre trên các đảo nhân tạo.

Công trình chính thức thông xe từ năm 2018, tới nay sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, dự án này đã chứng minh giải pháp lấy cảm hứng từ chất liệu tự nhiên vẫn có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt.

Dùng ván tre xây cầu vượt biển lớn nhất thế giới, sau 6 năm vẫn vững chắc - 2

Công trình được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch, giao thông (Ảnh: News).

Ông Louo Zhichao, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu cây tre từ Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh, cho biết hầu hết loài cây này được trồng ở các nước đang phát triển trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc không chỉ là nước sản xuất tre lớn nhất với hơn 4,22 tỷ sào tre được sản xuất vào năm 2022, còn có lợi thế về năng lực chế biến.

Để giải quyết điểm yếu của chất liệu tre dễ gây mục ruỗng, các chuyên gia đã dùng phương pháp xử lý nhiệt nhằm loại bỏ loại chất này nhưng vẫn giữ được độ kiên cố về cấu trúc. Nhờ cách xử lý này, chất liệu của các ván tre có thể chịu được điều kiện ngoài trời trong ít nhất 5 năm mà không cần giải quyết vấn đề chống ẩm mốc.

Các nhà kế hoạch tin tưởng rằng, cây cầu góp phần thúc đẩy kinh tế, du lịch. Cầu chính thức thông xe từ năm 2018, du khách từ Trung Quốc hay các nước khác có thể đi từ sân bay Hong Kong tới Macau và vào đại lục chỉ trong khoảng 45 phút.  

Được biết, ngoài công trình cầu vượt xuyên biển, các nhà nghiên cứu còn hợp tác với một công ty công nghệ ở Hàng Châu để tạo ra trần nhà cong bằng tre với tổng diện tích 240.000m2 tại sân bay quốc tế Madrid Barajas tọa lạc tại Madrid (Tây Ban Nha). Đây cũng là công trình lớn nhất thế giới thuộc hạng mục này.

Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/dung-van-tre-xay-cau-vuot-bien-lon-nhat-the-gioi-sau-6-nam-van-vung-chac-20250219212849107.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay