Chúng tôi đến góc đường cạnh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trước KTX khu B ĐHQG TP.HCM hay dưới các chân cầu vượt – vốn là “điểm hẹn” của rất nhiều tài xế xe công nghệ lâu nay – nhưng giờ đây đều thưa thớt tài xế.
Tài xế GrabBike V.T.T. chia sẻ.
Sợ giờ cao điểm nên tắt app
Chạy liền tù tì từ 6h sáng đến giữa trưa, anh Nguyễn Minh Chiến (26 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), tài xế một hãng xe công nghệ, thở hổn hển nói: “Từ sáng tới giờ chạy liên tục, không kịp giờ ăn cơm luôn á chứ nói gì tắt app. Vừa trả khách chưa được hai phút là có cuốc nổ liền, tít tít liên tục, điện thoại còn sạc không kịp đầy đây nè”.
Đang trò chuyện với chúng tôi, anh Chiến liên tục liếc chiếc điện thoại chờ “nổ cuốc”. Anh nói thời điểm cuối năm trung bình cứ một tiếng anh sẽ chạy được 3-5 cuốc. Thu nhập của anh trong bốn ngày qua không hôm nào dưới 500.000 đồng.
“Tiền vô liên tục vậy ai mà không khoái, chỉ cầu có sức chạy kiếm thêm tiền về quê ăn Tết chứ tắt app chi cho khổ”, anh Chiến phân trần trước việc nhiều khách hàng than vãn tài xế tắt app.
Khoảng năm phút nghỉ ngơi, điện thoại anh lại nổ tiếp một cuốc bên Dĩ An cách đó gần 2,5km. “Gần Tết thiếu tài trầm trọng, đón khách toàn mấy cây số chứ đâu có gần. Hồi xưa app điều hướng trong bán kính 1km đổ lại thôi, giờ thiếu tài đành phải chịu đi xa”, anh Chiến than thở rồi vịn ga tiếp tục mưu sinh.
Tại “thủ phủ” sinh viên làng ĐH Thủ Đức, nhiều bác tài vừa vui cũng vừa ngán ngẩm vì chạy liên tục không kịp nghỉ ngơi. Như trường hợp của tài xế Phan Tuấn Kiệt (42 tuổi, ngụ Tân Phú) phải đành tắt app năm phút, chạy vào một cửa hàng tiện lợi ăn vội ổ bánh mì ngọt.
“Giờ đói quá nên cắn bụng tắt chừng năm phút ăn ổ bánh mì rồi chạy tiếp. Tài xế đợt này về quê sớm hay sao mà thiếu trầm trọng, gần như sáng giờ tôi bao sô ở khu sinh viên này luôn rồi”, ông Kiệt nói thêm.
Ngồi nghỉ trưa ở công viên Lê Văn Tám, quận 1, ông Hòa (45 tuổi, một tài xế xe công nghệ lâu năm tại TP.HCM) lý giải năm nay thu nhập của cánh tài xế công nghệ giảm hơn so với trước. Đường sá đông quá, lại kẹt xe nên nhiều anh em đồng nghiệp quyết định về quê ăn Tết sớm.
“Cuối năm khách đặt xe liên tục mà đường thì kẹt cứng, chạy một cuốc xe phải mất gấp đôi thời gian so với trước kia nên chẳng được bao nhiêu. Hễ đường đông là tôi tắt app, tấp xe vào ghế đá nghỉ khỏe nên khách đặt app chờ lâu là đúng rồi”- ông Hòa nói.
Hãng xe công nghệ nói gì?
Với thực trạng nêu trên, trao đổi với Tuổi Trẻ, các hãng xe công nghệ như Grab, Be cho biết thời điểm cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao nên các tài xế mất nhiều thời gian hơn trước để đón khách và hoàn thành cuốc xe.
Khách cũng sẽ khó đặt dịch vụ ở một số khu vực, nhất là vào khung giờ cao điểm. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc khách đặt xe khó khăn hơn trước đó. Còn về giá cước dịch vụ, các hãng khẳng định cơ bản không thay đổi.
Cụ thể, theo lý giải của đại diện Grab, tùy theo từng thời điểm ở từng khu vực có thể được áp dụng biểu giá linh động nhằm phản ánh đúng tình hình cung – cầu của thị trường; quãng đường, thời gian di chuyển thực tế của đối tác tài xế.
Để khắc phục, Grab áp dụng thêm một số cải tiến công nghệ, trong số đó có công nghệ được cập nhật theo tình hình giao thông mới nhất. Đồng thời kèm chương trình thưởng để khuyến khích đối tác tài xế và người dùng.
Tương tự, đại diện của Be khẳng định giá cước không tăng, một số thời điểm áp dụng giá linh hoạt tăng giảm để thu hút tài xế đến các điểm thiếu xe. Phần cước tăng này chia về thu nhập tài xế, chứ không chia cho nền tảng. Dù vậy mấy tuần qua, tình trạng ùn tắc nên số chuyến hoàn thành giảm, thu nhập tài xế giảm theo.
Các giải pháp mà đơn vị này đưa ra sẽ là cập nhật bản đồ, tính năng chỉ đường để tài xế chọn tuyến đường tối ưu đi lại. Ngoài ra Be làm thêm một số nội dung nhắn nhủ khách, chơi game nhận mã giảm giá để cải thiện tình hình.
“Từ ngày 25-1 đến 1-2, Be áp dụng phụ phí Tết nhằm khuyến khích tài xế hoạt động, nhiều chương trình thưởng dịp Tết.
Mức phụ phí cụ thể là 5.000 đồng/chuyến đối với dịch vụ hai bánh, 15.000 đồng/chuyến đối với dịch vụ bốn bánh. Toàn bộ phụ phí được tính vào thu nhập trực tiếp của tài xế, không bị chiết khấu bởi nền tảng”, đại diện hãng xe công nghệ này nói.
Tranh thủ chạy sáng sớm và đêm khuya
Để bù lại lúc kẹt xe tắt app, không ít tài xế, trong đó có ông Hòa, quyết định chuyển sang chạy đêm. Ông Hòa lý giải: “Lúc đó đường sá thông thoáng hơn, dễ chạy mà thoải mái đầu óc nữa, chưa kể cuốc đêm tiền sẽ cao hơn ban ngày nên thu nhập ổn”.
Tương tự, ông Phùng Thanh Sơn (64 tuổi) chia sẻ ngày trước thu nhập trung bình khoảng 500.000 đồng, nay đã giảm 20% so với trước. Dịp sát Tết này ông chỉ tranh thủ chạy buổi sáng sớm vì bên app hỗ trợ tăng giá, còn buổi trưa nắng nóng, kẹt xe quá thì ông tắt nghỉ ngơi lấy sức chiều chạy tiếp.
“Nhiều khi tắt app đơn sau sẽ bị đẩy đi xa hơn. Nhưng cũng phải ráng, cứ giờ cao điểm kẹt xe là tôi tấp chỗ nào mát mát đánh một giấc. Đường bớt đông tôi mới mở app nhận khách tiếp”, ông Sơn nói.
Gọi taxi nhanh hơn xe công nghệ
Suốt một tuần qua, anh Hoàng Anh – người dân ở TP Thủ Đức – bắt xe công nghệ rất khó khăn, bắt được thì “gánh” giá cước tăng đột biến. Anh nhẩm tính các chuyến xe đi từ quận này sang quận khác đang tăng từ 15-20% so với giá cước thông thường, đặc biệt vào khung giờ cao điểm, giá cước còn tăng “khủng” hơn.
Anh chia sẻ cách đây mấy ngày bắt Grabcar đi từ công viên Gia Định về nhà tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Lúc ấy khoảng 19h30, app hiện mức giá 430.000 đồng (ô tô bốn chỗ) và 470.000 đồng (ô tô bảy chỗ), cao hơn nhiều so với giá bình thường anh hay đi (dao động từ 270.000 – 320.000 đồng).
“Dù khá bất ngờ với mức giá, tôi vẫn chấp nhận đặt xe vì nghĩ do đường kẹt xe nên thêm chút chi phí cho tài xế cũng hợp lý. Thế nhưng tôi đợi hơn 30 phút vẫn không có tài xế nào nhận cuốc.
Tôi mở app beCar lên đặt cũng gặp tình trạng tương tự. Gần một tiếng tôi vẫn chưa bắt được xe nên chuyển sang đặt taxi, bất ngờ khi chưa đầy 10 phút đã có xe đến đón, mức phí chỉ 301.000 đồng” – anh Hoàng Anh nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/gan-tet-vi-sao-goi-xe-cong-nghe-qua-kho-20250122222903629.htm