Sinh ra trong một gia đình làm gốm truyền thống ở làng nghề Bát Tràng, có ông bà và bố mẹ đều là nghệ nhân nhưng ngay từ đầu Vũ Tuấn Long (sinh năm 1998, Hà Nội) không có ý định sẽ nối nghiệp. Anh chàng theo học ngành Kế toán ở trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, sau đó kinh doanh quần áo second hand.
Sang năm 2024, kinh tế khó khăn, gốm sứ là sản phẩm không thiết yếu nên tình hình kinh doanh của gia đình Long gặp nhiều vấn đề. Cùng lúc đó việc kinh doanh quần áo của Tuấn Long cũng không mấy khả quan nên anh chàng quyết định về phụ giúp bố mẹ. Không ngờ quyết định này đã tạo nên sự thay đổi lớn, cả với Tuấn Long cũng như gia đình.
Chàng trai Gen Z tóm tắt quá trình “thao túng tâm lý” bố mẹ để thâu tóm xưởng gốm
Kẻ khai sinh “gớm” sứ, kẻ “hủy diệt” gia tộc
Đây chính là cách Tuấn Long dùng để mô tả mình. Bởi gia đình 2 đời trước làm nghệ nhân thì đến đời anh chàng lại là… “gừng” nhân. Bởi trong khi bố mẹ làm nghề truyền thống, có xưởng và kinh doanh các sản phẩm gốm sứ đẹp mắt, tinh xảo thì những thứ mà anh chàng làm ra lại được mô tả là quái dị, gớm ghiếc như Totoro và Doraemon miệng loe răng sứt, Pokemon có dáng vẻ kỳ cục, Vô Diện có 2-3 chiếc lưỡi,…
Thời gian đầu, khi đồng ý về giúp bố mẹ, Tuấn Long không có dự định làm “gớm” sứ như vậy. Anh chàng chỉ hứa sẽ tăng doanh thu các sản phẩm truyền thống và bắt đầu từ việc học nghề làm gốm. Trong ngày làm việc có những lúc nghỉ ngơi nên Long ngồi nghịch, nặn ra vài món đồ linh tinh và “ngựa ngựa” bảo mẹ thử nung xem sao. Lúc này sản phẩm của anh chàng dù xấu nhưng vẫn ra thành phẩm, khiến bố mẹ bất ngờ vì không nghĩ có thể ra sản phẩm.
Sau đó Tuấn Long đăng một vài clip làm “gớm” sứ lên MXH và bất ngờ viral. Bố mẹ anh chàng tiếp tục bất ngờ vì: “Ô! Sao mấy cái này mà cũng được nhiều người quan tâm thế! Nhiều người bình luận thế!”. Tuy nhiên Long vẫn chưa có ý định kinh doanh mà chỉ làm đăng video cho có. Đến khoảng 10 video thì bắt đầu có người hỏi mua, số người mua vượt số đồ đang có mà bản thân lại chưa thành thục nghề gốm nên anh chàng không dám nhận đơn.
Dần dần lượng đơn đặt hàng tương đối oke thì bố mẹ Tuấn Long mới bắt đầu có nhìn nhận khác về mặt hàng mà con trai đang làm: “Bố mẹ mình nghiêm túc hơn, chỉ dạy nhiều kỹ thuật hơn còn mình vẫn tiếp học hỏi, nâng cao tay nghề”. Sau cùng, Tuấn Long có nhiều clip viral, được truyền thông chú ý và chính thức “thao túng tâm lý” bố mẹ thành công. Bố mẹ anh quan tâm đến sản phẩm của con trai và sản phẩm truyền thống như nhau, cho con “mượn” thợ vẽ, giúp phun men, nung,…
Đến hiện tại, sản phẩm “gớm” sứ của Tuấn Long nhận về sự yêu thích từ cư dân mạng, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nhiều clip của anh chàng đăng tải nhận về hàng chục nghìn lượt yêu thích và hàng trăm bình luận hỏi mua. Giải thích về sự ngược đời này, Long cho biết: “Vì sản phẩm của mình nhìn xấu xấu nhưng cũng rất lạ, vô tri và vô tình đánh vào sở thích những thứ độc lạ, không giống ai của các bạn trẻ. Thậm chí có những đơn hàng 5 con Vô Diện nhưng mình vẫn nặn thành 5 con khác nhau”.
Kiếm 60 – 70 triệu/ tháng nhờ làm gốm xấu
Nhờ sự yêu thích này, tình hình kinh doanh của Tuấn Long “trộm vía” ổn định, đôi khi quá tải vì sản phẩm được làm thủ công hoàn toàn. Ngoài Long, tiệm còn có 1 thợ chính, 1 nhân viên chuyên vẽ màu, mẹ anh chàng hỗ trợ phun men và nung. “Ước tính trung bình mình nhận được khoảng 10 – 20 đơn/ngày, số sản phẩm làm ra khoảng 200 món/tháng, cả nhỏ lẫn lớn. Có nhiều đơn mình phải từ chối vì làm thủ công sẽ tốn thời gian, sợ khách phải đợi lâu” – chủ tiệm “gớm” cho biết.
Dù sản phẩm thủ công nhưng Tuấn Long vẫn cân nhắc để mức giá hợp lý, dao động khoảng 100 – 200k, phù hợp với khách hàng phổ thông. Kể từ khi làm gốm xấu, thu nhập của anh chàng cũng khá ổn, rơi vào khoảng 60 – 70 triệu đồng/tháng.
Vì không chỉ mình Long làm sản phẩm nên sự đồng đều chất lượng là điều cần được đảm bảo. Anh chàng cho biết ngay từ khâu tuyển người đầu tiên, đã chọn người có điểm tương đồng với mình như thích văn hóa Nhật Bản, thích hoạt hình và truyện tranh,… “Mỗi người có một tay nghề và độ sáng tạo khác nhau nhưng phải hợp gu thì mới làm được vì khách thích nét quái dị mà mình làm trước đó. Ban đầu mình và bạn thợ còn lại cũng cần thời gian làm thử, thấy phù hợp thì mới tiếp tục hướng dẫn để sản phẩm của bạn ấy có sự tương đồng với nét nặn của mình”.
Với nghề làm gốm, những sản phẩm tinh xảo, đẹp đẽ là điều ai cũng thấy nhưng phía sau đó là rất nhiều khó khăn. Tuấn Long cho biết làm gốm là nghề đậm chất kỹ thuật, nhiều công đoạn như quấy men, trộn hồ, vẽ, phun men, nung,… Mỗi công đoạn lại gồm nhiều thao tác đều đòi hỏi độ chính xác cao.
Riêng với Tuấn Long, làm sản phẩm mới nên anh chàng cũng có cái khó riêng: “Đồ gốm của nhà mình nói riêng và làng mình nói chung đã được làm từ hàng chục, hàng trăm năm nay và đều có công thức sẵn, mọi người đến xưởng là làm thôi. Còn mình phải tự mày mò, không có bất kỳ định lượng nào vì mỗi con to nhỏ khác nhau, độ dày mỏng, men, vẽ màu, thời gian khô khác nhau,… Chưa kể đến bước cuối cùng nung ra còn có thể bị nổ. Và thực tế là thời điểm đầu mình nung 10 con thì nổ khoảng 7-8 con. Lúc đó vì nung ké với hàng của bố mẹ nên những mảnh nổ đó bắn tung tóe vào hàng, thiệt hại cả chục triệu”.
Có những sản phẩm làm đến bước nung rồi vẫn có thể bị hư hỏng
Khách không ưng, đòi trả hàng là chuyện bình thường
Giữa làng nghề truyền thống bỗng nhiên “lòi” ra một thanh niên làm dăm ba món đồ không giống ai nên tiệm “gớm” của Tuấn Long nhận về nhiều sự chú ý từ hàng xóm, họ hàng xung quanh.
Một số người thắc mắc, qua tận xưởng để xem anh chàng làm gì, làm thế nào. Cùng với đó là sự hoài nghi vì: “Trong thời điểm kinh tế khó khăn, người ta làm ra sản phẩm đẹp như thế, tinh xảo như thế còn không bán được mà những cái xấu xấu của mình lại bán được, thậm chí bán tốt. Nên cả hàng xóm lẫn họ hàng đều tìm hiểu xem mình làm ra sao”.
Ngoài ra Tuấn Long nhận được sự động viên và giúp đỡ từ họ hàng trong làng. Hơn ai hết, họ hiểu những vất vả của nghề gốm nên góp ý cho anh chàng khi thấy những thứ chưa ổn như men, màu,…
Về phía khách hàng, Tuấn Long cũng gặp không ít vấn đề. Vì sản phẩm thủ công, mỗi khách lại có một yêu cầu khác nhau nên anh chàng vừa làm vừa nghĩ để tối ưu, phải nhanh để trả khách. Mỗi sản phẩm làm ra thường có 2 tình huống cơ bản:
“Thứ nhất, mình nung xong thấy không được đúng ý. Khi đó mình sẽ báo khách luôn, nếu khách vẫn muốn lấy thì mình giảm tiền hoặc tặng, coi như làm không công vì khách cũng mất thời gian đợi. Nếu khách không oke thì mình sẵn sàng hoàn lại tiền.
Thứ 2, mình thấy oke nhưng khách lại không ưng. Làm kinh doanh, chuyện này là bình thường. Mình chỉ có cách duy nhất là tốt hơn mỗi ngày để giảm tỷ lệ đó xuống. Trộm vía đến hiện tại thì tỷ lệ này khá thấp, đa số mọi người đều ưng. Nếu họ không ưng thì mình cũng có phương án giải quyết mọi chuyện ổn thỏa nhất”.
Về chuyện bị cạnh tranh hay copy mẫu mã, mới đầu Tuấn Long cũng lo và đề phòng. Nhưng cơ bản, quan điểm của anh chàng khá thoáng vì việc này không thể nào tránh được. Hơn nữa Long thừa nhận tay nghề của mình khá non, “người ta lấy cảm hứng từ đồ của mình mà tay nghề tốt hơn, làm đẹp hơn thì mình phải chịu”.
Tuy nhiên có một lý do khiến anh chàng khá tự tin là vì sản phẩm của mình quá xấu, độc bản, không cái nào giống cái nào nên cũng khó copy. “Mọi người có thể copy nhưng mình sẽ tiếp tục làm ra sản phẩm khác lạ hơn, dị hơn, xấu hơn. Nếu họ muốn copy thì cứ phải đi theo sau mình, mất đi chất riêng. Và sản phẩm của mình có những nét đặc trưng riêng mà nhìn là ra luôn, đó là điều khách yêu thích”.
Dù “gớm” sứ đang trên đà phát triển nhưng trong tương lai, Tuấn Long vẫn xác định sẽ dung hợp giữa gốm và gớm, có hướng đi rõ ràng. Cụ thể, anh chàng dự định cùng mẹ tạo ra các sản phẩm đại trà hơn như hộp mứt Tết, cốc, bát đũa, bình hoa,… Phôi vẫn là dáng đồ vật bình thường đó nhưng Long sẽ điểm thêm những chi tiết độc lạ, nghịch ngợm.
Ngoài ra Tuấn Long vẫn phát triển gốm sứ truyền thống vì vẫn rất thích nét đẹp của gốm, của dáng vẻ làm việc của nghệ nhân làm gốm. “Thẳng thắn mà nói, nếu gốm mà bán được thì chưa chắc mình đã làm gớm. Mọi người cũng hay nghĩ chỉ có ông bà, cô bác lớn tuổi thích gốm nhưng mình muốn lan tỏa nhiều hơn, để các bạn trẻ có cái nhìn thoáng hơn, mới mẻ hơn về nghề truyền thống này và ngày càng phát triển nó” – Tuấn Long tâm sự.
Nguồn: https://kenh14.vn/gen-z-tro-thanh-nguoi-huy-diet-gia-toc-khi-tu-lam-gom-thanh-lam-gom-thu-nhap-70-trieu-thang-215241105214219701.chn