Chốt phiên ngày 19/2, giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp lớn dao động 89,6-91,9 triệu đồng/lượng (mua – bán), tăng 1 triệu đồng ở chiều mua vào và 800.000 đồng ở chiều bán ra so với phiên trước. Chênh lệch giá mua – bán thu hẹp còn 2,3 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn tròn trơn cũng tăng mạnh, được niêm yết ở mức 89,6-91,7 triệu đồng/lượng, tăng tương tự vàng miếng. So với đầu tuần, giá vàng nhẫn tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng ở chiều bán ra. Trong khi đó, vàng miếng SJC tăng 2,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,6 triệu đồng/lượng ở chiều bán.
Trong phiên, có thời điểm vàng miếng SJC chạm 92 triệu đồng/lượng, thấp hơn mức đỉnh lịch sử ngày 11/2 chỉ 1,1 triệu đồng. Một số thương hiệu tư nhân đã niêm yết vàng nhẫn tiệm cận 92 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Chuyên gia khuyên nhà đầu tư nên cẩn trọng khi mua vàng giá cao (Ảnh: Mạnh Quân).
Trên thị trường quốc tế, giá vàng (theo giờ Việt Nam) giao dịch ở quanh mốc 2.945 USD/ounce, tăng 15 USD so với trước đó, đạt mức cao nhất mọi thời đại.
TS Ngô Minh Vũ – Giảng viên Khoa Ngân hàng Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) – cho rằng, đà tăng giá vàng gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết, kênh vàng đang tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư khi trong năm 2024, có thời điểm lợi nhuận từ vàng miếng, vàng nhẫn đạt tới 40% chỉ sau một năm. Nhiều người kỳ vọng mức sinh lời sẽ đạt mức tương tự trong năm nay, thúc đẩy dòng tiền đổ vào vàng.
“Bất cứ thông tin tích cực nào cũng có thể đẩy giá vàng lên cao, khiến người dân đổ xô mua vào”, ông Vũ nhận định.
Ở góc độ vĩ mô, giá vàng trong nước đang diễn biến đồng pha với thế giới. Lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao do căng thẳng thương mại kéo dài. Chính sách thuế quyết liệt của cựu Tổng thống Donald Trump cũng ảnh hưởng đến lạm phát và tâm lý nhà đầu tư. Trong bối cảnh này, vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn.
Ông Vũ nhấn mạnh, kiểm soát giá vàng không phải ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý thị trường vàng từ cuối năm 2023.
Dưới góc độ nhà đầu tư cá nhân, ông khuyến nghị không chạy theo tâm lý đám đông (FOMO) hay đầu tư theo xu hướng. Hiện tại, giá vàng đã tiệm cận mức đỉnh kỷ lục, dư địa tăng không còn nhiều. “Khó có khả năng giá vàng tiếp tục tăng 30-40% như năm ngoái, nhà đầu tư nên điều chỉnh kỳ vọng hợp lý hơn,” ông Vũ nói.
Ông cũng lưu ý rủi ro chênh lệch giá mua – bán, có thời điểm lên đến 3-4 triệu đồng/lượng, khiến nhà đầu tư có thể chịu thiệt khi thanh khoản.
Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Ngô Thành Huấn nhìn nhận, có thể vàng sẽ kết thúc quá trình tăng trong năm 2025 và bước vào chu kỳ “ngủ đông” tại giai đoạn 2026-2030. “Tôi không khuyến nghị mua thêm. Người nào có đừng bán, hãy giữ”, ông Huấn nêu.
Ông Huấn cho rằng vàng không phù hợp để mua thêm vào lúc này. 2 kênh đầu tư triển vọng được ông Huấn gợi ý là bất động sản và cổ phiếu thông qua chứng chỉ quỹ mở. “Xác suất vàng tăng lại có nhưng sẽ chỉ 5-10%, trong khi 2 kênh còn lại có dư địa để tăng bằng lần”, ông Huấn nói.
“2025 là chu kỳ cuối cùng của vàng. Nếu không có biến động chính trị lớn thì vàng sẽ nhường lại thị trường cho chứng khoán và bất động sản”, ông Huấn đưa ra quan điểm.
iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.
iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả…
Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gia-vang-3-ngay-tang-2-trieu-dong-nha-dau-tu-nen-lam-gi-20250219163330040.htm