Giá vàng tăng cao, USD đi xuống
Ngày 14.2, thị trường vàng nhộn nhịp trở lại khi nhu cầu mua trang sức của người dân nhân ngày lễ Tình nhân tăng cao. Tại các trung tâm trang sức của PNJ, khu vực chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM)…, lượng khách ra vào mua trang sức tăng lên thấy rõ so với mấy ngày đầu tuần. Bên cạnh đó, giá vàng bật tăng trở lại sau nhiều ngày sụt giảm. Vàng miếng SJC tăng 600.000 đồng mỗi lượng trong ngày 14.2, các công ty kinh doanh vàng như SJC, PNJ, Doji… mua vào với giá 88,3 triệu đồng, bán ra 91,3 triệu đồng. Trong 2 ngày qua, vàng miếng SJC tăng 1,1 triệu đồng/lượng nhưng vẫn còn thấp hơn mức cao kỷ lục lập được vào tuần trước ở 93,1 triệu đồng/lượng. Đại diện Công ty SJC cho biết vàng quay đầu tăng giá khiến nhu cầu mua và bán vàng miếng SJC ở mức thấp. Người mua thì sợ giá cao, người bán thấy giá lên thì tiếp tục chờ.


Vàng quay đầu tăng giá trong khi ngân hàng giảm giá USD
Cùng với đó, giá vàng nhẫn 4 số 9 cũng tăng thêm từ 200.000 – 600.000 đồng mỗi lượng với giá bán tăng nhanh hơn giá mua. Chẳng hạn, Công ty SJC mua vào với giá 88,3 triệu đồng, bán ra 91,2 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào với giá 89,3 triệu đồng, bán ra 91,3 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 89 triệu đồng, bán ra 91,1 triệu đồng… Có thể thấy cùng chất lượng vàng 4 số 9 nhưng giá mua vàng nhẫn của các công ty cao hơn giá vàng miếng SJC, trong khi giá bán ra ở mức xấp xỉ nhau.
Vàng miếng SJC đang rút dần mức chênh lệch so với giá thế giới, chỉ còn cao hơn thế giới 700.000 đồng mỗi lượng, mức thấp nhất từ nhiều năm trở lại đây. Cách đây hơn 1 năm, giá vàng miếng SJC lúc nào cũng cao hơn thế giới từ 18 – 20 triệu đồng/lượng. Sở dĩ có hiện tượng này là do tốc độ tăng giá của vàng trong nước chậm hơn so với thế giới.
Giá kim loại quý trên thị trường thế giới tăng thêm 25 USD/ounce, lên 2.933 USD/ounce, có thời điểm trong ngày lên đến 2.938 USD và tiến gần đến mức giá kỷ lục 2.942 USD/ounce xác lập từ tuần trước. Trong 30 ngày qua, giá kim loại quý thế giới đã tăng 250 USD/ounce, tương ứng mức đi lên hơn 9,2% và tăng 935 USD/ounce chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, ghi nhận mức lên giá gần 47%. Giá vàng thế giới tăng mạnh ở mức cao kỷ lục khi các mối đe dọa về thuế quan gia tăng. Thêm vào đó, sự suy yếu của USD là yếu tố đóng góp lớn nhất cho mức tăng của vàng. Chỉ số USD hiện được cố định ở mức 106,95, sau khi mất 0,84%. USD suy yếu do lo ngại về thuế quan và báo cáo chỉ số giá sản xuất của tháng 1. Mối lo ngại tiếp tục gia tăng sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc áp dụng thuế quan có đi có lại đối với các quốc gia đánh thuế nhập khẩu hàng của Mỹ.
Biến động vàng ngày 14.2.2025
Giá USD trong nước hôm qua ghi nhận ngày giảm thứ 2 liên tiếp. Giá USD trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm 35 đồng, xuống còn 25.415 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại giảm giá USD thêm 20 – 40 đồng, Vietcombank mua vào còn 25.220 – 25.250 đồng, bán ra 25.610 đồng; ACB còn 25.210 – 25.240 đồng chiều mua vào, bán ra 25.590 đồng… Trong 2 ngày qua, các ngân hàng đã giảm giá USD tổng cộng từ 150 – 180 đồng sau chuỗi tăng giá liên tục từ sau Tết Nguyên đán. Không những vậy, giá bán USD của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (thuộc Ngân hàng Nhà nước – NHNN) giảm nhẹ 10 đồng, xuống còn 25.740 đồng. Mức giảm này không đáng kể so với tốc độ tăng giá bán trong 3 ngày qua lên 300 đồng. Thêm vào đó, giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do cũng giảm nhẹ 20 đồng, xuống 25.600 đồng chiều mua vào, bán ra 25.705 đồng.
Sự quay đầu đi xuống của USD trong ngân hàng một phần đến từ nhu cầu ngoại tệ trên thị trường sụt giảm. Ngày 13.2, Kho bạc Nhà nước thực hiện mua 200 triệu USD ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Ngày thanh toán dự kiến là ngày 17.2. Đây là đợt mua ngoại tệ đầu tiên của Kho bạc Nhà nước trong năm 2025 nhằm đáp ứng thanh toán, chi trả bằng ngoại tệ của nhà nước.
Thận trọng với biến động
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết diễn biến trên thị trường vàng những ngày gần đây không theo kịp giá thế giới cũng không có gì ngạc nhiên. Khi giá vàng ở mức cao, nhiều người ngại mua vì sợ đu đỉnh như những lần trước đó nên mang bán chốt lời. Chính vì điều này mà giá vàng trong nước không thể tăng lên như thế giới mà đứng khá ổn định. Trong những ngày qua, giá kim loại quý thế giới biến động mạnh, vượt qua mức dự báo của các chuyên gia vàng đưa ra trước đó 2.900 USD/ounce. Nguyên nhân đến từ nỗi lo lạm phát khiến USD yếu đi và vàng lên giá. Chính sách thuế quan của Mỹ có thể sẽ gây lạm phát trong chính nước này bởi hàng hóa nhập khẩu sẽ có giá cao hơn. Với những diễn biến vàng thế giới hiện nay thì mức giá kỷ lục 93 triệu đồng/lượng chỉ còn là vấn đề thời gian. “Giá vàng hiện đang quay lại mức đỉnh nên rất khó phân tích, đánh giá bởi có thể xuất hiện lực bán chốt lời. Tuy nhiên dù điều chỉnh thì giá vàng vẫn tăng, mức giá có thể xuất hiện 3.000 USD/ounce trong quý 1”, ông Huân nói.
Đối với tỷ giá trong nước, ông Nguyễn Hữu Huân cho rằng thông thường sau Tết Nguyên đán, tỷ giá sẽ giảm áp lực nhưng năm nay áp lực tăng tỷ giá khá mạnh khi thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, lãi suất tiền đồng giảm sẽ tạo chênh lệch lãi suất USD và tiền đồng ở mức thấp. Trong trường hợp Mỹ gia tăng lạm phát, khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) không giảm lãi suất, trong khi VN mà giảm lãi suất thì càng gây áp lực lên tỷ giá.
Theo ông Nguyễn Hữu Huân, các nước sẽ không ngồi yên mà có thể sẽ hành động bằng cách phá giá đồng nội tệ để đối phó chính sách thuế quan của Mỹ, làm cho giá hàng hóa không thay đổi hoặc rẻ hơn. “Trước những biến động thị trường trong và ngoài nước hiện nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần mua kỳ hạn ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro về tỷ giá”, ông Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị.
Ngân hàng UOB nhận định tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục được neo ở mức cao trong bối cảnh rủi ro toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tiền đồng đã có một khoảng thời gian tạm lắng trong tháng 1 khi Tổng thống Donald Trump chưa áp dụng thuế ngay từ ngày đầu tiên đối với Trung Quốc. Điều này đã khiến tỷ giá rút khỏi mức cao kỷ lục gần 25.500 đồng, giảm xuống khoảng 25.100 trong suốt tháng 1. Tuy nhiên, sự bình ổn này nhanh chóng bị phá vỡ sau khi ông Trump công bố thuế đối với Mexico, Canada và Trung Quốc vào đầu tháng 2, khiến giá tăng trở lại lên khoảng 25.300 đồng. Với lập trường thận trọng hơn của Fed về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025, cùng với những bất ổn từ thuế quan và Trung Quốc, cặp tỷ giá USD/VND có khả năng duy trì xu hướng tăng. Theo dự báo mới nhất của UOB, giá USD vào quý 1/2025 là 25.600 đồng, quý 2 lên 25.800 đồng, quý 3 là 26.000 đồng và quý 4 xuống 25.800 đồng.
Nhu cầu ngoại tệ có thể tăng cuối quý 1
Công ty CP chứng khoán Rồng Việt lưu ý nhu cầu trả nợ của các tập đoàn tư nhân và Kho bạc Nhà nước tăng trong thời gian tới cùng với việc tăng nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu có thể khiến áp lực mất giá tiền đồng tăng dần về cuối quý 1/2025.
Nguồn: https://thanhnien.vn/gia-vang-tang-vot-usd-lao-doc-185250214222501345.htm