Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025
HomeCông NghệGiải pháp đẩy nhanh tốc độ thẩm định đơn đăng ký sáng...

Giải pháp đẩy nhanh tốc độ thẩm định đơn đăng ký sáng chế

Nhận thức được tầm quan trọng của sáng chế và bảo hộ sáng chế trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đề cập đến giải pháp khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo… Đồng thời, Nghị quyết đề ra mục tiêu số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8-10%.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố và các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn đã có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đăng ký sáng chế. Điều này giúp cho sự tăng trưởng đơn đăng ký sáng chế của người nộp đơn Việt Nam trong giai đoạn gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng. Số lượng đơn đăng ký sáng chế nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ và số lượng bằng độc quyền sáng chế hay giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ cấp ra trong những năm gần đây đều có xu hướng tăng. Năm 2023, số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích là 10.295 đơn, năm 2024 tăng lên 10.796 đơn. Số lượng văn bằng bảo hộ sáng chế cấp năm 2023 là 4.136 đơn, năm 2024 tăng lên 4.875 đơn.

Từ năm 2018 đến nay, tốc độ tăng năng suất xử lý đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam khoảng 10%/năm. Với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, theo lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, khối lượng công việc liên quan tiếp nhận và xử lý đơn sẽ rất lớn và là thách thức không nhỏ nếu không có những giải pháp mang tính đột phá. Bài toán phải giải ngay trong năm 2025 là đẩy lùi tình trạng đơn tồn đọng. Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, đến ngày 31/12/2024, lượng đơn tồn đọng, quá thời hạn thẩm định khoảng 97.131 đơn; số lượng đơn đã nộp đến hạn xử lý trong năm 2025 là 113.821 đơn. Do đó, mục tiêu trong năm 2025 phải xử lý hết số lượng đơn đến hạn và một nửa số lượng đơn tồn đọng, với tổng số khoảng hơn 163.000 đơn. Năm 2026, tập trung giải quyết dứt điểm số đơn tồn đọng còn lại, và từ năm 2027, phấn đấu đưa thời gian thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp về đúng thời hạn.

“Trong năm 2024, trong điều kiện đặc biệt khó khăn do có những thay đổi về cơ chế tài chính đặc thù nhưng Cục Sở hữu trí tuệ đã nỗ lực rất lớn để xử lý được hơn 140.000 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tăng 13,9% so với năm 2023, đó là lượng đơn được thẩm định cao nhất từ trước đến nay. Năm 2025, mục tiêu phải xử lý hơn 163.000 đơn sẽ là một áp lực rất lớn cho Cục Sở hữu trí tuệ”- ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Lê Huy Anh cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Cục đã đề ra các giải pháp để thực hiện được các mục tiêu. Trước đây, Cục xây dựng kế hoạch trên cơ sở năng lực của các đơn vị thẩm định đơn thì năm nay, Cục đề ra chỉ tiêu cụ thể, trong đó nội lực của đơn vị xử lý được bao nhiêu đơn, số lượng còn lại vượt quá năng lực nội tại chính là bài toán phải giải. “Chúng tôi đã tính đến giải pháp đào tạo cấp tốc nhân lực hoặc thuê, ký hợp đồng với chuyên gia bên ngoài, ở các viện nghiên cứu, trường đại học, những nơi có năng lực về khoa học-công nghệ… để thực hiện công tác thẩm định đơn. Chúng tôi cũng dự báo số lượng đơn đăng ký sáng chế của người nộp đơn Việt Nam sẽ tăng, công tác thẩm định đối với loại đơn này sẽ mất nhiều thời gian hơn so với đơn đã đăng ký ở nước ngoài. Do đó, cần phải có đủ máy móc, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, chỗ làm việc … và áp dụng chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra”- ông Lê Huy Anh nhấn mạnh.

Thời gian qua, số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam tăng trung bình 10-19%. Trong giai đoạn 2011-2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về lượng đơn đăng ký sáng chế, với 2.639 đơn, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh với 1.556 đơn, Bà Rịa-Vũng Tàu 98 đơn, Đồng Nai 96 đơn, Đà Nẵng với 82 đơn và Cần Thơ 82 đơn. Điều này cho thấy, nhận thức của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các địa phương đã được nâng lên. Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực trong việc phổ biến, tuyên truyền, coi sáng chế, tài sản trí tuệ là nguồn lực quan trọng để duy trì, phát triển và nâng cao vị thế cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên trên thực tế, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được khai thác, thương mại hóa còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Để thực hiện mục tiêu tỷ lệ khai thác, thương mại hóa sáng chế đạt 8-10% trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc thực thi chiến lược phát triển tài sản trí tuệ quốc gia đến năm 2030, trong đó có nội dung về khai thác sáng chế. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ sẽ xem xét hình thành nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng thương mại hóa sáng chế hiện đang vướng ở đâu, do thể chế hay do chất lượng sáng chế, để thúc đẩy thương mại hóa sáng chế trong thời gian tới.

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ thương mại hóa sáng chế thành công trên thế giới khoảng 10-15%, nhưng muốn thành công thì số lượng sáng chế phải nhiều. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tạo ra được các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng để có thể đăng ký sáng chế. Vốn đầu tư của Nhà nước mang tính dẫn dắt, còn khối tư nhân đầu tư cho khoa học-công nghệ gắn với động lực cạnh tranh trên thị trường, làm giàu bằng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là giải pháp để gia tăng tỷ lệ thương mại hóa sáng chế một cách bền vững.

Nguồn: https://nhandan.vn/giai-phap-day-nhanh-toc-do-tham-dinh-don-dang-ky-sang-che-post857707.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay