Thứ tư, Tháng hai 12, 2025
HomeCông NghệGiải pháp đột phá để phát triển khoa học, công nghệ và...

Giải pháp đột phá để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhiều nhưng khó thực hiện

Hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay được điều chỉnh bởi nhiều luật chuyên ngành như Luật Khoa học và Công nghệ (2013), Luật Chuyển giao công nghệ (2017, sửa đổi bổ sung năm 2023), Luật Sở hữu trí tuệ (2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 và 2022), Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Ðầu tư (2020, sửa đổi bổ sung năm 2022), Luật Ngân sách nhà nước (2015, sửa đổi bổ sung năm 2020), Luật Kế toán (2015, sửa đổi bổ sung năm 2024), Luật Phòng, chống tham nhũng (2018),… và các văn bản hướng dẫn dưới luật có liên quan. Cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì vậy cũng được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật, tạo ra tình trạng khá rối rắm, chồng chéo và khó thực hiện trong thực tiễn.

Về cơ bản, các vấn đề khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xây dựng và triển khai dưới hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Vì vậy, cơ chế tài chính khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xét đến ở các khía cạnh: Ðầu tư (cấp phát tài chính); triển khai thực hiện; kiểm tra giám sát việc thực hiện; đánh giá kết thúc việc đầu tư triển khai thực hiện.

Về đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện tại bị phân mảnh rất lớn, thiếu tính ổn định: Việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình, đề tài khoa học và công nghệ với những mục tiêu rất khác nhau, đặt ở nhiều cơ quan trung ương và địa phương khác nhau. Vì thế, sự đầu tư cho mỗi chương trình, đề tài khoa học và công nghệ không lớn và không duy trì được trong dài hạn.

Thí dụ, như mỗi Chương trình khoa học, công nghệ quốc gia có thời gian từ 5 đến 10 năm, mỗi nhiệm vụ thuộc các chương trình cũng từ 2 đến 3 năm và lượng kinh phí phê duyệt cho từng nhiệm vụ không đủ lớn để tạo ra các sản phẩm khoa học, công nghệ có tính dài hạn, xâu chuỗi, mà chủ yếu theo các nhánh nhỏ, mang tính manh mún.

Mặt khác, chưa có cơ chế thu hút hiệu quả đầu tư xã hội (ngoài ngân sách nhà nước) cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh những khó khăn thuộc về tài chính như việc bắt buộc định giá tài sản trí tuệ trước khi thương mại hóa… thì còn nhiều rào cản “phi tài chính”, chẳng hạn như tổ chức khoa học và công nghệ công lập rất khó sử dụng tài sản công do mình quản lý để đối ứng cho các dự án chung với đối tác tư nhân, viên chức không được tham gia quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước,…

Ngoài ra, thiếu cơ chế đầu tư mạo hiểm hiệu quả nhằm đưa kết quả nghiên cứu từ quy mô phòng thí nghiệm đến quy mô thực tế/hiện trường và cao hơn là quy mô sản xuất đại trà. Các quỹ đầu tư mạo hiểm mặc dù được thành lập nhưng rất khó triển khai đầu tư do thiếu cơ chế.

Về triển khai thực hiện, do cơ chế quyết định đầu tư bị phân mảnh và nhỏ giọt, nhà khoa học và tổ chức chủ trì thường không có đủ kinh phí để triển khai các nghiên cứu có tính chất dài hạn, tập trung vào một hướng mà chủ yếu là “ăn đong” từng năm, vừa triển khai nghiên cứu vừa xin kinh phí hoặc chấp nhận chuyển hướng nghiên cứu, để có kinh phí hoạt động. Vì thế, rất khó tạo ra sản phẩm lớn cũng như các chuyên gia chuyên sâu ở lĩnh vực cụ thể.

Kinh phí sự nghiệp khoa học được cấp hằng năm thì thường giai đoạn giữa năm mới được giải ngân, khi đó nhà khoa học chỉ có khoảng thời gian ngắn để nghiên cứu và làm hồ sơ thanh toán. Kinh phí không dùng hết (không kịp chi vì các thủ tục như đấu thầu, hóa đơn chứng từ,…) sẽ bị thu hồi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vì thế thời gian để nhà khoa học lo thủ tục giải ngân, chứng từ thanh quyết toán còn nhiều hơn việc triển khai nghiên cứu.

Quy định về đấu thầu hóa chất, vật tư, công cụ, dụng cụ trong quá trình triển khai nghiên cứu nhìn chung còn phức tạp: Thời gian từ khi nộp thuyết minh, dự toán đến khi được phê duyệt mất khoảng 12 tháng, sau đó lại chờ từ 3-6 tháng mới nhận được kinh phí thực hiện nghiên cứu. Như vậy, tính đến thời điểm nhận được tiền thì giá hóa chất đã thay đổi, hóa chất nguyên vật liệu thậm chí không còn, dẫn đến nhà khoa học không đấu thầu được, không đủ kinh phí và không có hóa chất để làm thí nghiệm.

Về kiểm tra việc thực hiện tài chính triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn nhiều thủ tục, nhất là theo định kỳ (trong khi việc nghiên cứu chưa kết thúc) dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về chứng từ thanh quyết toán, tạm ứng tài chính. Các đoàn thanh tra, kiểm toán chỉ căn cứ vào các quy định (theo phương pháp thanh tra/kiểm toán tuân thủ) mà chưa xem xét đến những yếu tố khách quan và độ trễ của các khâu phê duyệt, cấp, triển khai tài chính, theo đó các kết luận thường sẽ không thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ.

Về đánh giá kết thúc quá trình đầu tư triển khai thực hiện, do không có cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu (kết quả nghiên cứu không như dự kiến, giả thuyết nghiên cứu chưa đúng, hướng nghiên cứu phải dừng giữa chừng,…) cho nên không có cơ chế chấp nhận kết quả nghiên cứu ở trạng thái chưa hoàn chỉnh (như yêu cầu đặt hàng).

Quá trình xử lý rất phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan quản lý khoa học, công nghệ, tâm lý không thoải mái cho nhà khoa học,… Mặt khác, do yêu cầu chấp hành Luật Ngân sách nhà nước (không chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo), các nhiệm vụ không được gia hạn thời gian thực hiện đủ lớn (mặc dù cần thiết để đạt được kết quả), như vậy vừa lãng phí, vừa gây ra những hệ quả xấu trong việc xử lý kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Bắt đầu từ đổi mới cơ chế tài chính

Từ thực trạng và những thách thức nêu trên, yêu cầu đặt ra là cần thiết phải có giải pháp đổi mới cơ chế tài chính để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể như sau:

Thiết lập cơ chế đầu tư khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng dài hạn, hạn chế phân mảnh, nhỏ giọt. Cụ thể như đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ 3 đến 5 năm theo chu kỳ/vòng đời nghiên cứu; chỉ thanh quyết toán 1 lần đối với mỗi nhiệm vụ – như cơ chế đầu tư đối với dự án đầu tư-có tính đến rủi ro, đầu tư dài hạn, giải ngân theo giai đoạn nghiên cứu, thanh quyết toán khi kết thúc dự án.

Ðẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức chủ trì và nhà khoa học: Thực hiện cơ chế tự báo cáo về chuyên môn và tài chính theo định kỳ của tổ chức chủ trì và nhà khoa học (cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm khi cần thiết); cho phép linh hoạt trong sử dụng nguồn tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ (có thể tự ứng trước, vay mượn để thực hiện trước khi được cấp từ cơ quan quản lý); bớt các khâu kiểm tra trung gian và chỉ đánh giá dựa vào kết quả cuối cùng.

Thực hiện mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế Quỹ trong đầu tư cho nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như vậy, cần hình thành nhiều Quỹ đầu tư khoa học và công nghệ theo các hướng khác nhau, phục vụ các mục tiêu khác nhau như hướng nghiên cứu mới tiên phong; hướng nghiên cứu kế thừa, làm chủ công nghệ; hướng nghiên cứu tạo ra sản phẩm, mang tính ứng dụng; hướng nghiên cứu tư vấn chính sách, tư vấn chiến lược quốc gia,…

Thúc đẩy cơ chế để có thể tăng cường đầu tư xã hội hóa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chẳng hạn, hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm theo hình thức hợp tác công tư (PPP): Trong mô hình này, Nhà nước đầu tư vốn mồi để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Kết thúc giai đoạn, các quỹ đầu tư mạo hiểm và khối tư nhân có vai trò quan trọng, tham gia đầu tư giai đoạn tiếp theo, cho đến khi ra được sản phẩm cuối cùng, như vậy sẽ giảm rủi ro cho Nhà nước, tăng vai trò và sự quan tâm của khu vực tư nhân, thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa.

Muốn vậy, cần sửa đổi các quy định về định giá tài sản trí tuệ (cho phép tổ chức chủ trì tự định giá và miễn trừ trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân liên quan); quy định về quản lý cán bộ, viên chức,… Cùng với đó, hình thành các Quỹ khoa học và công nghệ của tư nhân, cho phép sử dụng nguồn lực con người trong viện/trường nghiên cứu công lập, làm việc theo đặt hàng của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của nhà khoa học, giảm rủi ro cho ngân sách nhà nước, tăng vai trò/sự tham gia của tư nhân phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ðổi mới cơ chế, nhất là cơ chế tài chính, là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Nhà nước xác định đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong dài hạn và có ý nghĩa lâu dài, vì thế cần phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.

Cần tin tưởng vào đội ngũ nhà khoa học, tính toán hiệu quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dựa trên giá trị bền vững, giá trị thực tiễn giải quyết những bài toán đặt ra từ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, sáng tạo ra giá trị tiên phong và dẫn dắt xã hội chứ không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi là nghiệm thu, quyết toán với ngân sách nhà nước.

Nguồn: https://nhandan.vn/giai-phap-dot-pha-de-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post859593.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay