Nguyễn Anh Sơn sinh năm 1998, tốt nghiệp Đại học Charleston, Hoa Kỳ. Bố mẹ Sơn là cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, sở hữu một công ty xây dựng lớn. Khi về nước, với sự trợ giúp từ bố mẹ, Sơn mở một công ty của riêng mình, chuyên sản xuất và thi công nhôm thanh, cửa cuốn.
Sau 4 năm khởi nghiệp, Sơn muốn phát triển sang thị trường Trung Quốc. Anh quyết định phải học lên thạc sĩ. Đại học Thanh Hoa – ngôi trường top 1 châu Á và top 23 thế giới – là nơi vị giám đốc Gen Z nhắm đến.
Chương trình MBA của Thanh Hoa có đầu vào rất đặc thù. Các ứng viên bắt buộc phải có 3 năm kinh nghiệm bên cạnh việc thể hiện được những phẩm chất đặc biệt, có định hướng tương lai rõ ràng và phù hợp.
Sơn đáp ứng một trong những tiêu chuẩn này với 4 năm điều hành doanh nghiệp. Phần còn lại, anh mất 6 tháng để chuẩn bị hồ sơ gồm 3 bài luận, 1 bài thi GMAT (bài thi tiêu chuẩn để thi vào các chương trình MBA hoặc kinh tế) và 2 thư giới thiệu.
Trong bài luận chính, Sơn viết về chính kinh nghiệm kinh doanh của mình trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự kết nối chặt chẽ về mặt thương mại giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc.
Với thư giới thiệu, Sơn nhận được sự hỗ trợ của hai nữ giáo sư người Mỹ đều là trưởng khoa tại Đại học Charleston.
Tuy nhiên, phần quan trọng nhất giúp Sơn trở thành học viên MBA tại Thanh Hoa là vòng phỏng vấn.
Hội đồng phỏng vấn của Đại học Thanh Hoa gồm các giáo sư đầu ngành và các chuyên gia tư vấn dày dạn kinh nghiệm đến từ các doanh nghiệp lớn. Mỗi ứng viên chỉ có 5-7 phút cho một cuộc phỏng vấn nhưng sẽ phải trả lời hàng chục câu hỏi khác nhau.
Sơn cho biết, phong cách phỏng vấn của hội đồng là “chặt” câu hỏi. Khi ứng viên chưa trả lời xong, họ sẽ cắt ngang để hỏi sang câu hỏi khác. Do đó, nếu ứng viên không có kinh nghiệm thực chiến, không có năng lực diễn đạt và tâm lý vững vàng thì khó có thể vượt qua.
Sơn được hội đồng hỏi rất kỹ về công việc kinh doanh của anh. Hội đồng xoáy vào từng chi tiết nhỏ như: thành lập công ty từ bao giờ, bằng phương thức nào, có bao nhiêu nhân viên, chia phòng ban ra sao, doanh thu hàng năm thế nào, các nhà phân phối cấp dưới thuộc dạng nào, kế hoạch marketing ngắn hạn và dài hạn, việc điều hành công ty sẽ giải quyết ra sao khi giám đốc đi học ở Trung Quốc…
“Các giáo sư hỏi rất nhanh, gần như không cho mình nghĩ. Nếu như không thực sự điều hành doanh nghiệp, không nắm được số liệu trong tay thì không thể trả lời được.
Tôi cũng trả lời rất trung thực. Từ việc tôi rút về ban cố vấn công ty và đưa một quản lý cấp dưới tin cậy lên làm CEO trong 2 năm đi học MBA đến việc bố mẹ trợ giúp tôi rất nhiều trong thời gian đầu khởi nghiệp.
Ngành vật liệu xây dựng toàn “cá mập”. “Cá nhỏ” đi ra bơi một mình sẽ khó sống nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ về tài chính, mối quan hệ và phương thức làm ăn.
Có đến 20-30% khách hàng đầu tiên của tôi là do bố mẹ giới thiệu. Tỷ lệ này càng ngày càng ít đi. Đồng thời, nếu khách hàng của bố mẹ là khách hàng cao cấp thì phân khúc khách hàng của tôi bình dân hơn.
Khi chia sẻ những điều này với hội đồng tuyển sinh, có lẽ họ đánh giá cao sự trung thực và kinh nghiệm thực tế của tôi”, Nguyễn Anh Sơn nói.
Kết quả, Sơn trúng tuyển vào chương trình MBA với gói học bổng 50% học phí, tương đương 350 triệu đồng. Phần học phí còn lại cùng chi phí sinh hoạt ước tính khoảng 600 triệu đồng cho 2 năm.
4 tháng học tập tại Đại học Thanh Hoa, Sơn được gặp nhiều CEO nổi tiếng châu Á và thế giới. Bạn học cùng lớp anh phần lớn là quản lý của các tập đoàn lớn hoặc sáng lập các dự án khởi nghiệp.
Quay trở lại những ngày đầu kinh doanh, Sơn tâm sự mọi thứ khi ấy không dễ dàng.
Để mở rộng tệp khách hàng, Sơn tuyển dụng một lượng nhân viên bán hàng lớn. Nhưng anh luôn là người trực tiếp đi gặp khách, tìm hiểu kỹ càng nhu cầu riêng biệt và phản hồi của khách để điều chỉnh sản phẩm.
Nhờ vậy, trong lúc các công ty đối thủ phần đa chỉ cung cấp sản phẩm có sẵn, Sơn cung cấp sản phẩm được cá nhân hóa.
Hai địa bàn mà công ty của Sơn bán chạy nhất là Ninh Bình và Hải Phòng. Tại đây, Sơn cung cấp loại cửa cuốn có nan cửa hơi cong với đặc trưng chịu lực tốt hơn, phù hợp với khí hậu gần biển, thường xuyên có bão và gió lớn.
Sơn kỳ vọng sẽ xuất khẩu được các sản phẩm của công ty sang Trung Quốc trong tương lai.
Được biết, Nguyễn Anh Sơn là cựu học sinh chuyên Nga Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/giam-doc-gen-z-gianh-hoc-bong-mba-cua-dh-thanh-hoa-danh-gia-20250102153934837.htm