Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeGiáo DụcGiảm tải chương trình mới hết biến tướng dạy thêm

Giảm tải chương trình mới hết biến tướng dạy thêm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29), có hiệu lực từ ngày 14-2-2025.

“Đặc thù riêng” khi đóng thuế

Theo Thông tư 29, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (HS) phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các tổ chức, cá nhân này phải công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về môn học được dạy; thời lượng dạy thêm từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp… nhằm tăng cường sự giám sát của người dân và sự quản lý của cơ quan chức năng.

Giáo viên đang dạy học tại các trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm.

Thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT dù nhận được nhiều sự đồng tình song vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn.

Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng theo Thông tư 29, việc tăng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với thầy cô thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định “phải báo cáo về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm”, nếu không làm rõ thì dễ dẫn tới tình trạng hiệu trưởng làm khó giáo viên.

Học sinh học thêm tại một cơ sở ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Học sinh học thêm tại một cơ sở ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo thầy Chính, khi giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, chỉ nên giao hiệu trưởng có trách nhiệm phối hợp kiểm tra theo các quy định mới để xem họ có thực hiện đúng hay không. Nếu phải báo cáo với hiệu trưởng chi tiết nhiều nội dung thì khó cho giáo viên. Chẳng hạn, nếu chỉ vì thay đổi thời gian dạy hay tăng số HS học thêm cũng phải báo cáo thì rất rườm rà.

Thầy Chính cũng băn khoăn về quy định khi giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền thì phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý của Luật Doanh nghiệp.

“Trường hợp giáo viên vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp, chịu chế tài theo luật này, thì có phải chịu thêm các hình thức xử lý của trường học mà người đó đang công tác?” – ông đặt vấn đề.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THCS tại TP HCM nhìn nhận quy định dạy thêm, học thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là thỏa đáng. Trong thực tế, nhiều giáo viên ở trường công có thời gian trống nên dạy thỉnh giảng thêm tại các trường tư và chịu thuế thu nhập cá nhân. Nếu quản lý như ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì sẽ mở đường cho giáo viên đăng ký, họ dạy bao nhiêu HS, thu tiền bao nhiêu thì cơ quan chức năng sẽ thu thuế.

“Tuy nhiên, mức thuế đối với hoạt động này cũng cần phải có đặc thù riêng. Nếu thu thuế quá cao thì vô hình trung lại đẩy áp lực về phía HS” – hiệu trưởng nêu trên băn khoăn.

Chương trình nặng nên mới phải học thêm!

Một giáo viên THPT tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho hay chị đang dạy một lớp khoảng 10 HS theo đề nghị của phụ huynh. Giáo viên này không rõ việc chị mở nhóm nhỏ ở nhà thì sẽ xếp vào “dạy thêm” hay “quản lý, điều hành dạy thêm”?

Bên cạnh đó, giáo viên dạy bao nhiêu HS thì phải đăng ký kinh doanh? Nếu giáo viên chỉ dạy kèm 1-2 em theo yêu cầu của phụ huynh thì có phải đăng ký kinh doanh?

Hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình, TP Hà Nội đặt câu hỏi: “Ngoài 3 đối tượng như Thông tư 29 đã nêu, những HS khác muốn học thêm thì sẽ giải quyết thế nào?”. Thực tế, nhiều HS trung bình khá hoặc khá cũng có nhu cầu học thêm để nâng cao năng lực, kiến thức. Nếu các em có nhu cầu, nhà trường cũng muốn hỗ trợ việc học thêm.

Hiệu trưởng này nêu vấn đề: “Quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được phép thu tiền của HS cũng khiến chúng tôi khá băn khoăn. Vậy nguồn kinh phí để tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ lấy từ đâu, vì không phải trường nào cũng dư dả kinh phí? Có thể nhận thấy là giáo viên sẽ kém nhiệt tình khi bỏ thời gian, công sức dạy miễn phí”.

Một chuyên gia giáo dục thẳng thắn cho rằng gốc rễ của việc dạy thêm, học thêm chính là chương trình học tập còn nặng, trong khi tâm lý coi trọng bằng cấp của nhiều người còn khá phổ biến. “Với chương trình sách giáo khoa mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT mới, cách xét tuyển ĐH mới, tỉ lệ “chọi” vào các trường ĐH uy tín ngày càng khốc liệt thì HS có phải đi học thêm không? Tất nhiên là có. Vừa muốn giảm áp lực học tập nhưng lại vừa muốn trúng tuyển vào các trường ĐH như mong ước là điều rất khó” – chuyên gia này nhận định.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP HCM), bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu. Việc này chỉ xấu khi biến tướng với các biểu hiện như ép buộc, lôi kéo HS học thêm.

Vì vậy, về lâu dài, khi chương trình giáo dục không nặng chuyện thi cử, kiểm tra, đánh giá, dạy theo đúng tinh thần phát huy năng lực, phẩm chất của người học thì dạy thêm, học thêm sẽ trả về đúng bản chất xưa kia. Đó là khi HS thấy mình thiếu hụt kiến thức gì thì học thêm để bổ sung kiến thức đó hoặc muốn giỏi thêm nữa thì học thêm.

“Còn khi chương trình vẫn nặng về đúng – sai, học chỉ để phục vụ các kỳ thi thì dạy thêm, học thêm sẽ còn biến tướng” – ông Hoàng nhìn nhận. 

Bộ GD-ĐT: Chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực

Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy thêm lẫn người học thêm. Khi tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.

Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của HS; ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng HS dù không có nguyện vọng, không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp do nhà trường, giáo viên tổ chức.

Theo Thông tư 29, không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Giáo viên đang dạy học tại trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với các em mà người đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể dạy thêm ngoài nhà trường.

Khi tổ chức dạy thêm trong trường, chỉ có 3 đối tượng được học là HS có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; các em được trường lựa chọn để bồi dưỡng HS giỏi; HS lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Các HS này được học thêm miễn phí, nhà trường có trách nhiệm bồi dưỡng, đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của mình.

Lớp dạy thêm trong trường có không quá 45 HS. Trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết. Các trường không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa để hạn chế tiêu cực, bắt ép HS học thêm. Không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Bộ GD-ĐT cho biết quy định này là nhằm bảo đảm tăng cường trách nhiệm của các nhà trường, đồng thời hạn chế hành vi ép buộc HS học thêm vốn gây bức xúc trong dư luận. Trên thực tế, vấn đề khiến dư luận bức xúc lâu nay là việc HS phải đi học thêm lớp do giáo viên dạy bên ngoài, dù không muốn.

Y.Anh

Nguồn: https://nld.com.vn/giam-tai-chuong-trinh-moi-het-bien-tuong-day-them-196250105202214093.htm

NLD Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay