Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) để lấy ý kiến đóng góp. Theo dự thảo, các mặt hàng, dịch vụ chịu thuế suất 10% có thể được áp mức 8% tới hết năm 2026. So với các đợt giảm trước, lần này, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng mặt hàng được giảm thuế GTGT như máy giặt, lò vi sóng…
Kịp thời, cần thiết
Bộ Tài chính cho rằng đây là những hàng hóa, dịch vụ phục vụ mục đích tiêu dùng trực tiếp của người dân. Nhóm hàng hóa gồm than cốc, dầu mỏ tinh chế như than cốc, xăng, dầu… cũng được đề xuất giảm 2% thuế GTGT.
Cơ quan soạn thảo cho rằng trước đây, xăng không thuộc diện giảm thuế GTGT 2%, do nằm trong nhóm mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, còn dầu thuộc sản phẩm khai khoáng. Tuy nhiên, đây là những mặt hàng quan trọng, tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô nên cơ quan này dự kiến bổ sung xăng, dầu vào nhóm được giảm thuế.
Ngoài ra, thay vì đề xuất giảm thuế 6 tháng như các nghị quyết trước đây, Bộ Tài chính kiến nghị lần giảm thuế này kéo dài tới 1,5 năm, tức từ ngày 1-7-2025 đến hết ngày 31-12-2026.
Dù dự thảo vẫn còn trong quá trình lấy ý kiến nhưng người tiêu dùng và doanh nghiệp (DN) đều tỏ ra phấn khởi trước những đề xuất mới. Chị Nguyễn Thu Quỳnh (trú quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho rằng chính sách giảm thuế GTGT vừa qua tác động rất tích cực đến người dân và dễ dàng đong đếm được. Chỉ cần đến cửa hàng, siêu thị mua sắm là có thể hưởng ngay chính sách này. Cụ thể, với hóa đơn mua hàng khoảng 1 triệu đồng, chị đã được giảm 20.000 đồng tiền thuế GTGT.
“Trong một lần mua sắm thì số tiền đó không quá lớn. Song, nếu cộng dồn các lần lại, tôi tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể” – chị Quỳnh nhận xét. Theo chị, trong bối cảnh người dân đang chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”, các chính sách hỗ trợ là rất cần thiết.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc giảm 2% thuế GTGT đang thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội đến hết ngày 30-6, vì vậy đề xuất trên của Bộ Tài chính là cần thiết, bảo đảm tính liên tục của chính sách. Hơn nữa, khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay, hướng đến mục tiêu 2 con số trong giai đoạn tiếp theo thì việc giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh là giải pháp rất kịp thời.
Theo ông Thịnh, bên cạnh lĩnh vực đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng trong nước cũng là động lực rất quan trọng cho tăng trưởng. “Với 100 triệu dân, chúng ta có tiềm năng và thế mạnh để tiêu thụ hàng hóa, phát triển dịch vụ. Khi chính sách giảm thuế được triển khai sẽ kích cầu rất lớn” – chuyên gia này nhấn mạnh.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng. Ảnh: MINH PHONG
Nuôi dưỡng nguồn thu
Số liệu thống kê cho thấy năm 2022, chính sách giảm 2% thuế GTGT đã hỗ trợ DN và người dân tổng cộng khoảng 51.400 tỉ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Chính sách giảm thuế này năm 2023 đã hỗ trợ khoảng 23.400 tỉ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.
Năm 2024, chính sách này đã hỗ trợ khoảng 49.000 tỉ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9% so với năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm 2025, số thuế GTGT đã được giảm ước khoảng 8.300 tỉ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.137.500 tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế – TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT và mở rộng diện bao phủ là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, đáng chú ý là mặt hàng xăng, dầu cũng thuộc diện giảm thuế.
Theo ông Doanh, là mặt hàng thiết yếu, quan trọng, liên quan nhiều ngành nghề, lĩnh vực nên khi được giảm thuế, xăng, dầu hạ giá có thể tác động trực tiếp đến giá cả các loại hàng hóa khác theo chiều hướng tích cực, có lợi cho người tiêu dùng. Do là mặt hàng thiết yếu nên khi xăng, dầu được giảm thuế sẽ tác động trực tiếp đến “túi tiền” người dân, họ được thụ hưởng ngay chính sách của nhà nước.
Đối với DN, việc giảm 2% thuế GTGT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Việc giảm thuế GTGT còn giúp DN tăng khả năng cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và mở rộng sản xuất – kinh doanh, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, quay vòng vốn nhanh hơn, tốt hơn.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng việc giảm 2% thuế GTGT sẽ giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, song sẽ kích cầu tiêu dùng nhiều hơn, thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, tạo ra nhiều giá trị hơn cho nền kinh tế và sẽ quay vòng trở lại đóng góp cho ngân sách. Bởi lẽ, khi giảm 2% thuế GTGT sẽ giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ, kích thích tiêu dùng. Đối với DN sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế GTGT, chính sách này giúp giảm chi phí, kích thích sản xuất. Bà Cúc nhấn mạnh đây là giải pháp quan trọng để nuôi dưỡng nguồn thu.
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, người dân là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách giảm thuế GTGT. Bởi khi thuế GTGT giảm 2% sẽ góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống.
Ông Thịnh đánh giá việc xây dựng chính sách kéo dài tới hết năm 2026 là lộ trình rõ ràng, dài hạn, giúp DN chủ động hơn khi tính toán chi phí, dòng tiền và kế hoạch sản xuất – kinh doanh.
Các lĩnh vực tiếp tục không được đề xuất giảm thuế GTGT là bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, sản phẩm khai khoáng (trừ than), kim loại và các nhóm hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hụt thu hơn 121.000 tỉ đồng
Bộ Tài chính cho biết khi giảm 2% thuế GTGT, dự kiến ngân sách 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 giảm thu khoảng 121.7400 tỉ đồng.
Nhằm bù đắp số tiền hụt thu, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện những giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn, qua đó tạo thêm nguồn thu. Bên cạnh đó, phấn đấu thu ngân sách năm 2025 cao hơn khoảng 10% so với ước thực hiện năm 2024; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi.
Nguồn: https://nld.com.vn/giam-thue-gtgt-de-kich-cau-thuc-day-san-xuat-196250327212233268.htm