Thứ sáu, Tháng Một 24, 2025
HomeGiáo DụcGiáo viên áp lực vì... phụ huynh

Giáo viên áp lực vì… phụ huynh

Mới đây kết quả “Nghiên cứu đời sống của giáo viên (GV) khu vực Nam bộ: Thực nghiệm tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang” do Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện cho thấy GV gặp áp lực lớn từ phụ huynh. Có đến 70,21% GV cho rằng họ đang bị áp lực hoặc rất áp lực từ phụ huynh; 40,63% GV từng có ý định chuyển nghề do bạo lực tinh thần từ phụ huynh…

Những người thực hiện nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 132 nhà quản lý giáo dục, GV các cấp và khảo sát diện rộng 12.505 GV thuộc 3 địa phương nói trên trong tháng 9 – 10 vừa qua.

PV Thanh Niên ghi nhận những câu chuyện có thật trong thực tế.

ĐÒI KỶ LUẬT GV VÌ KHÔNG HỖ TRỢ HS ĐI TOILET

“Tại sao cái phòng học lại nhỏ như vậy?”, ngày đầu tiên đến trường, một phụ huynh có con học lớp 6 (trường công lập tại TP.HCM) chất vấn cô hiệu trưởng như vậy. Còn tại một trường tiểu học công lập ở trung tâm TP.HCM, có phụ huynh phàn nàn với GV sao lớp không có máy lạnh, máy chiếu, ti vi. Cô hiệu trưởng phải trao đổi với tất cả phụ huynh rằng đây là trường công lập, do điều kiện ngân sách nên chỉ có thể trang bị những trang thiết bị tối thiểu cần thiết cho việc dạy và học.

Giáo viên áp lực vì... phụ huynh- Ảnh 1.

Nhiều trường mầm non hiện nay được lắp camera để tăng thêm sự minh bạch, nhưng cũng nhiều phụ huynh “canh” camera, bắt lỗi GV, nhân viên nhà trường, gây thêm áp lực cho GV

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Kể với PV Thanh Niên, vị hiệu trưởng này cho hay cùng với sự hiện đại của xã hội, phụ huynh học sinh (HS) ngày càng quan tâm, đồng hành cùng con em trong học tập và đó là một tín hiệu đáng mừng. Nhiều phụ huynh tích cực, cùng thầy cô xây dựng trường học hiệu quả, hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh đặt ra áp lực quá lớn cho con em, cho các GV. Không ít người có những đòi hỏi thái quá với đội ngũ thầy cô giáo, nhân viên nhà trường.

“Có phụ huynh phản ứng rất gay gắt với tôi, đòi xử lý kỷ luật GV chủ nhiệm lớp 1 vì… cô giáo không vào toilet hỗ trợ HS khi em này đi vệ sinh trong trường. Trong khi ngay từ hoạt động làm quen môi trường lớp 1, chúng tôi đã hướng dẫn các bé khu vực nhà vệ sinh, các thao tác an toàn và chúng tôi cũng nói tiểu học không giống mầm non, GV chủ nhiệm không thể vừa dạy học, vừa lo hỗ trợ đi toilet cho hơn 30 em HS trong lớp được, nhưng phụ huynh này không chịu. Cô giáo lớp 1 năm ấy quá mệt mỏi đã xin chuyển công tác”, cô hiệu trưởng kể.

Hay có những phụ huynh can thiệp cả vào chuyện giao tiếp giữa HS trong lớp. Cô hiệu trưởng chia sẻ có lần một phụ huynh lao vào trường trong giờ HS tan học, nói với con: “Con chỉ cho ba đứa nào đánh con, để ba xử lý”. Hoặc phụ huynh nghe con kể gì đó trên lớp về thầy cô giáo, bạn bè, phụ huynh chưa hỏi lại thầy cô chủ nhiệm xem đầu đuôi câu chuyện ra sao đã ngay lập tức gọi điện cho hiệu trưởng, đòi xử lý GV, nhân viên trường học, yêu cầu xử lý HS kia vì đã “đe dọa” con của họ…

QUAN TÂM HS NHIỀU QUÁ CŨNG BỊ THẮC MẮC

Một GV bậc THCS tại TP.HCM cho biết để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc, ứng dụng chuyển đổi số trong giảng dạy, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì mỗi GV đều rất căng thẳng, phải học hỏi liên tục và không thể tránh khỏi áp lực. Nhưng áp lực từ chuyên môn không thấm vào đâu so với khó khăn mà GV gặp phải trong quá trình tương tác với phụ huynh, HS, xử lý HS vi phạm kỷ luật…

“Có những phụ huynh nói “trăm sự nhờ thầy”, nhưng khi GV nghiêm khắc với HS thì không chịu và phản ứng với GV. Trong một số trường hợp, tôi cảm nhận phụ huynh và nhà trường chưa tìm được tiếng nói chung. Khi có vấn đề xảy ra, phụ huynh không lựa chọn gặp trực tiếp thầy cô chủ nhiệm để trao đổi mà chọn các giải pháp như đưa câu chuyện lên group phụ huynh để bàn tán, rồi đưa lên mạng xã hội dù chưa biết đúng sai, thật hư ra sao”, nữ GV này chia sẻ.

Cô giáo kể thêm khi HS mới vào lớp 6, mỗi GV khi mới nhận lớp sẽ cần quan sát, theo dõi kết quả học tập cũng như thái độ, hành vi của các con… Khi thấy có điều khác thường, GV cần trao đổi khéo léo với phụ huynh HS để có thể đưa con đi thăm khám, đánh giá sức khỏe. Tuy nhiên có một số phụ huynh khi được GV trao đổi thì cho rằng GV đang kỳ thị, phân biệt đối xử với con em mình. Có người còn nói: “Sao thầy/cô cứ hay để ý con tôi hoài vậy? Thầy cô hỏi bé như vậy là có ý gì?”. Nhiều lần như vậy, nữ GV đâm ra sợ không biết nên hỏi thăm, quan tâm HS ra sao…

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM giãi bày nhà trường luôn mong nhận được ý kiến đóng góp trên tinh thần thiện chí, xây dựng từ phía phụ huynh HS. Tuy nhiên, cá biệt có một số phụ huynh săm soi, bắt lỗi nhà trường, thầy cô từng chút một. Khi trao đổi với thầy cô giáo của con mình, họ còn dùng ngôn từ trịch thượng…

MONG NIỀM TIN VÀ SỰ THẤU CẢM TỪ PHỤ HUYNH

Cô Võ Bảo Đào Diễm, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP.HCM, cho biết vào mỗi đầu năm học, cô thường gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh HS về mục tiêu, nhiệm vụ của nhà trường, trong đó quan trọng nhất là phát triển toàn diện cho các con. Bên cạnh rất nhiều phụ huynh dễ mến, luôn đồng hành có những đóng góp tích cực cùng sự phát triển của nhà trường, tạo nguồn lực tinh thần cho đội ngũ thì vẫn còn một số ít phụ huynh chưa “hiểu”.

Giáo viên áp lực vì... phụ huynh- Ảnh 2.

Phụ huynh đồng hành với nhà trường để tạo nên môi trường học tập hạnh phúc

ảnh; đào ngọc thạch

Do đó, thông điệp mà cô Diễm gửi tới phụ huynh là hãy luôn tin tưởng vào trường. Niềm tin là chất keo kết dính quan trọng cho mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và nhà trường.

“Chúng tôi mong mỏi phụ huynh làm sao hiểu được cái khó, cái khổ của nghề giáo hiện nay. Ngoài giờ dạy trên lớp, thầy cô phải xử lý hàng loạt công việc không tên. Ngoài nâng cao, cập nhật kiến thức để làm tốt vai trò nhà giáo, mỗi thầy cô còn phải quán xuyến lớp học, quan tâm học trò cả về chất lượng học tập, sức khỏe thể chất, tinh thần. Mỗi lớp trên dưới 40 HS, mỗi em là mỗi cá tính, thách thức với GV là rất lớn. Để đồng hành được với thầy cô, chúng tôi rất mong phụ huynh HS đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ. Trường học hạnh phúc thì HS phải hạnh phúc, GV phải hạnh phúc. Vai trò của cha mẹ HS trong việc kiến tạo nên điều này không hề nhỏ”, cô Võ Bảo Đào Diễm bộc bạch. (còn tiếp)

GV bị “bắt nạt” ở cả đời thật và trên mạng xã hội

Báo chí từng phản ánh nhiều vụ việc phản ánh GV bị “bắt nạt” ở cả đời thật và trên mạng xã hội. Báo Thanh Niên từng đăng tải ý kiến của nhiều GV mầm non cho biết họ gặp áp lực khi “sơ hở” là phụ huynh đăng bài “tố” GV lên mạng xã hội. Hồi tháng 5.2023, khi xếp một HS hạnh kiểm trung bình sau nhiều lỗi vi phạm, cô giáo V.T.K.Q (H.Đắk Glong, Đắk Nông) bị phụ huynh đến nhà hành hung. Trước đó, phụ huynh này còn nhiều lần gọi điện, dùng lời lẽ xúc phạm cô V.T.K.Q. Và trong tháng 10.2023, Hiệu phó Trường THPT Hàm Tân (Bình Thuận) bị phụ huynh và một số người lạ xông vào nhà đánh gãy sống mũi, sụp mí mắt phải đi cấp cứu…

Phụ huynh áp lực LÊN con, gây áp lực luôn cả GV ?

Chị Q.T, phụ huynh có con học tiểu học, THCS tại Q.1, TP.HCM, chia sẻ: “Nói đi thì cũng phải nói lại, thực tế có nhiều GV tính kỳ thiệt, nhưng cũng có nhiều phụ huynh rất kỳ cục, hay bắt lỗi GV. Phụ huynh cần đồng hành với GV trong quá trình GV dạy dỗ, chăm sóc con mình, không nên bênh con thái quá. Bởi hơn ai hết, mình phải hiểu tính con, mình mà thấy con có lỗi thì phải la con mình trước, chứ không phải đi la thầy cô giáo”.

Chị T.N, phụ huynh trú Q.3, TP.HCM, thẳng thắn: “Nhiều phụ huynh hiện nay bắt con học thêm rất nhiều, bắt học cả tuần, học thêm từ thứ hai tới chủ nhật, học thêm buổi tối tới 21 – 22 giờ. Phụ huynh tăng áp lực, tăng kỳ vọng vào con, thế là tăng thêm áp lực cho thầy cô giáo của con. Vì vậy, khi giảm được áp lực vào con, cha mẹ cũng giúp giảm đi phần nào áp lực cho GV”.

Nguồn: https://thanhnien.vn/giao-vien-ap-luc-vi-phu-huynh-185241204154852588.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay