Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomeGiáo DụcGiáo viên dạy thêm tại nhà phải đăng ký kinh doanh, niêm...

Giáo viên dạy thêm tại nhà phải đăng ký kinh doanh, niêm yết giá?

 Giáo viên bối rối

Từ ngày 14/2, theo Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm sẽ phải đăng ký kinh doanh.

Thông tư không nêu chi tiết cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm có bao gồm giáo viên đang dạy tại các trường hay không.

Nếu khái niệm “cá nhân” bao gồm mọi đối tượng, các giáo viên dạy thêm tại nhà cũng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khi phải đăng ký kinh doanh, giáo viên phải niêm yết công khai các thông tin liên quan tới việc dạy thêm của mình gồm môn học, thời lượng dạy, thời gian dạy, mức thu…

Bên cạnh đó, Thông tư quy định giáo viên đang dạy tại các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm bên ngoài nhà trường.

Vậy nếu giáo viên mở lớp học tại nhà, một mình tự lo từ quản lý, điều hành đến giảng dạy thì có bị xem là vi phạm quy định hay không? 

Nhiều giáo viên cho biết, những quy định này khiến họ còn nhiều băn khoăn, lạ lẫm và bối rối.

Giáo viên dạy thêm tại nhà phải đăng ký kinh doanh, niêm yết giá? - 1

Giáo viên coi thi tốt nghiệp THPT 2024 tại TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Cô N.T.N.H. – giáo viên dạy toán THCS tại Thái Bình – bày tỏ: “Quy định mới sẽ hạn chế được tối đa tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm. Nhưng giáo viên chúng tôi không khỏi cảm thấy bối rối. 

Trước nay chúng tôi không xem việc dạy trò tại nhà là hoạt động kinh doanh, nay có thể phải xem đây là hoạt động kinh doanh.

Trước đây, việc thu học phí của học trò không rõ ràng. Có học trò thu 50.000 đồng, có học trò thu 30.000 đồng và cũng có học trò không thu tiền. Bố mẹ học sinh tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của gia đình mà cảm ơn cô. Nay việc thu học phí có thể sẽ phải niêm yết “giá” như mọi dịch vụ kinh doanh khác.

Ở góc độ nào đó, các giáo viên thuộc thế hệ sắp nghỉ hưu như chúng tôi cảm thấy chạnh lòng.

Nhưng thực tế hoạt động giáo dục ngoài nhà trường từ lâu đã phát triển một bộ phận dịch vụ kinh doanh. Do vậy, tôi cho rằng quy định mới phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Giáo viên phải làm quen với quan niệm mới về dạy thêm”.

Đồng quan điểm, cô N.T.H. – giáo viên dạy ngữ văn tại Quảng Ninh – cho rằng quy định mới sẽ xóa bỏ ranh giới của dạy thêm vì học trò và dạy thêm để kiếm sống, đưa dạy thêm trở thành một hoạt động kinh doanh. 

“Không ít giáo viên ở quê, giáo viên thế hệ cũ vẫn có tâm lý không thoải mái khi phụ huynh hỏi học phí bao nhiêu để gửi cô. Thông thường khi nhận sự gửi gắm của phụ huynh, chúng tôi dạy các con bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm. 

Phụ huynh đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu chứ không “ra giá”. Đưa ít đưa nhiều chúng tôi đều xem đó là tấm lòng của phụ huynh.

Quy định này làm “sạch” hơn hoạt động dạy học, học thêm ngoài nhà trường, nhưng một mặt cũng có thể làm thay đổi mối quan hệ thầy – trò”, cô N.T.H. quan ngại.

Cô N.T.H. cũng bày tỏ, cô chưa dám chắc chắn việc giáo viên tự mở lớp học thêm tại nhà có còn hợp pháp hay không nếu chiếu theo các quy định nêu trên.

Cơ quan nào cấp phép đăng ký kinh doanh cho cô giáo dạy thêm tại nhà?

Theo luật sư Hoàng Văn Liêm – Văn phòng luật sư Hoàng Liêm, giáo viên dạy thêm tại nhà có thể đăng ký hộ kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận/huyện là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp quận/huyện.

Cô N.M.H. – giáo viên dạy hóa học THPT tại Hải Dương – chia sẻ, phần lớn giáo viên không thông thạo các thủ tục hành chính. Việc phải đi đăng ký kinh doanh có thể là một cản trở tâm lý với các cô.

Do đó, cô mong muốn sẽ nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết, đầy đủ từ nhà trường, Sở GD&ĐT liên quan tới vấn đề này.

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/giao-vien-day-them-tai-nha-phai-dang-ky-kinh-doanh-niem-yet-gia-20250107122943534.htm

DanTri Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay