Có thể thấy, trong kịch mục của hầu hết đơn vị thì tỷ lệ giữa các vở mang tính giải trí hoặc nội dung nhẹ nhàng luôn nhiều hơn các vở mang tính nghệ thuật cao; hoặc có thể vở mang thông điệp tốt nhưng nhà sản xuất chọn phong cách dàn dựng hài hước, vui vẻ, sinh động, nhờ vậy dễ bán vé. Thậm chí, có vở các diễn viên hài quá nhiều làm mờ luôn thông điệp, mờ luôn vai chính. Tất nhiên dư luận luôn có hai chữ “thông cảm” bởi bài toán thị trường không đơn giản chút nào.
Một thực tế nghiệt ngã, vở nghệ thuật thường được báo chí khen ngợi, người trong nghề đánh giá cao, nhưng doanh thu lại kém, ông bà bầu thường phải bù lỗ. Một trong những lý do là đầu tư quá cao, giá vé không cân đối nổi. Như các vở Vua thánh triều Lê, Ngàn năm tình sử, Tiên Nga, Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử của IDECAF đều đầu tư từ nửa tỉ tới trên một tỉ đồng, mà giá vé trung bình chỉ 350.000 đồng, mở màn ra là lỗ. Vở Nỏ thần, Tình sử Thăng Long của Hồng Vân cũng đầu tư hoành tráng, chưa kể thuê nhà hát lớn để diễn chi phí mỗi suất cũng cao, làm sao không bù lỗ. Các vở nghiêm túc của 5B như Công lý như mặt trời, Bến lửa lòng cũng chưa hoàn vốn.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF chân tình: “Thật sự dù vở có đầu tư nhiều thì giá vé không thể cao hơn so với mặt bằng chung của kịch nói. Vì vậy chúng tôi phải lấy vở thị trường bù lỗ cho vở nghệ thuật. Nhưng chúng tôi vui vì làm được những tác phẩm xứng đáng. Làm cho thỏa nghề, làm để rèn nghề, anh em nghệ sĩ cần được thắp lửa bằng những vở khó như vậy. Khán giả cũng cần được thắp lửa không kém nghệ sĩ, để nuôi tình yêu sân khấu. Chỉ cần được khán giả đồng cảm, sẻ chia, thì dù có bù lỗ chúng tôi vẫn chấp nhận”.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu kịch IDECAF
Dựng được vở “vừa có tiếng vừa có miếng” thì sân khấu chẳng khác nào bắt được vàng. NSND Hồng Vân cũng tâm sự: “Thỉnh thoảng chúng tôi cũng hạnh phúc vì có được vở thỏa mãn cả 2 tiêu chí nghệ thuật lẫn thị trường, suất nào cũng đông kín khán phòng, và dựng đi dựng lại với các ê kíp diễn viên mới vẫn còn ăn khách”.
Vở Số đỏ của sân khấu Hồng Vân là một ví dụ, từng diễn gần 10 năm với 4 – 5 lần thay diễn viên. Dạ cổ hoài lang của sân khấu 5B có tuổi thọ trên 20 năm, khán giả rồng rắn mua vé. Bí mật vườn Lệ Chi của IDECAF cũng kéo dài mười mấy năm, sang trọng và ăn khách. Hoàng Thái Thanh có 29 anh về tuổi thọ cả chục năm, diễn cho người lớn lẫn học sinh xem đều rất tốt. Sân khấu Thế Giới Trẻ có Đời như ý vừa ăn khách vừa chuẩn mực. Yêu ông thầy của sân khấu Quốc Thảo cũng từng thu hút khán giả rất mạnh. Và hiện tại vở Giáng Hương của sân khấu Thiên Đăng cũng thuộc loại có tiếng lẫn có miếng. Mỗi đơn vị đều nỗ lực để có những vở vừa đạt doanh thu cao mà cũng vừa được dư luận khen ngợi.
Đạo diễn Ái Như, bà bầu của Hoàng Thái Thanh khẳng định quan điểm làm nghề: “Đắng cay thế nào thì cũng không thể quên ước mơ nghệ thuật ban đầu khi mình mới vào nghề. Và đừng quên chức năng thẩm mỹ, giáo dục luôn gắn liền với chức năng giải trí. Chúng tôi thường xuyên bù lỗ nhưng dứt khoát không làm nghề dễ dãi”.
Và theo NSND Mỹ Uyên, Giám đốc sân khấu 5B: “Mỗi đơn vị có khán giả riêng, đừng nghĩ dựng vở thị trường mà dễ bán vé, có khi khán giả ở đây chỉ thích loại kịch này mà mình dựng loại kịch khác họ cũng không chịu. Thôi thì cứ dựng vở tử tế, phải “có tiếng” một chút, rồi “có miếng” bao nhiêu tính sau. Thật ra bù lỗ cũng có, nhưng san qua sớt lại thì sân khấu vẫn sáng đèn, là niềm hạnh phúc lớn nhất. Nhiều nghệ sĩ chúng tôi đi làm show khác tự bù lỗ cho chính mình, chỉ cần sân khấu mở màn là diễn hết sức”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/giu-lua-tinh-yeu-san-khau-185241230222657418.htm