Người dân vùng biển thường có cách nói quen thuộc: mặt trời mọc từ biển. Chính vì vậy, biển luôn là nơi khởi đầu cho một ngày mới. Điều này hoàn toàn đúng nếu ai đó từng ghé qua làng cá Mỹ Quang, thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bất kể nắng hay mưa, chợ cá ven biển nơi đây luôn là điểm bắt đầu của một ngày mới, nhộn nhịp từ sáng sớm.
Toàn thôn có 729 hộ, phần lớn sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản hoặc làm những công việc liên quan đến biển. Hiện có 270 tàu thuyền hoạt động, trong đó có 15 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ. Nguồn lợi thủy sản gần bờ chính là nguồn thu nhập chủ yếu của bà con ngư dân nơi đây.
Mỹ Quang còn được biết đến là ngôi làng nổi tiếng với nghề đánh bắt gần bờ và chế biến muối mắm. Từ sáng đến chiều, bến bờ luôn tấp nập cảnh mua bán rộn ràng. Khi chợ sáng kết thúc, đến khoảng 15 giờ, phiên chợ chiều lại tiếp diễn, đón những chiếc ghe nhỏ từ biển quay về. Không khí nhộn nhịp lại bao trùm cả bãi biển.
Mùa này, khi đường chân trời dần lùi xa, bãi cát trước làng như mở rộng thêm. Mỗi buổi sớm, khi mặt trời vừa ửng hồng phía đông, những con thuyền đánh bắt gần bờ cũng vừa cập bến ngay dưới chân sóng. Những chiếc thuyền nhỏ này thường ra khơi từ chiều hôm trước để tìm luồng cá, trong khi các tàu lớn đánh bắt xa bờ phải mất nhiều ngày mới quay về cảng cá. Lúc này, bãi biển trước làng trở thành chợ “đầu mối” sôi động. Cứ mỗi con thuyền ghé vào bờ, một nhóm người lại nhanh chóng tụ tập, ngư dân trên thuyền chuyền những giỏ cá xuống thúng chai, đưa vào bờ. Những rổ cá tươi roi rói ngay lập tức được các bà, các chị bán sỉ cho tiểu thương hoặc mang đi tiêu thụ tại các chợ trong vùng.
Khi mặt trời nhô cao, hàng chục chuyến tàu đồng loạt cập bờ, mang theo những mẻ cá cơm tươi ngon về làng chài Mỹ Quang. Không giống như những khu chợ truyền thống khác, chợ cá ở đây họp ngay trên bãi biển, nơi sóng liên tục vỗ vào bờ cát.
Cá cơm ở vùng biển Phú Yên thường xuất hiện cách bờ khoảng 2 – 5 hải lý (tương đương 3 – 10 km). Đầu năm là thời điểm thời tiết thuận lợi, sóng yên biển lặng, ngư dân có thể đánh bắt được sản lượng lớn nếu tìm trúng luồng cá. Trung bình mỗi đêm, một tàu có thể thu về từ 1 – 2 tấn cá, trong đó cá cơm Ba Lài là phổ biến nhất.
Không khí mua bán ở chợ cá sáng sớm diễn ra rất nhanh chóng. Người bán chủ yếu là chủ thuyền, nên hầu như không có chuyện nói thách. Những ai thích trải nghiệm chợ cá ven biển có thể ghé mua mực, cá tươi ngay tại chân sóng để có một bữa hải sản đậm đà hương vị đại dương.
Sẽ càng thú vị hơn nếu du khách đến đây vào dịp các làng chài tổ chức lễ hội cầu ngư. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của cư dân vùng biển, được tổ chức vào khoảng tháng 3 – 8 âm lịch tùy theo từng địa phương. Bên cạnh phần lễ gồm các nghi thức rước linh, cúng tế, hò bá trạo, hát lễ…, những ngày sau đó là phần hội với nhiều trò chơi dân gian và hát bội rộn ràng khắp bãi biển.
Trải dọc các làng chài Phú Yên, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian biển tuyệt đẹp mà còn có cơ hội khám phá những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đặc biệt vào mùa hè – thời điểm lý tưởng để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên và con người nơi đây.
Trước mặt làng chài Mỹ Quang là Hòn Chùa, một hòn đảo nhỏ gần bờ, điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá. Thông thường, du khách sẽ mua hải sản tươi ngay tại bãi biển, sau đó thuê ghe của ngư dân để ra đảo. Ở đó, họ có thể thưởng thức tiệc BBQ dưới ánh đèn lung linh, cắm trại qua đêm, chơi đùa trên bãi cát, và tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời khi thức dậy cùng ánh bình minh rực rỡ. Còn gì tuyệt vời hơn khi bắt đầu một ngày mới bằng cách nhảy ùm xuống làn nước biển trong xanh mát lạnh!

Chợ ma, còn gọi là chợ âm phủ, là tên dùng để chỉ chợ đêm Đồng Bằng, nằm trên địa bàn xã An Lễ (Quỳnh Phụ, Thái Bình). Đây là khu chợ chuyên buôn bán…
Nguồn: https://eva.vn/di-dau-xem-gi/giua-long-phu-yen-co-khu-cho-ca-cuc-it-nguoi-biet-nam-ngay-ben-bo-bien-va-ban-do-vua-tuoi-vua-re-c40a629297.html