GIẢI TRÌNH NHIỀU LẦN, KÉO DÀI THỜI GIAN CHỜ ĐỢI
Sau khi Nghị định 152 năm 2020 có hiệu lực, tiếp theo là Nghị định 70 sửa đổi, bổ sung năm 2023, tất cả các trường hợp xin giấy phép lao động cho giảng viên (GV) nước ngoài tại các trường ĐH phải nộp hồ sơ tại Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH thay vì các sở LĐ-TB-XH như trước kia.
Theo đại diện các trường ĐH, quá trình hoàn thiện hồ sơ này rất nhiêu khê, tốn nhiều thời gian, gây mệt mỏi cho trường lẫn GV nước ngoài.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết: “Mặc dù Nghị định 152 quy định Bộ LĐ-TB-XH hoặc UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, nhưng thực tế trường phải giải trình đi, giải trình lại rất nhiều lần mới được chấp thuận đối với các vị trí tuyển dụng lao động nước ngoài, cá biệt có trường hợp kéo dài gần 5 tháng”.
Theo tiến sĩ Viên, quy định và quy trình xử lý hồ sơ còn một số bất cập, điển hình như Cục Việc làm không có người phụ trách từ đầu đến cuối quá trình giải quyết cấp giấy phép lao động mà phân ra nhiều giai đoạn nên có tình trạng lẫn lộn giữa giải quyết trực tuyến và giải quyết hồ sơ bằng văn bản. Chính vì thế, hồ sơ bị chuyển qua chuyển lại giữa nhiều người thụ lý, dẫn tới phải giải trình nhiều lần, cho nhiều người khác nhau. “Nhiều khi trường không nắm được hồ sơ đang ở đâu, ai đang phụ trách nên rất khó khăn trong việc theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ”, tiến sĩ Viên cho hay.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài và nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, trường được yêu cầu giải trình nhiều lần qua nhiều cấp, mất rất nhiều thời gian. Trong đó có những yêu cầu liên kết với nhiều quy định đặc thù của ngành giáo dục như quy định về mở ngành, quy định về ngành phù hợp…, trong khi việc này không yêu cầu trong các nghị định liên quan đến hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy phép lao động. Chưa kể, việc này cũng không đúng với trường hợp đặc thù của Trường ĐH Việt Đức (được điều chỉnh bởi Hiệp định ba bên về xây dựng và mở rộng Trường ĐH Việt Đức giữa Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và chính quyền bang Hessen).
Tiến sĩ Hà Thúc Viên cho rằng thủ tục xin giấy phép lao động kéo dài còn ảnh hưởng đến việc gia hạn thị thực/thẻ tạm trú cho GV nước ngoài đang làm việc tại các trường. “Nhiều trường hợp người lao động buộc phải xuất cảnh ngoài kế hoạch và nhập cảnh lại để xin thị thực mới, không những phát sinh tốn kém về thời gian và vật chất mà còn khiến họ có tâm trạng lo lắng, chán nản, trong khi họ là lao động tri thức có trình độ cao. Có nhiều trường hợp vì vấn đề này mà GV nước ngoài cân nhắc không tiếp tục làm việc tại VN”, tiến sĩ Viên nhận định.
GV TÌNH NGUYỆN VIÊN CŨNG GẶP KHÓ KHĂN
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, cũng thông tin khi xin giấy phép lao động cho GV nước ngoài, trường phải thực hiện 2 bước: bước 1 là giải trình nhu cầu sử dụng lao động theo năm học hoặc theo giai đoạn; bước 2, sau khi được chấp thuận vị trí việc làm cần lao động, trường làm tiếp các bước xin giấy phép lao động cho các chuyên gia, GV cụ thể theo từng vị trí.
“Đa phần bước giải trình gặp nhiều khó khăn. Trường làm theo mẫu và giải trình lý do tuyển người nước ngoài cho vị trí việc làm theo tình hình của trường và theo thực tế nhu cầu về GV đào tạo chuyên ngành. Ví dụ là GV chuyên ngành xây dựng, hay dạy tiếng Hàn thì hồ sơ bị trả lại, yêu cầu giải trình lại cụ thể lý do vì sao tuyển người nước ngoài mà không tuyển người VN. Sau đó, trường làm 2-3 lần giải trình nhưng vẫn bị trả lại và yêu cầu như trên. Trường giải thích kiểu gì cũng không được. Cục Việc làm cũng không hướng dẫn đến nơi để mọi người thực hiện”, tiến sĩ Nguyễn Thanh Dũng cho biết.
Về hồ sơ xin miễn giấy phép lao động, tiến sĩ Dũng chia sẻ Trường ĐH Cửu Long tiếp nhận tình nguyện viên nước ngoài do Bộ GD-ĐT cử về theo chương trình ký kết hợp tác giữa Bộ GD-ĐT và cơ quan giáo dục nước ngoài, có giấy xác nhận GV được cử đến trường là trường hợp miễn giấy phép lao động. Tuy nhiên khi làm hồ sơ xin miễn giấy phép lao động thì Cục Việc làm cũng yêu cầu trường phải có kế hoạch giải trình nhu cầu lao động trước đó. “Cục Việc làm xét rất nhiều tiêu chí của tình nguyện viên và trả lời miệng là tình nguyện viên không đủ tiêu chuẩn giảng dạy tại trường ĐH, không có kinh nghiệm theo tiêu chuẩn, không có bằng cấp phù hợp… dù đây là tình nguyện viên do Bộ GD-ĐT cử đến”, tiến sĩ Dũng kể lại.
CẦN GIẢM THỦ TỤC ĐỂ THU HÚT GV NƯỚC NGOÀI
Ngày 19.12 vừa qua, Phó thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1600 phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Trong đề án có đưa ra mục tiêu nâng tỷ lệ tổng số GV của VN đi nước ngoài và GV của nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật hằng năm lên 8% trên tổng số GV VN.
Trong bối cảnh hội nhập, thời gian qua và sắp tới, nhiều trường ĐH đẩy mạnh tuyển GV nước ngoài. Để thực hiện mục tiêu của đề án và nhu cầu thực tiễn tại các trường, lãnh đạo các trường ĐH cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục xin cấp giấy phép lao động cho GV làm việc trên 3 tháng, kể cả thủ tục cho GV tình nguyện (không nhận lương) và GV làm việc dưới 3 tháng.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Dũng, theo quy định tại Quyết định số 1560 ngày 17.10.2023 về sửa đổi thủ tục hành chính trong Nghị định 152 năm 2020 thì vấn đề thủ tục lại càng mất thời gian hơn. “Đó là với báo cáo giải trình nhu cầu/thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải thông báo tuyển dụng lao động nước ngoài trên cổng thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB-XH, hoặc Cổng thông tin điện tử Phòng Việc làm Sở LĐ-TB-XH tỉnh, thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình. Sau khi không tuyển được người lao động VN thì mới tiến hành sử dụng người lao động nước ngoài theo quy định. Điều này làm thủ tục bước 1 thêm 1 công đoạn”, ông Dũng nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Yersin, thông tin mặc dù thủ tục xin giấy phép lao động cho GV người nước ngoài làm việc online nhưng trường vẫn phải gửi hồ sơ giấy ra Bộ LĐ-TB-XH. “Để kết nối với Cục Việc làm thực hiện xin giấy phép quả thực rất khó khăn, trường phải nhờ người quen liên lạc, kết nối. Sau đó thì giải trình, bổ sung giấy tờ… mất rất nhiều thời gian, gây lãng phí. Nên chăng giấy phép lao động được thực hiện ở ngay sở LĐ-TB-XH của địa phương thì sẽ thuận tiện hơn rất nhiều”, tiến sĩ Sơn đề xuất.
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cũng đề nghị nếu GV nước ngoài đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyên môn như bằng cấp, kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy… thì thủ tục nên đơn giản, nhanh gọn hơn.
Một năm học chỉ tuyển được 1 người
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều GV cơ hữu người nước ngoài nhưng trong năm học 2023 – 2024 chỉ tuyển được 1 người do khó khăn trong thủ tục xin chỉ tiêu lao động người nước ngoài, hồ sơ xin cấp giấy phép lao động, chờ đợi xét duyệt hồ sơ…
Chính vì thế, PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đề xuất nên giảm bớt một số thủ tục để các trường thuận lợi hơn trong công tác này, đặc biệt nên giao quyền tự chủ, tự quyết định cho trường ĐH, còn cơ quan quản lý thực hiện hậu kiểm.
Nguồn: https://thanhnien.vn/go-kho-tuyen-dung-giang-vien-nuoc-ngoai-185241229174643708.htm