![Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét 1 Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu có một không hai ở lễ hội đền Hét - Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le.jpg)
Lễ hội đền Hét được mở vào ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch – Ảnh: KHÁNH LINH
Ngày 5-2 (mùng 8 Tết Ất Tỵ), ngay từ sáng sớm, mặc dù thời tiết rét đậm, hàng ngàn người dân và du khách thập phương nô nức đổ về tham dự lễ hội đền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và hòa mình trong các trò chơi dân gian độc đáo thể hiện tinh thần thượng võ dân tộc ở vùng quê miền biển.
Trong lễ hội, ngoài phần tế lễ, rước, dâng hương, còn tổ chức biểu diễn văn nghệ, thi đấu vật, kéo co, đua thuyền… Ðặc biệt, môn vật cầu và vật đô do Tướng quân Phạm Ngũ Lão (1255-1320) sáng tạo ra để rèn luyện sức khỏe cho binh sĩ khi đóng quân tại nơi này vẫn được nhân dân địa phương lưu truyền đến ngày hôm nay.
![Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét 2 Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét - Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738770449_750_Hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le.jpg)
Để tham dự trò chơi vật cầu, các thôn cử ra 18 người chơi, là những trai tráng khỏe mạnh. Trong đó chia thành 2 đội, mỗi đội 9 người gồm 1 tướng 8 quân. Tướng được chọn là người khỏe mạnh, có đạo đức, phẩm chất tốt, được người trong làng quý mến – Ảnh: KHÁNH LINH
![Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét 3 Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu có một không hai ở lễ hội đền Hét - Ảnh 3.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le.jpeg)
Trước khi bắt đầu trò chơi, những người chơi vào đền làm nghi lễ thắp hương tế thánh sau đó mới ra sân thi đấu – Ảnh: KHÁNH LINH
Trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Phạm Đức Thiết – chủ tịch UBND xã Thái Thượng – cho biết: “Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trò chơi vật cầu vẫn được nhân dân địa phương lưu truyền nguyên bản. Ngày nay, không gian lễ hội đền Hét đã vượt qua ranh giới lễ hội làng để trở thành lễ hội của cả một vùng, hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương”.
![Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét 4 Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu có một không hai ở lễ hội đền Hét - Ảnh 4.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738770450_961_Hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le.jpg)
Sau khi vào đền thắp hương sẽ ra sân chia làm 2 đội (đội Nông và đội Ngư). Đội Nông (trong chữ Nông nghiệp) diện quần màu đỏ, đội Ngư (trong chữ Ngư nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản) diện quần màu xanh. Hai đội sẽ thi đấu trên một sân bãi bằng cát – Ảnh: KHÁNH LINH
![Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét 5 Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu có một không hai ở lễ hội đền Hét - Ảnh 5.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738770451_385_Hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le.jpg)
Quả cầu là củ chuối hột, nặng khoảng 8 – 10kg được gọt tròn, nhẵn – Ảnh: KHÁNH LINH
![Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét 6 Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu có một không hai ở lễ hội đền Hét - Ảnh 6.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738770451_544_Hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le.jpg)
Sau hiệu lệnh của trọng tài, cuộc vật cầu bắt đầu, người chơi phải vận dụng sức khỏe, sự nhanh nhẹn, khéo léo giành lấy quả cầu tròn nhẵn, rắn và nặng – Ảnh: KHÁNH LINH
![Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét 7 Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu có một không hai ở lễ hội đền Hét - Ảnh 7.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738770452_89_Hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le.jpg)
Sau đó dùng hết sức, khéo léo, phát huy sức mạnh tập thể nâng cầu lên đem về bồ của mình – Ảnh: KHÁNH LINH
![Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu ở lễ hội đền Hét 8 Hàng ngàn người chen nhau xem vật cầu có một không hai ở lễ hội đền Hét - Ảnh 8.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738770453_663_Hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le.jpg)
Sau thời gian thi đấu 2 hiệp (khoảng 20 phút), đội nào đưa được cầu vào bồ của mình nhiều lần đội đó sẽ thắng – Ảnh: KHÁNH LINH
Đền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là nơi thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320), người tài cao, tinh thông võ nghệ, giỏi phép dụng binh.
Trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, Phạm Ngũ Lão cầm quân đi đánh giặc, lập được nhiều chiến công lớn, được vua Trần tin yêu, Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn gả con gái cho và được phong làm Ðiện Súy Thượng tướng quân.
Khi được vua Trần giao cho thống lĩnh 3 quân trấn thủ, bảo vệ vùng biên giới Ðông Bắc, tướng quân Phạm Ngũ Lão đã chọn cửa biển Ðại Toàn (nay là cửa biển Diêm Ðiền), mảnh đất địa linh nhân kiệt có thế long giáng, hổ vờn, làm nơi đóng đồn, dựng trại huấn luyện binh sĩ. Nơi ông đóng quân, sau này nhân dân địa phương xây đền thờ phụng.
Đến nay, đền Hét vẫn được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khang trang và lưu giữ nguyên vẹn 7 sắc phong thời Lê – Nguyễn, 1 thần tích chữ Hán, nhiều đồ tế khí, câu đối, cặp song mã và bia đá cổ.
Năm 1993, Bộ Văn hóa và Thể thao đã cấp bằng công nhận đền Hét là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-ngan-nguoi-chen-nhau-xem-vat-cau-o-le-hoi-den-het-20250205220216829.htm