509 cán bộ, giáo viên, viên chức thuộc thành phố quản lý đã viết thư kiến nghị gửi lãnh đạo Hà Nội liên quan tới bất cập của Nghị quyết 46 HĐND thành phố ngày 10/12 về quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
Theo Nghị quyết này, thu nhập tăng thêm sẽ áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Điều này đồng nghĩa với việc, giáo viên tại các trường học không thuộc diện được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên sẽ không thuộc nhóm đối tượng được hưởng thu nhập tăng thêm.
Trước đó, Nghị định 73 của Chính phủ ban hành cuối tháng 6/2024 đã quy định mức lương và chế độ thưởng với công chức, viên chức và quân nhân. Trong đó, tiền thưởng tính theo thành tích đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Nhiều trường học tại các tỉnh thành đã thực hiện Nghị định này và thưởng cho giáo viên theo xếp loại lao động.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, hơn 100 trường THPT công lập và hơn 200 trường tiểu học, THCS thuộc nhóm đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên không được tiếp cận nguồn thu nhập tăng thêm theo Nghị định 73.
Thầy Nguyễn Văn Đường – giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A – chia sẻ, những năm trước đây, giáo viên các trường THPT được thưởng Tết tùy theo đơn vị. Có nơi được 500.000 đồng, có nơi được vài triệu đồng. Riêng thầy cô mầm non, tiểu học, THCS thì gần như không có.
“Khi Nghị định 73 được ban hành, các thầy cô đều vui mừng. Bởi năm nay có thể là cái Tết đầu tiên trong đời đi dạy họ được thưởng từ 4-7 triệu đồng. Do đó, thông tin không được thưởng Tết theo Nghị quyết 46 khiến chúng tôi vô cùng hụt hẫng”, thầy Đường bày tỏ.
Theo thầy Đường, các giáo viên được biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Chỉ vì lí do nhà trường đã được xếp vào nhóm tự chủ hoàn toàn mà giáo viên không được hưởng quyền lợi như bao viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập khác trên cả nước là điều vô lý.
Tháng 11/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra quyết định 2211 về giao tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở giai đoạn 2024-2025. Trong số này có 121 trường THPT và 2 trường mầm non thuộc diện tự đảm bảo chi thường xuyên 100%. Ngoài ra mỗi quận huyện có thêm các trường tiểu học, THCS thuộc diện này.
Việc giao tự chủ này về bản chất không phải do nguồn thu của các trường tăng lên mà do thay đổi hình thức cấp phát từ giao dự toán sang hình thức đặt hàng.
“Việc các đơn vị trường học bị xếp vào nhóm tự chủ hoàn toàn và đơn vị đã đăng kí đặt hàng giá dịch vụ giáo dục đã khiến cho giáo viên chúng tôi không được hưởng nguồn thu nhập tăng thêm từ Nghị quyết số 46/2024/NQ-HĐND và Nghị định 73/2024/NĐ-CP.
Rõ ràng, đây là những chủ trương áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức nhưng chúng tôi đã bị gạt ra. Liệu chúng tôi có còn được xem là viên chức giáo dục không?”, thư kiến nghị của hơn 500 giáo viên viết.
Cô Lê Thị Dịu – nhân viên văn thư Trường THPT Phú xuyên A – tâm sự: “Nếu được nhận món tiền thưởng này thì mỗi cán bộ giáo viên cũng có thêm một nguồn động viên rất lớn. 4 đến 7 triệu đồng với tôi đó là cả một tháng lương. Rất mong thành phố quan tâm, tháo gỡ”.
Liên quan tới vấn đề này, hiệu trưởng một trường THPT chia sẻ với phóng viên Dân trí, đơn vị này hiện không có ngân sách để chi thưởng cho giáo viên theo Nghị định 73 do những bất cập nói trên. Nhà trường đang chờ ý kiến từ Sở GD&ĐT cũng như lãnh đạo thành phố.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hang-tram-giao-vien-ha-noi-co-nguy-co-mat-thuong-tet-20250106145725243.htm