1. Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển
Năm 2024, thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, 2,3 triệu học sinh, gần 128.000 giáo viên; 1 trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
2. Kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô
Năm 2024, Sở GD&ĐT tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô (1954-2024) với một số Chương trình: “Hành khúc học sinh Thủ đô”; Cuộc thi “Sáng tác ca khúc dành cho học sinh”; Liên hoan hợp xướng học sinh phổ thông thành phố Hà Nội năm 2024; Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VIII, năm 2024 cấp thành phố; Cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024…
3. Không còn hiện tượng xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh
Năm 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, tạo thuận lợi cho nhân dân, phụ huynh và học sinh, khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh của những năm trước như: Không còn hiện tượng xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh hay bốc thăm để vào các trường công lập; không còn những sai sót như việc “đề thi mờ”…
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung của toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và tăng 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11).
Hà Nội là địa phương có nhiều điểm 10 thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhất cả nước với 915 điểm.
Trong tổng số 200 thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất, thành phố Hà Nội có 33 thí sinh, đặc biệt, 1 thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước: 57,85 điểm.
Toàn thành phố có 194/269 trường có tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%, tăng 54% so với năm 2023.
4. Giáo dục mũi nhọn Thủ đô đứng đầu cả nước tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế
Năm 2024, học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 em đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, cao hơn năm 2023.
Đặc biệt, học sinh Hà Nội đoạt 2 Huy chương Vàng Olympic môn sinh học, hóa học, 5 huy chương trong kỳ thi Olympic thiên văn và vật lý thiên văn quốc tế IOAA tại Brazil; 6 huy chương trong kỳ thi Olympic khoa học trẻ quốc tế – IJSO năm 2024; 24 huy chương trong kỳ thi Olympic toán và khoa học quốc tế IMSO 2024 tại Trung Quốc…
5. Dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học
Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học với 97,64% học sinh khối 1 đến khối 4 được tạo thành công học bạ số (trung bình của cả nước đạt 41%).
6. Có 56 nhà giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và “Nhà giáo Ưu tú”
Năm 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có một “Nhà giáo Nhân dân” và 55 “Nhà giáo Ưu tú”. Đây là vinh dự, tự hào của các nhà giáo Thủ đô và toàn ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.
7. Thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các quận huyện
Năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022-2025.
Kết quả: 30/30 quận huyện kết nối xây dựng kế hoạch cùng chung tay phát triển; có 1.197 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức gặp gỡ, xây dựng và triển khai kế hoạch giao ước thực hiện chương trình phối hợp giữa các đơn vị.
Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chung toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và tăng 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11).
Trong số 256 trường THPT, 194 trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100%, tăng 54 trường so với năm học trước. Trong số 54 trường có tỷ lệ tốt nghiệp 100%, rất nhiều trường ở khu vực ngoại thành năm đầu tiên đạt thành tích này.
8. Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội lần thứ X năm 2024
Hội khỏe Phù Đổng thành phố Hà Nội lần thứ X năm 2024 có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia của hơn 400.000 lượt học sinh.
9. Ban hành Nghị quyết quy định mức tiền thưởng đối với học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi
HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết quy định mức tiền thưởng đối với học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi trong nước, quốc tế và giáo viên có thành tích đào tạo, bồi dưỡng học sinh đạt giải.
Điều này thể hiện thành phố ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
10. Hà Nội tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế
Năm nay, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục tích cực đẩy mạnh hợp tác giáo dục trong nước và quốc tế.
Với tinh thần: “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, giáo dục Hà Nội đã hỗ trợ hiệu quả cho giáo dục các tỉnh, thành phố như Điện Biên, Yên Bái, Ninh Bình, Hà Nam…, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua chuyển đổi số.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/het-canh-xep-hang-nop-ho-so-va-10-su-kien-giao-duc-ha-noi-2024-20250103224509594.htm