Chủ Nhật, Tháng hai 2, 2025
HomeĐời SốngHiệu lực quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Hiệu lực quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay sau khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Nghị quyết số 48/NQ-CP. Mục tiêu của Chiến lược là hiểu rõ hơn về tiềm năng, lợi thế của biển, các tác động bất lợi từ biển trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế liền kề; xây dựng, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương ven biển lập kế hoạch khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển, nhất là khai thác các loại khoáng sản như dầu khí, sắt từ thềm lục địa và khu vực biển sâu, ứng phó với biến đổi khí hậu để đạt được chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết.

Ngoài ra, tính đến nay, có 27 trong tổng số 28 tỉnh, thành phố có biển đã thực hiện xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhìn chung, Kế hoạch thực hiện Chiến lược nêu trên tại các địa phương đã bám sát mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chiến lược trong Nghị quyết số 48/NQ-CP đã đề ra. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 7/1/2020 phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, gồm 41 nhiệm vụ, dự án với tổng kinh phí 6.522,69 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ năm 2015-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo tổ chức triển khai được 37 cuộc kiểm tra; ba cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại các tỉnh, thành phố có biển. Qua quá trình triển khai việc kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại các địa phương và các tổ chức, cá nhân cho thấy, tình hình vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chủ yếu liên quan hành vi vi phạm về giao, sử dụng khu vực biển khi không có quyết định giao khu vực biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đức Toàn, sau gần 10 năm triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, như: Việc tham gia ý kiến của các cơ quan, địa phương trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật chưa thật hiệu quả, chưa lường hết được những phát sinh trong quá trình thực hiện, do đó một số quy định sau khi ban hành đã gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, chưa phù hợp thực tế. Nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ngày càng ít về số lượng và phải kiêm nhiệm cả các lĩnh vực khác.

Một số sở tài nguyên và môi trường ở các địa phương có biển chỉ được bố trí từ một đến hai cán bộ chuyên trách; nguồn kinh phí cho công tác triển khai thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu để tổ chức công tác phổ biến, tuyên truyền; công tác xây dựng văn bản và triển khai thực hiện quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định trong Luật và văn bản hướng dẫn thi hành còn có một số khó khăn, vướng mắc và không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo một cách hiệu quả hơn nữa, nhất là từng bước khắc phục khó khăn, vướng mắc nêu trên, Việt Nam cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện các đề án, nhiệm vụ, dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển không thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung điều tra, tính khả thi, hiệu quả. Sau khi phê duyệt phải gửi quyết định phê duyệt và thông tin về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực điều tra của dự án, đề án, nhiệm vụ về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nghiệm thu phải nộp sản phẩm vào cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển do Bộ quản lý. Trong công tác nghiên cứu khoa học biển của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong vùng biển Việt Nam, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 17 để làm rõ thêm về đối tượng là “tổ chức, cá nhân nước ngoài” nghiên cứu trong vùng biển Việt Nam có bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu nghiên cứu khoa học để phục vụ xây dựng dự án khai thác, sử dụng tài nguyên biển hay không. Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc có ý kiến về hồ sơ cấp phép; trong kiểm tra, giám sát hoạt động nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam…

Các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực môi trường biển cũng đề nghị cần bổ sung quy định về bảo vệ vùng bờ, để phù hợp với phân vùng sử dụng (gồm vùng cấm khai thác, vùng khai thác có điều kiện, khu vực cần bảo vệ đặc biệt và khu vực khuyến khích phát triển) trong Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, đồng thời để bảo vệ vùng bờ do hoạt động khai thác, sử dụng, xói, sạt lở bờ biển, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cần sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể về nội dung và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm soát nguồn ô nhiễm từ đất liền và sự tham gia phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan cần được quy định chặt chẽ để công tác bảo vệ môi trường biển do nguồn ô nhiễm từ đất liền được kiểm soát hiệu quả…

Nguồn: https://nhandan.vn/hieu-luc-quan-ly-tai-nguyen-moi-truong-bien-va-hai-dao-post858334.html

NhanDan Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay