Thứ năm, Tháng hai 6, 2025
HomeThế GiớiHiểu về việc ông Trump tính cắt viện trợ với thế giới

Hiểu về việc ông Trump tính cắt viện trợ với thế giới

Vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định tạm dừng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài với trị giá hàng tỉ USD như một phần trong chiến lược “Nước Mỹ trước tiên”.

“Tổng thống Trump đã phát biểu rõ ràng rằng Mỹ sẽ không còn phân phát tiền một cách mù quáng mà không có sự đền đáp cho người dân Mỹ. Việc thay mặt cho những người đóng thuế để xem xét và điều chỉnh lại viện trợ nước ngoài là điều không chỉ đúng đắn mà còn là một nghĩa vụ đạo đức” – theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce.

Quyết định của Mỹ – quốc gia viện trợ lớn nhất thế giới – đã tạo ra cú sốc trên toàn cầu. Nhiều tổ chức viện trợ cảnh báo rằng động thái này sẽ đặt tính mạng nhiều người vào nguy hiểm.

Bà Rachel Bonnifield – một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu – chia sẻ với kênh Al Jazeera rằng ngay cả “những người ủng hộ mạnh mẽ nhất” đối với viện trợ Mỹ cũng nhận ra rằng không phải tất cả các chương trình đều hiệu quả và cũng không phải tất cả chương trình có thể sẽ bị ngừng.

Tuy nhiên, sự đột ngột trong việc thực thi lệnh đã khiến những người phụ thuộc vào viện trợ rơi vào “vị trí rất nguy hiểm, có thể dẫn đến cái chết”.

Trump tính cắt viện trợ với thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Viện trợ của Mỹ được phân bổ như thế nào?

Năm 2023, Washington đã giải ngân 72 tỉ USD viện trợ nước ngoài cho gần 180 quốc gia. Một phần lớn viện trợ của Mỹ vào năm 2023 được phân phát dưới hình thức hỗ trợ kinh tế (59,9 tỉ USD), trong đó Ukraine là quốc gia nhận nhiều nhất với 14,4 tỉ USD từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

Quốc gia nhận viện trợ của Mỹ nhiều thứ hai là Jordan, với 770 triệu USD hỗ trợ kinh tế thông qua USAID. Yemen và Afghanistan lần lượt nhận được 359,9 triệu USD và 332 triệu USD.

Viện trợ được phân phát qua các bộ và cơ quan liên bang khác nhau như Bộ Quốc phòng và các cơ quan như USAID – cơ quan phân bổ nhiều kinh phí nhất với 42,45 tỉ USD, tiếp theo là Bộ Ngoại giao (19 tỉ USD) và Bộ Tài chính (2,17 tỉ USD). Theo lĩnh vực, viện trợ nhiều nhất được dành cho phát triển kinh tế với 19 tỉ USD. Y tế nhận được mức viện trợ cao thứ hai với 16 tỉ USD và viện trợ nhân đạo là 15,6 tỉ USD.

Mỹ cũng đã cấp 8,2 tỉ USD viện trợ quân sự cho các đồng minh trên toàn cầu, trong đó gần một nửa được chuyển cho Israel và Ai Cập.

Mỹ đã cam kết cung cấp cho Israel 3,8 tỉ USD viện trợ quân sự hàng năm đến năm 2028, theo một Bản ghi nhớ được ký dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã cấp thêm 17,9 tỉ USD viện trợ quân sự cho Israel trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza, theo một báo cáo của ĐH Brown (Mỹ) về Chi phí Chiến tranh.

Kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1948, Mỹ đã cấp khoảng 120 tỉ USD viện trợ quân sự cho Israel. Ai Cập là quốc gia nhận viện trợ quân sự lớn thứ hai từ Mỹ, với 1,2 tỉ USD kể từ khi ký Hiệp định Camp David năm 1978 – hiệp định đưa Cairo trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên công nhận Israel.

Viện trợ phân bổ cho các sáng kiến

Các sáng kiến nhận được nhiều viện trợ nhất từ Mỹ là những chương trình như Kế hoạch Khẩn cấp của Tổng thống về Phòng chống AIDS (PEPFAR), với khoảng 120 tỉ USD kể từ khi ra mắt vào năm 2003. Đây là chương trình y tế lớn nhất thế giới, được Tổng thống George W. Bush khởi xướng. PEPFAR được cho là đã cứu sống 25 triệu người, trong đó có 5,5 triệu trẻ em, tại hơn 50 quốc gia.

AmfAR – Quỹ Nghiên cứu AIDS – đã chỉ trích quyết định ngừng viện trợ đối với PEPFAR, rằng “hàng trăm nghìn người sẽ ngay lập tức không thể tiếp cận được các phương pháp điều trị HIV hiệu quả và các dịch vụ cứu sống khác”.

Viện Aurum – một tổ chức phi lợi nhuận làm việc tại Ghana, Mozambique và Nam Phi trong nghiên cứu y tế toàn cầu về HIV và bệnh lao – nói rằng tổ chức này buộc phải ngừng các hoạt động liên quan đến các dự án được tài trợ từ Mỹ.

“Tổ chức chúng tôi thừa nhận sự không chắc chắn mà bạn đang trải qua và xin lỗi sâu sắc vì sự bất tiện này. Aurum cam kết tìm kiếm giải pháp cùng với các đối tác khác để giải quyết các thách thức này càng sớm càng tốt” – theo thông cáo của Aurum.

Dân chủ, Cộng hoà phản ứng ra sao?

Các nhà lập pháp Dân chủ và đảng Cộng hoà có phản ứng trái ngược trước quyết định của ông Trump.

Ông Brian Mast – đảng viên Cộng hòa và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện – nói rằng việc ngừng viện trợ là cần thiết để đảm bảo rằng “các khoản chi tiêu không bị trùng lặp, hiệu quả và phù hợp với chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump”.

Trong khi đó, ngày 3-2, nhiều nghị sĩ Dân chủ đã tập trung tại văn phòng của USAID ở Mỹ để phản đối việc ông Trump đóng cửa cơ quan này.

2hieu-ve-viec-ong-trump-tinh-cat-vien-tro-voi-the-gioi.jpg
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ tập trung tại văn phòng của USAID ở thủ đô Washington, D.C (Mỹ) ngày 3-2. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Hạ nghị sĩ Dân chủ Johnny Olszewski cáo buộc ông Trump “phớt lờ luật pháp và phủ nhận ý nguyện của người dân Mỹ”.

Việc ông Trump đóng băng viện trợ nước ngoài đang làm chậm trễ hoạt động viện trợ cứu người và nhường cơ hội cho các quốc gia khác, như Trung Quốc, gia tăng ảnh hưởng – Hạ nghị sĩ Dân chủ Johnny Olszewski.

Quốc tế phản ứng trước việc ông Trump tính cắt viện trợ với thế giới

Phản ứng quốc tế đối với quyết định này khá mạnh mẽ. Các tổ chức viện trợ quốc tế, bao gồm các cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), đang vất vả xử lý tình hình và một số đã phải vội vàng cắt giảm chi tiêu.

Ông Filippo Grandi – Cao ủy LHQ về người tị nạn – đã gửi một email khẩn cấp đến nhân viên, yêu cầu ngay lập tức hạn chế chi tiêu. “Chúng ta phải hành động rất cẩn trọng trong vài tuần tới để giảm thiểu tác động của sự không chắc chắn về nguồn quỹ đối với người tị nạn và những người di dời, đối với các hoạt động của chúng ta và các nhóm nhân viên” – theo nội dung email.

Bà Abby Maxman – người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Oxfam (Mỹ) – nói rằng việc ngừng viện trợ có thể “có những hậu quả sống còn” đối với các gia đình trên toàn cầu.

“Việc đình chỉ viện trợ phát triển nước ngoài là một mối đe dọa đến tính mạng và tương lai của các cộng đồng đang gặp khủng hoảng, và là sự từ bỏ phương pháp tiếp cận lưỡng đảng lâu dài của Mỹ đối với viện trợ nước ngoài, vốn hỗ trợ mọi người dựa trên nhu cầu, bất kể sự khác biệt chính trị” – bà Maxman nêu quan điểm.

Tuần trước, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ xem xét các miễn trừ bổ sung để “đảm bảo tiếp tục cung cấp các hoạt động phát triển và nhân đạo quan trọng cho những cộng đồng dễ bị tổn thương trên toàn thế giới”.

Chờ đợi quá trình xem xét 90 ngày

Trong ba tháng tới, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio sẽ tiến hành xem xét và quyết định liệu có “tiếp tục, điều chỉnh hay chấm dứt các chương trình viện trợ”, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hôm 24-1, ông Rubio đã gửi một thông báo tới các đại sứ quán Mỹ trên toàn thế giới yêu cầu ngừng các dự án hỗ trợ y tế, giáo dục, phát triển, an ninh và các nỗ lực khác.

Ông Rubio đã đồng ý thêm một số miễn trừ, cho phép tiếp tục cấp vốn tạm thời cho các chương trình nhân đạo cung cấp thuốc men cứu sống và thực phẩm, cùng với các dịch vụ khác.

Theo bà Rachel Bonnifield – một chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, rất khó để dự đoán liệu cuộc đánh giá viện trợ kéo dài 90 ngày sẽ được gia hạn hay rút ngắn, và liệu các chương trình viện trợ sẽ bị cắt giảm hay khôi phục khi Ngoại trưởng Rubio công bố thêm các miễn trừ cho việc ngừng viện trợ.

“Có thể là gần như 99% các chương trình sẽ được khôi phục sau kỳ đánh giá, hoặc có thể là một sự tái cơ cấu sâu rộng hơn toàn bộ danh mục. Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này, chúng ta thực sự không biết việc này sẽ đi về đâu” – bà Bonnifield nhận định.

Ông Trump ký sắc lệnh lập quỹ đầu tư quốc gia, gợi ý khả năng mua lại TikTok
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/hieu-ve-viec-ong-trump-tinh-cat-vien-tro-voi-the-gioi-post832626.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay