Thứ tư, Tháng tư 9, 2025
HomeThế GiớiHòa bình dựa trên sức mạnh

Hòa bình dựa trên sức mạnh

Chiến lược trên của Tổng thống Trump nhấn mạnh vào việc xây dựng sức mạnh nội tại và quân sự vượt trội để răn đe đối thủ. Đồng thời, ông chủ động giảm thiểu các cam kết ngoại giao và quân sự nặng về “giá trị”, tốn kém tiền bạc và không hiệu quả ở nước ngoài, tái cấu trúc quan hệ với đồng minh, đối tác dựa trên trách nhiệm chung về an ninh quốc tế, tập trung nguồn lực để cạnh tranh với đối thủ chủ chốt.

Giải mã chiến lược Trump 2.0: Hòa bình dựa trên sức mạnh - Ảnh 1.

Ông Donald Trump phát biểu tại bang Florida sau cuộc bầu cử hồi tháng 11.2024

Lấy mục tiêu để biện minh cho phương tiện

Yếu tố chi phối tư duy đối ngoại của Tổng thống Trump dường như là lợi ích tương đối (relative gains) và mục tiêu gia tăng sức mạnh tương đối của Mỹ trong so sánh với đối thủ và đồng minh, coi trọng chủ nghĩa thực dụng, lấy mục tiêu để biện minh cho phương tiện, coi nhẹ yếu tố giá trị, ý thức hệ.

Ưu tiên lớn nhất trong chính sách đối ngoại của đương kim chủ nhân Nhà Trắng là kiềm chế và cạnh tranh trực diện với Trung Quốc. Có vẻ như trọng tâm xuyên suốt hiện nay của Tổng thống Trump là nỗ lực tái phân bổ nguồn lực quốc phòng từ những chiến trường ít quan trọng hơn sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Indo-Pacific, thúc đẩy hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn với Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines nhằm đối trọng trực tiếp với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ thứ hai, mặc dù giảm cam kết ở nhiều nơi, nhưng Nhà Trắng vẫn cơ bản duy trì các hoạt động hợp tác quân sự với các đối tác chủ chốt trong khu vực Indo-Pacific.

Có thể, để phục vụ mục tiêu lớn trên, Tổng thống Trump theo đuổi việc rút quân khỏi những cuộc chiến dài hơi mà ông xem là vô nghĩa và không còn phục vụ lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ. Điển hình từ nhiệm kỳ đầu tiên là chính sách rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2020, khi ông khởi động tiến trình đàm phán với Taliban để giảm hiện diện quân sự của Mỹ, tiết kiệm hàng tỉ USD ngân sách và giảm tổn thất nhân mạng.

Tổng thống Trump hiện nay tìm cách đàm phán chấm dứt xung đột tại Ukraine và Trung Đông, hướng tới việc Washington chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, thay vì sa lầy vào những cuộc xung đột kéo dài, tốn kém. Đội ngũ của ông Trump cũng tìm cách xóa bỏ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và một loạt các cơ quan truyền thông như VOA, RFA vốn từng được xem như công cụ thúc đẩy các giá trị của Mỹ ra thế giới.

Tái cấu trúc quan hệ đồng minh

Song song với đó, chiến lược Trump 2.0 chủ trương rút khỏi những hiệp định và cam kết đa phương mà ông nhận định là thiếu hiệu quả hoặc bất lợi cho Mỹ. Ví dụ điển hình là quyết định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong nhiệm kỳ đầu, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và nhiều cơ chế khác với lý do Mỹ phải gánh quá nhiều chi phí trong khi các quốc gia khác không đóng góp tương xứng.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Trump tiếp tục lập luận rằng các cơ chế đa phương truyền thống cần phải được tái cấu trúc để phản ánh thực tế chiến lược mới, trong đó Mỹ không còn là quốc gia “bao cấp an ninh và tài chính”, cung cấp hàng hóa công (public goods) vô điều kiện cho cả thế giới.

Giải mã chiến lược Trump 2.0: Hòa bình dựa trên sức mạnh - Ảnh 2.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 13.3

Một khía cạnh đặc biệt của chiến lược đối ngoại Trump 2.0 là việc tái cấu trúc quan hệ với đồng minh theo hướng thực dụng hơn. Trong nhiệm kỳ 1, Tổng thống Trump ép các thành viên khác trong NATO phải tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất tương ứng 2% của GDP. Trong nhiệm kỳ 2, giữa bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Trump đòi tăng con số vừa nêu lên 5% – đây có thể là mức “không tưởng” đối với nhiều quốc gia EU vốn đang chịu áp lực mạnh mẽ từ nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội. Tương tự, Nhà Trắng thúc ép Nhật Bản và Hàn Quốc trả nhiều chi phí hơn cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú trên lãnh thổ các nước này.

Nguyên nhân sâu xa của chiến lược đối ngoại này có thể là do Tổng thống Trump tin rằng nước Mỹ có quá nhiều năm gánh vác các cam kết quân sự và tài chính toàn cầu, khiến nguồn lực bị dàn trải, mất lợi thế cạnh tranh trước đối thủ như Trung Quốc. Như thế, Mỹ có thể đứng trước vết xe đổ của các đế chế trước, rơi vào bẫy “quá tải đế chế” dẫn đến suy yếu và lụi tàn. Chỉ khi Mỹ mạnh về nội tại và tự chủ chiến lược, đồng minh cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính, thì Washington mới đủ khả năng đương đầu hiệu quả với thách thức lớn nhất là sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Nếu như thế, đó không chỉ là vấn đề về sức mạnh, mà còn là cách ông Trump củng cố vị thế lãnh đạo của Mỹ dựa trên thực lực, thay vì phụ thuộc vào những cơ chế đa phương ông coi là lỗi thời và kém hiệu quả. (còn tiếp)

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Nguồn: https://thanhnien.vn/giai-ma-chien-luoc-trump-20-hoa-binh-dua-tren-suc-manh-185250331111402101.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay