Việt Nam được đánh giá là quốc gia mạnh về gia vị với hơn 500.000 ha các loại cây và khoảng 400 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
Đáng chú ý, một loại gia vị được mệnh danh “cánh hoa nghìn tỷ” khi đều đặn mang về hàng chục triệu USD mỗi năm là hoa hồi. Không chỉ vậy, nước ta cũng đang đứng ở vị trí đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu hoa hồi của Việt Nam trong tháng 12 đạt 1.705 tấn với trị giá hơn 6,2 triệu USD, tăng mạnh 48,6% so với tháng 11. Thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Ấn Độ chiếm 72,5% đạt 1.236 tấn, tăng 72,4% so với tháng 11.
Lũy kế trong cả năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 14.004 tấn hoa hồi, tổng kim ngạch đạt hơn 63,7 triệu USD, giảm 5,7% về lượng và giảm 16,2% về kim ngạch. Prosi Thăng Long là doanh nghiệp xuất khẩu hồi lớn nhất đạt 2.865 tấn, chiếm 20,5% thị phần và tăng 19,6% so với năm 2024.
Trước đó trong năm 2023, nước ta thu về 83 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi, sản lượng đạt 16.136 tấn. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 499 tấn, chiếm 57% tỷ trọng. Trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân; điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu…
Theo thông tin từ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, hồi là một cây gỗ nhỡ, cao từ 2-6m, hình dáng toàn cây thon hình quả trám, xanh tốt quanh năm, thân mọc thẳng. Mỗi năm cây chỉ được thu hoạch 2 vụ nên hoa hồi đã hiếm lại càng quý.
Hoa hồi ra hoa hai lần trong một năm nhưng không có ranh giới rõ ràng. Vụ thứ nhất thường diễn ra vào tháng 6, gọi là hoa vụ tứ quý. Vụ thứ hai vào khoảng tháng 8-9, được gọi là vụ hồi mùa.
Trên thực tế, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi. Theo thống kê, sản lượng hồi của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, với sản lượng hàng năm ước đạt 22.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000 ha.
Hoa hồi được đánh giá là một trong những loại nông sản có giá trị cao, được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn ở nhiều thị trường quốc tế. Nhờ vào hương thơm đặc trưng và những công dụng phong phú trong ngành thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp mỹ phẩm, đến nay, hoa hồi Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Một nghiên cứu thị trường năm 2021 của SNV (Tổ chức Phát triển Hà Lan) tại Việt Nam đã chỉ ra những ưu thế nổi trội của quế, hồi Việt Nam bao gồm: Khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với giống cây chất lượng cao, sự quan tâm và hỗ trợ từ chính quyền địa phương đối với phát triển nông – lâm nghiệp…
Nguồn: https://kenh14.vn/chot-nam-2024-hoa-nghin-ty-giup-viet-nam-thu-63-trieu-usd-tro-thanh-ong-trum-top-2-the-gioi-215250122135358657.chn