Tối 4-11, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết phiên đấu giá 20 lô đất ở xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã kết thúc, với lô trúng đấu giá cao nhất 103,3 triệu đồng/m2 và lô thấp nhất cũng có giá 85 triệu đồng/m2.
Trước đó, 20 lô đất này dự kiến được đưa ra đấu giá ngày 26-8 tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện, nhưng đã được tạm dừng. Việc tạm dừng này để thực hiện kiểm tra, rà soát theo công điện số 82 (ngày 21-8) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ghi nhận của phóng viên, 20 lô đất được đưa ra đấu giá hôm nay cạnh lô đất trúng giá 133,3 triệu đồng/m2 hồi tháng 8.
Ông T. (người tham gia đấu giá) cho biết phiên đấu giá lần này đã bớt nóng hơn so với phiên đấu giá hồi tháng 8 thu hút cả ngàn bộ hồ sơ. “Theo quan sát của tôi, có khoảng 130 người tham gia phiên đấu giá hôm nay”, ông T. nói.
Theo thông báo của Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt, 20 lô đất nói trên có diện tích từ 89,60 – 145,60m2, giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2. Số tiền đặt cọc tham gia đấu giá mỗi lô từ 130 – 212 triệu đồng/lô đất (20% giá khởi điểm).
Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp đối với từng thửa đất tại cuộc đấu giá và tối thiểu 6 vòng đấu bắt buộc, theo phương thức trả giá lên.
Trước và sau khi có kết quả phiên đấu giá đất, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, tuy nhiên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi về kết quả đấu giá cũng như phương pháp, quy trình xác định giá khởi điểm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng để giảm người tham gia đấu giá “ảo”, tình trạng làm giá rồi bỏ cọc, cố tình nâng giá để đầu cơ, đẩy mặt bằng giá đất khu vực nào đó lên cao thì trước mắt cần phải nâng giá khởi điểm lên sát với giá thị trường. Khi ấy tiền cọc sẽ tăng lên nhiều, việc bỏ tiền cọc và người tham gia đấu cũng ít đi.
Giá khởi điểm các địa phương đang áp dụng rất thấp, trong khi chỉ cần đặt cọc 20% giá khởi điểm (hơn 100 – 200 triệu đồng tùy từng lô, diện tích…) là đã được tham gia đấu giá.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng nói giải pháp này chỉ ngăn chặn được một phần vì việc làm giá, “thổi giá” thường là do một nhóm đầu cơ hoặc chủ đầu tư đang có trong tay nhiều đất đai, nên dù tính theo giá thị trường để định giá ban đầu thì vẫn xảy ra tình trạng bỏ cọc.
Vì thế phải áp dụng thêm một số biện pháp như người trúng đấu giá phải chính chủ, điều này sẽ hạn chế việc mới đấu xong đất đã mang ra “chợ” rao bán suất trúng đấu giá.
Bên cạnh đó, quy định tối thiểu sau 5 năm mới được chuyển nhượng và yêu cầu phải xây dựng theo quy hoạch trong thời hạn nhất định sau khi được bàn giao đất. Nếu áp dụng một loạt biện pháp này thì “thổi giá”, đầu cơ sẽ giảm đi rất nhiều.
Tiến tới, ông Thịnh cho rằng cần xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để đánh thuế bất động sản. “Đánh thuế bất động sản cũng để phân bổ lại thu nhập. Người giàu sử dụng nhiều bất động sản phải nộp thuế cao, Nhà nước dùng số tiền đó để phát triển nhà ở, hạ tầng…
Đánh thuế bất động sản còn để sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Dù biết rằng việc đánh thuế bất động sản rất khó nhưng nếu quyết tâm, có lộ trình rõ ràng thì chúng ta sẽ làm được”, ông Thịnh nói.
Vì sao giá khởi điểm đất đấu giá thấp?
Lãnh đạo một trung tâm phát triển quỹ đất ở Hà Nội cho biết theo phương pháp cũ trước đây, để tính giá khởi điểm dựa vào đơn vị tư vấn, đơn vị tư vấn sẽ dựa vào tài sản so sánh, khảo sát thị trường. Tuy nhiên quy định mới không được thuê đơn vị tư vấn, mà để định giá ban đầu phải tính bằng hệ số K nhân với bảng giá.
Trong khi đó, Luật Đất đai 2024 quy định các địa phương được sử dụng bảng giá đất đang áp dụng cho đến hết ngày 31-12-2025. Điều này dẫn đến giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá trúng đấu giá.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoai-duc-dau-gia-20-lo-dat-gia-trung-lo-cao-nhat-103-trieu-dong-m2-20241104193840351.htm