Bộ GD-ĐT mới đây công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non (gọi tắt là quy chế tuyển sinh ĐH). Trong đó, Bộ dự kiến nâng yêu cầu hoặc thắt chặt nhiều quy định liên quan đến xét tuyển sớm, xét tuyển bằng học bạ và các phương thức khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT.
ĐỔI HOẶC CÂN NHẮC NGUYỆN VỌNG
Lý Bảo Việt, học sinh (HS) Trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Nghệ An), nói em có ý định thi vào ngành sư phạm trong năm tới. Song vì e ngại không thể đáp ứng quy định mới cũng như khó cạnh tranh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT do “năm ngoái mỗi môn gần 10 điểm mới đỗ” nên nam sinh đã chuyển hướng, chọn thi vào các trường quân đội. “Các trường quân đội cũng “hot”, nhưng vì chỉ tiêu cao nên có thể dễ đỗ hơn”, Việt chia sẻ.
“Nhìn chung, em thấy các quy định mới khá công bằng vì các bạn ở nông thôn sẽ không thể có điều kiện tốt bằng các bạn tại thành phố để ôn luyện các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Hiện em cố gắng tập trung học trong năm lớp 12 hơn, nhất là các môn tổ hợp trong khối em dự thi là toán, văn, vật lý và tiếng Anh vì “cược” tất cả hy vọng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT”, Việt cho hay.
Lê Trương Nhật Lam, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), đặt nguyện vọng vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thì chia sẻ chỉ vừa đủ điểm đạt mức tốt ở lớp 10, 11 nên hiện gặp áp lực duy trì thành tích trong năm lớp 12. “Em đã đăng ký học thêm khóa luyện đề nâng cao cũng như giảm bớt các hoạt động ngoại khóa nhằm tối ưu thời gian cho việc ôn luyện”, Lam cho biết.
Lo lắng không đạt mức kết quả tốt ở lớp 12, Nhật Lam cũng bắt đầu tìm hiểu một số ngành học khác, chuẩn bị phương án dự phòng. “Em đang cân nhắc ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nếu có gì biến động, em sẽ chuyển hướng, không theo ngành y nữa”, Lam bộc bạch.
Nỗi lo của nhiều HS đến từ việc Bộ GD-ĐT muốn nâng chuẩn đầu vào nhóm ngành sức khỏe và sư phạm, khi yêu cầu HS muốn ứng tuyển phải có kết quả học tập trong 3 năm THPT xếp mức tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên. Trong khi đó, hiện nay Bộ GD-ĐT chỉ quy định xét kết quả học tập năm lớp 12 đạt học lực loại giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên.
LO LẮNG VÌ XÉT TUYỂN BẰNG HỌC BẠ
Dự thảo mới của Bộ GD-ĐT cũng nâng yêu cầu với phương thức xét tuyển bằng học bạ khi quy định trường ĐH phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của HS. Thực tế những năm trước nhiều trường chỉ dùng kết quả học tập của một số học kỳ trong cả 3 năm học chứ không sử dụng điểm học kỳ 2 năm lớp 12. Bộ GD-ĐT còn siết chỉ tiêu xét tuyển sớm, giới hạn mức tối đa là 20%, đồng thời yêu cầu điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.
Dự định xét học bạ vào ngành marketing Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Lương Nguyễn Thiên An, HS Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), nói phải điều chỉnh kế hoạch học tập vì trước đây trường chỉ xét kết quả 5 học kỳ là lớp 10, 11, học kỳ 1 năm lớp 12. “Em đã đăng ký học tiếng Hàn ở học kỳ sau vì có ý định du học sau này, nhưng với quy định mới em sẽ tạm gác lại để “cày” học bạ hết lớp 12″, nam sinh bày tỏ.
Mặt khác, quy định yêu cầu điểm trúng tuyển xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển chung đã khiến Lê Quỳnh Anh, HS Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), lo lắng, vì trường em muốn theo học có điểm chuẩn “vốn đã rất cao”.
“Em dự định thi IELTS với mục tiêu 7.0, nhưng trước tình hình này em có thể phải nâng mục tiêu lên 7.5 để tăng cơ hội. Điều này khiến em khá áp lực vì phải vừa ôn thi IELTS, vừa phải đảm bảo kết quả học tập trên lớp để duy trì điểm học bạ ở mức tốt”, nữ sinh muốn ứng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương với phương thức xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, chia sẻ.
Cũng đặt nguyện vọng vào trường ĐH này, Lê Mai Phương, HS Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), nói em chọn xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS và SAT (bài thi tuyển sinh vào ĐH Mỹ). Tuy nhiên, trước các quy định mới, Phương thú nhận không tự tin về khả năng đậu xét tuyển sớm. “Vì vậy, em đang chuẩn bị thi lại SAT để có kết quả cạnh tranh hơn và tìm đường lui bằng việc chuẩn bị cho kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM và thi tốt nghiệp THPT”, nữ sinh cho hay.
HS CUỐI CẤP NÊN CHÚ Ý GÌ ?
Thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống luyện thi Lasan – Helius Education (TP.HCM), khuyên HS không nên “cược” tất cả vào bất cứ kỳ thi nào trong năm nay, dù là các kỳ thi ĐGNL hay tốt nghiệp THPT. Điều cần làm là dàn trải cơ hội vào tất cả, “cố gắng hết sức cho đến kỳ thi cuối cùng”, vì kiến thức đã được học có thể áp dụng trong bất cứ kỳ thi nào và mỗi kỳ thi là một cơ hội, theo nam giáo viên (GV).
Thầy Hàn Thiên Tân, GV dạy thêm các môn toán, lý, hóa tại TP.HCM, nhận định những quy định mới ảnh hưởng khá lớn đến nhóm HS trung bình và khá, “vì nhiều khi các bạn chỉ học giỏi môn mình thích, trong khi các môn còn lại không đạt điểm yêu cầu của loại giỏi, dẫn đến mất cơ hội”.
“Nhìn chung, các quy định mới của Bộ GD-ĐT chỉ siết chặt vấn đề đầu vào của các trường ĐH nhằm tạo công bằng trong tuyển sinh nên các bạn đã học, định hướng từ đầu không cần lo lắng gì cả”, thầy Tân nhấn mạnh thêm.
Thạc sĩ Bùi Văn Công, GV luyện thi ĐGNL trực tuyến ở TP.HCM, thì khuyên HS tham khảo kỹ hoặc chờ đề án tuyển sinh của trường ĐH mình muốn ứng tuyển thay vì lo lắng trước các thông tin trên mạng, đồng thời dành thêm thời gian ôn tập các môn học trong trường. Hiện HS tại các lớp của thầy Công vẫn tiếp tục ôn thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM như bình thường, không bị ảnh hưởng bởi các quy định mới trong dự thảo và quá trình này đã bắt đầu từ tháng 5.
“Bên cạnh đó, các bạn cũng nên hướng về các kỳ thi trong nước nhiều hơn, như ĐGNL hay thi tốt nghiệp THPT, thay vì dồn lực vào phương thức xét tuyển bằng các chứng chỉ nước ngoài hay học bạ”, thầy Công nêu quan điểm trong bối cảnh ngày càng nhiều đơn vị tham gia tổ chức hay dùng kết quả các kỳ thi ĐGNL trong nước để xét tuyển HS vào trường mình.
Nhẹ nhõm khi hiểu đúng dự thảo quy chế
Trước thông tin Bộ GD-ĐT dự kiến siết xét tuyển sớm, nhiều HS đã bày tỏ hoang mang, lo lắng. Như Nguyễn Hoàng Phúc, HS Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM), cho biết dự định dùng kết quả thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển vào ngành tài chính của ĐH Kinh tế TP.HCM. “Nhưng em sợ việc siết xét tuyển sớm còn 20% sẽ khiến điểm chuẩn tăng vọt, mình không có “cửa” trúng tuyển bằng phương thức này”, nam sinh chia sẻ.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên mới đây, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), lý giải xét tuyển sớm là thời gian các trường xét tuyển trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là khái niệm được dùng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, đồng nghĩa TS không bị hạn chế phương thức xét tuyển như xét học bạ, xét điểm ĐGNL, đánh giá tư duy…
Biết tin này, Hoàng Phúc cảm thấy nhẹ nhõm. “Dù vậy em vẫn bị áp lực vì đây là năm đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều đổi mới”, Phúc nói.
Chung cảm xúc, Lê Đức Quốc Bảo, HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cho biết sẽ nỗ lực cải thiện điểm trên lớp để tăng khả năng cạnh tranh, dù từng đạt 8.0 IELTS và 1.510 SAT. “Em vẫn mong có thể trúng xét tuyển sớm”, nam sinh chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-sinh-doi-ke-hoach-tim-duong-lui-truoc-kha-nang-siet-xet-tuyen-185241201205428538.htm