Theo đó, dưới sự hướng dẫn của giáo viên Dương Thái Trân, tổ công nghệ Trường THCS Colette, học sinh lớp 7/8 của trường này đã chia thành 4 nhóm học tập ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thực hiện dự án chủ đề Công dân số chung tay bảo vệ rừng, gồm: Nghiên cứu thực trạng của rừng ở Việt Nam; Hoạch định chiến lược bền vững cho rừng; Sáng tạo nội dung bảo vệ rừng trên nền tảng số; Kết nối công dân số cùng nghệ thuật giữ rừng. Các nhóm đã lần lượt thực hiện, giới thiệu các sản phẩm video kết hợp với tiểu phẩm, biển báo “biết nói”, sách lật trực tuyến…
Bắt đầu từ bản tin trên Báo Thanh Niên thống kê về các vụ cháy rừng và diện tích rừng bị ảnh hưởng trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, nhóm Nghiên cứu thực trạng của rừng ở Việt Nam đã sử dụng các công cụ hỗ trợ như Moescape AI, Vbee.com, Canva.com thực hiện sản phẩm là video kết hợp tiểu phẩm Lời kêu cứu của muôn loài chỉ ra những nguyên nhân cháy rừng, vai trò của rừng và sự cần thiết phải bảo vệ.
Còn nhóm Hoạch định chiến lược bền vững thì lấy ý tưởng từ những biến báo hiệu lệnh, chỉ đường và báo cấm trong giao thông, sử dụng ứng dụng Artivive, Canva.com để lan tỏa thông điệp chung tay vì một môi trường xanh. Đồng thời kêu gọi mọi người báo ngay cho gác rừng khi có hỏa hoạn, chăm sóc động vật quý hiếm, cây rừng; nêu những việc không nên làm như phá hoại chặt phá rừng, giết hại động vật…
Còn nhóm Kết nối công dân số với nghệ thuật giữ rừng đã lấy ý tưởng từ nhân vật truyền cảm hứng có hành trình gắn bó gần 50 năm với quá trình phát triển rừng Cần Giờ là ông Trần Minh Tùng, tổ bảo vệ rừng Cần giờ, để thực hiện sách trực tuyến tổng hợp các loại thiết bị bảo vệ rừng. Sách nhằm nâng cao kiến thức, tạo động lực cho các thế hệ sau quan tâm, tiếp nối nghề giữ rừng của thế hệ trước…
Tham gia tiết học dự án môn công nghệ, học sinh Minh Trang, lớp 7/8, cho biết mỗi nhóm sẽ có sự phân công nhiệm vụ học tập dựa trên sở trường và năng lực của từng cá nhân. Bạn nào có khả năng tra cứu, tìm tòi thì nhận nhiệm vụ tìm nguồn, tổng hợp dữ liệu. Bạn nào có khả năng ứng dụng công nghệ, thiết kế thì nhận trách nhiệm thực hiện sản phẩm trên các nền tảng ứng dụng mà học sinh cũng như các trường đang cho phép thực hiện… Các sản phẩm khi hoàn thiện làm sao phải thể hiện về kiến thức và ứng dụng công nghệ, dễ hiểu, cuốn hút người xem, lan tỏa thông điệp giáo dục mà dự án hướng tới.
Là giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện dự án học tập, cô Dương Thái Trân chia sẻ: “Công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đang tham gia và tạo ra nhiều thay đổi trong giáo dục. Điều này cũng tạo ra cơ hội và thách thức với việc dạy và học môn công nghệ với giáo viên và học sinh. Với mong muốn cung cấp kiến thức, đồng thời thúc đẩy, khuyến khích học sinh sử dụng những thiết bị, công cụ kỹ thuật số và kỹ năng của công dân số, giáo viên cùng học sinh đã thực hiện dự án này để tuyên truyền giá trị bảo vệ rừng trong học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung”.
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho hay tiết học dự án của môn công nghệ thể hiện lát cắt sinh động của hoạt động giáo dục sử dụng công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh xã hội thay đổi thường xuyên, liên tục bởi công nghệ thì việc dạy và học không thể đứng ngoài. Thách thức này là cơ hội để giáo viên cập nhật ứng dụng, để làm mới phương pháp giảng dạy thu hút học sinh đến với môn học. Điều này đặc biệt có giá trị với quá trình tổ chức tiết học theo Chương trình GDPT 2018 phát triển năng lực, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-sinh-ung-dung-cong-nghe-lan-toa-thong-diep-bao-ve-rung-185250102161217694.htm