Khoảng 7h, hàng trăm học sinh đã tập trung ở Trường THPT Chu Văn An. Đây là một trong những điểm thi có số lượng thí sinh dự thi lớn nhất, với 567 thí sinh ở 26 phòng thi. Lực lượng an ninh, dân phòng được huy động để phân luồng, tránh tắc đường.
Nhiều trường THPT, đặc biệt khu vực ngoại thành, thuê xe lớn đưa học sinh đến các điểm thi để đảm bảo an toàn.
Năm nay, tổng cộng có 4.434 học sinh dự thi, với 204 phòng, đặt tại 7 điểm thi ở các trường THPT trên địa bàn.
Tham dự tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An có học sinh 17 trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, với 14 môn thi gồm: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lí, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật và tin học. Thời gian làm bài thi là 180 phút.
Trong đó, số học sinh thi môn ngữ văn lớn nhất (527 em), kế đến là môn tiếng Anh, lịch sử, địa lý…
3 môn thi có ít thí sinh thi nhất là tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung (34-62 thí sinh/môn).
Nội dung đề thi bao gồm toàn bộ chương trình lớp 10, 11 và một phần chương trình lớp 12 tính đến trước ngày thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố là học sinh đang học cấp THPT trên địa bàn Hà Nội, có đánh giá kết quả học tập và kết quả rèn luyện năm học 2023-2024 từ khá trở lên, được chọn vào đội tuyển của đơn vị đăng ký dự thi; mỗi học sinh chỉ được dự thi một môn.
Kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố các môn văn hóa lớp 12 cấp THPT có một buổi thi. Riêng môn tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính; các môn ngoại ngữ có thi kỹ năng nghe; các môn khác thi theo hình thức viết trên giấy.
Số lượng học sinh dự thi của từng trường khoảng 1-3 em/môn tùy thuộc vào số lớp 12 và thành tích của trường tại kỳ thi trong 2 năm liên tiếp trước đó.
Các trường THPT chuyên và có lớp chuyên (THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây) được cử tối đa 25 học sinh/môn.
Các trường THPT có chương trình dạy môn tiếng Đức và tiếng Nhật được cử tối đa 10 học sinh dự thi mỗi môn tiếng Đức, tiếng Nhật.
Chia sẻ tại lễ khai mạc, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết kỳ thi nhằm lựa chọn những học sinh ưu tú, tạo nên không khí thi đua trong môi trường học tập toàn thành phố.
“Thành phố Hà Nội đang cùng các ban ngành tạo mọi điều kiện chăm lo làm sao tốt nhất cho học sinh. Đặc biệt tăng cường phát huy bồi dưỡng, tìm kiếm nhân tài để đóng góp vào các lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội…, bởi hơn ai hết, các em là những chủ nhân tương lai của đất nước”, Giám đốc Sở nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí, người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô cho hay, không chỉ học sinh trường chuyên lớp chọn mới tham dự, kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp THPT thành phố Hà Nội năm nay có sự góp mặt của rất nhiều trường ngoại thành, trong đó nhiều trường thuộc khu vực khó khăn như Ba Vì, trường có nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều này cho thấy khoảng cách giữa các trường khu vực nội thành – ngoại thành; trường vùng khó và vùng nội đô đang dần dần rút ngắn. Đây cũng là mục tiêu mà ngành giáo dục Thủ đô đang nỗ lực thực hiện.
“Năm vừa qua, chất lượng giáo dục đại trà tăng 17 bậc, từ thứ 27 của cả nước lên 11. Giáo dục mũi nhọn cũng tiến bộ. Đặc biệt, ngành giáo dục Thủ đô đã báo cáo thành phố để có cơ chế khuyến khích cho học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế, trong đó mức tiền thưởng cho mỗi em cao nhất lên đến 300 triệu đồng, tăng mức thưởng cao cho giáo viên dẫn dắt đội tuyển có học sinh đoạt giải.
Chúng tôi hy vọng đây là bước đột phá, là động lực cho thầy cô và học sinh, tạo sự thi đua giữa học sinh nội đô và ngoại thành, có như vậy chất lượng mới được nâng lên”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/hom-nay-hon-4000-em-thi-hoc-sinh-gioi-thanh-pho-ha-noi-20250107221422975.htm