Trong một lá thư gửi Julie Kearney, giám đốc Cục Không gian của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC), hơn 100 nhà nghiên cứu đã bày tỏ lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của các vệ tinh quỹ đạo thấp và kêu gọi hợp tác quốc tế để xác định con đường tối ưu trong tương lai.
Vệ tinh Starlink tiềm tàng nguy cơ cho môi trường
“Các tác hại môi trường từ việc phóng và đốt cháy quá nhiều vệ tinh vẫn chưa rõ ràng. Đó là vì chính phủ liên bang chưa tiến hành đánh giá môi trường để hiểu rõ các tác động.
Điều mà chúng ta biết là nhiều vệ tinh hơn và nhiều lần phóng hơn sẽ dẫn đến nhiều khí và kim loại gây hại hơn trong bầu khí quyển của chúng ta”, các nhà nghiên cứu viết trong lá thư.
“Chúng ta không nên vội vàng triển khai việc phóng vệ tinh ở quy mô này mà không chắc chắn rằng lợi ích có xứng đáng với những hệ quả tiềm tàng của chúng, rồi sau đó tái nhập khí quyển và bị đốt cháy hoặc tạo ra mảnh vỡ”, họ tiếp tục.
“Đây là một biên giới mới. Chúng ta nên tự cứu mình khỏi nhiều rắc rối bằng cách đảm bảo rằng chúng ta tiến về phía trước theo cách không gây ra những vấn đề lớn cho tương lai của mình”.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, chỉ trong hơn 5 năm, dịch vụ Starlink của tỉ phú công nghệ Elon Musk đã phóng hơn 6.000 đơn vị, hiện chiếm 60% tổng số vệ tinh.
Thiếu các chính sách quản lý để thích ứng
“Cuộc đua không gian mới đã bắt đầu nhanh hơn khả năng phản ứng của các chính phủ”, họ viết, cho rằng các cơ quan quản lý hiện thiếu các chính sách để đưa ra những đánh giá công bằng về “tổng thể ảnh hưởng của tất cả các chòm sao vệ tinh khổng lồ” được đề xuất.
Họ chỉ trích FCC vì đã cấp phép theo hình thức “ai đến trước phục vụ trước”, lưu ý rằng không gian quỹ đạo và phổ phát sóng không phải là vô hạn. Chúng đòi hỏi một “hệ thống hợp tác chưa từng có” với các cơ quan quản lý quốc tế để “chia sẻ tài nguyên chung của biên giới cuối cùng của chúng ta”.
“Cho đến khi có sự phối hợp rộng rãi, chúng ta không nên để lợi ích thương mại quyết định các quy tắc”, họ viết.
Các nhà nghiên cứu cũng khuyến khích FCC chấm dứt “loại trừ vệ tinh khỏi đánh giá môi trường”, rằng “việc phóng từ 30.000 – 500.000 vệ tinh vào quỹ đạo thấp mà không cần đánh giá môi trường là điều vô lý”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-100-nha-nghien-cuu-keu-goi-tam-dung-phong-ve-tinh-starlink-20241031123754962.htm