4 dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1, 13, 22 và trục Bắc – Nam được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 57.000 tỷ đồng giúp khơi thông cửa ngõ TP HCM.
Các dự án trên được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp chuyên đề chiều 20/2. Đây là những trục giao thông quan trọng đang khai thác ở TP HCM, được đầu tư mở rộng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) sau khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho thành phố áp dụng.
Với tổng vốn gần 21.000 tỷ đồng, dự án nâng cấp quốc lộ 13 qua TP Thủ Đức có quy mô lớn nhất. Điểm đầu công trình ở cầu Bình Triệu, điểm cuối giáp Bình Dương, tổng chiều dài gần 6 km. Trên đoạn này, mặt đường ngoài mở rộng 60 m, 10 làn xe, còn được xây thêm đoạn trên cao (cầu cạn) dài hơn 3 km ở giữa tuyến, hai bên là đường song hành.
Kẹt xe trên quốc lộ 13, hướng vào trung tâm TP HCM, năm 2023. Ảnh: Gia Minh
Trong tổng mức đầu tư dự án, vốn nhà nước tham gia khoảng 14.600 tỷ đồng, phần còn lại gần 6.300 tỷ do nhà đầu tư tự thu xếp. Thời gian thực hiện dự án này từ nay đến năm 2028. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư dự kiến thu phí hoàn vốn trong 18 năm 4 tháng.
Ở cửa ngõ phía tây thành phố, dự án nâng cấp quốc lộ 1 có tổng chiều dài gần 10 km, điểm đầu ở nút giao với đường Kinh Dương Vương, điểm cuối giáp ranh Long An. Trên đoạn này, mặt đường được mở rộng lên 60 m, 10-12 làn xe, thay vì chỉ 6 làn như hiện nay. Công trình được thiết kế 6-8 làn chính giữa tuyến với vận tốc 80 km/h phục vụ xe chạy nhanh và đóng phí; đường song hành hai bên tốc độ 60 km/h không phải đóng phí.
Tổng mức đầu tư dự án hiện khái toán sơ bộ khoảng 16.285 tỷ đồng, gồm cả lãi vay trong quá trình thi công. Trong đó, ngân sách tham gia hơn 9.600 tỷ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư huy động. Khi hoàn thành, nhà đầu tư dự kiến thu phí trong 21 năm 11 tháng.
Quốc lộ 1 đoạn sắp tới sẽ được TP HCM mở rộng. Ảnh: Gia Minh
Tại phía tây bắc, dự án mở rộng quốc lộ 22 có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 10.424 tỷ đồng. Đoạn quốc lộ này được nâng cấp với chiều dài 8 km, từ nút giao An Sương đến Vành đai 3, quy mô mở rộng mặt đường lên 60 m, 10 làn xe, nút giao lớn được xây khác mức giảm giao cắt với các tuyến đường xung quanh. Trong đó, 4 làn xe giữa tuyến được thiết kế cho xe chạy nhanh với vận tốc 80 km/h, các làn còn lại ở hai bên tốc độ 60 km/h.
Trong tổng mức đầu tư dự án, vốn nhà nước tham gia khoảng 6.234 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư thu xếp. Thời gian thu phí hoàn vốn khi dự án hoàn thành dự kiến 23 năm 7 tháng.
Dự án BOT còn lại cũng được HĐND TP HCM thông qua chủ trương đầu tư là trục bắc nam (từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành). Dự án có tổng chiều dài khoảng 8,6 km, quy mô mở rộng lên 60 m, 10 làn xe. Tương tự các công trình trên, dự án này cũng thiết kế tốc độ cao cho phần giữa tuyến và thấp hơn ở làn song hành hai bên, giúp người dân có lựa chọn nếu muốn đi nhanh sẽ đóng phí và ngược lại.
Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án trên khoảng 9.894 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp hơn 5.200 tỷ, phần còn lại sử dụng ngân sách. Dự kiến, thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án này trong 22 năm 1 tháng sau khi hoàn thành.
Ngoài các dự án trên, một công trình khác là cầu – đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) cũng đang được thành phố nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT. Đây đều là những tuyến giao thông huyết mạch, quá tải nhiều năm qua, được ưu tiên đầu tư trước theo cơ chế đặc thù.
Gia Minh – Lê Tuyết
Nguồn: https://vnexpress.net/hon-57-000-ty-dong-mo-rong-4-truc-duong-cua-ngo-tp-hcm-4851990.html