Huyền Chip – tác giả của tự truyện “Xách ba lô lên và đi” – ra sách mới về cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống.
Không còn là cô gái phiêu lưu và bụi bặm năm nào, Huyền Chip cho thấy thành quả của cô sau quá trình học tập và làm việc trên đất Mỹ. Designing Machine Learning Systems xuất bản năm 2022 là cuốn sách đầu tiên của cô trong lĩnh vực công nghệ. Mới đây, Huyền Chip tiếp tục cho ra mắt cuốn sách bẳng tiếng Anh AI Engineering: Building Applications with Foundation Models (Kỹ thuật AI: Xây dựng ứng dụng với mô hình nền tảng). Cả hai đều lọt vào top sách bán chạy trên Amazon trong lĩnh vực công nghệ.
Những đột phá gần đây trong lĩnh vực AI không chỉ làm tăng nhu cầu sử dụng AI, mà còn khiến việc phát triển ứng dụng trở nên dễ dàng hơn nhờ vào mô hình nền tảng có sẵn. Tuy nhiên, con đường tưởng chừng dễ dàng này cũng chứa đựng nhiều nguy cơ dẫn đến thất bại.
“Mình nghĩ, công nghệ mới nào cũng thế. Sẽ có rất nhiều người nhảy vào tìm kiếm cơ hội, và nhiều người trong đó sẽ thất bại, nhưng không có nghĩa là công nghệ đó không có tiềm năng thực sự”, Huyền Chip cho biết trên trang cá nhân.
Huyền Chip, tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, 35 tuổi, hiện là nhà khoa học máy tính và giảng viên tại Đại học Stanford. Với kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn như Netflix, NVIDIA, AI Snorkel và điều hành một startup về công nghệ AI, cô hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp khi bước chân vào lĩnh vực này.
Theo tác giả, khi thị trường trở nên quá tải, việc định hướng và đánh giá càng quan trọng. Được dẫn dắt bởi Huyền Chip và hơn 100 cuộc trò chuyện cùng với chuyên gia, doanh nghiệp, AI Engineering có thể được xem là cuốn cẩm nang về các mô hình AI và cách áp dụng chúng vào thực tiễn, đồng thời lý giải thành công của các ứng dụng như ChatGPT, Gemini.
Phần đầu của cuốn sách khái quát về sự phát triển nhanh chóng của AI trong những năm gần đây, một số chuyển đổi đáng chú ý như quá trình chuyển đổi từ mô hình ngôn ngữ sang mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Models – LLM).
Mặc dù có vô số ứng dụng AI đang được đưa vào sản xuất, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển AI. Do đó, các câu hỏi then chốt cũng được bàn đến trong cuốn sách: Liệu có nên phát triển ứng dụng này? Làm thế nào để đánh giá chất lượng ứng dụng? Có thể sử dụng AI để đánh giá đầu ra của chính nó hay không? Theo tác giả, những câu hỏi này không chỉ mở ra các vấn đề kỹ thuật, mà còn chạm đến khía cạnh chiến lược và tư duy dài hạn khi triển khai AI trong thực tế.
Chiếm dung lượng lớn trong cuốn sách là những khám phá về kỹ thuật AI, phân biệt nó với học máy truyền thống, thảo luận về cách các mô hình nền tảng giúp bất kỳ ai cũng có thể xây dựng một ứng dụng AI. Nó cũng đề cập đến nhiều chủ đề khác bao gồm những thách thức trong việc đánh giá AI, sự phức tạp của AI tạo sinh, lý do tại sao kỹ thuật tạo lệnh (prompt engineering) bị đánh giá thấp, tin đồn về cái chết của RAG hay những tiến bộ mới nhất của AI.
Một số ví dụ Huyền Chip đưa ra là những vấn đề thực tiễn mà các kỹ sư AI đang phải đối mặt, từ việc phát hiện và xử lý kỹ thuật, đến việc tối ưu hóa chi phí và đảm bảo an toàn dữ liệu. Chẳng hạn, phương pháp lấy mẫu làm cho các mô hình AI có tính xác suất, giúp các mô hình như ChatGPT và Gemini thực hiện được các nhiệm vụ sáng tạo và trò chuyện. Tuy nhiên, bản chất xác suất này cũng gây ra sự không nhất quán và hiện tượng “ảo giác” trong AI (hallucinations).
Ngoài vấn đề kỹ thuật, AI Engineering đặt ra những vấn đề quan trọng liên quan đến đạo đức và trách nhiệm trong việc triển khai AI. Tác giả không ngần ngại bàn luận về các thách thức như làm thế nào để giảm thiểu rủi ro AI đưa ra kết quả sai lệch, hay cách sử dụng AI một cách minh bạch và có trách nhiệm.
Trong một lĩnh vực thay đổi nhanh chóng, Huyền Chip chọn cách tập trung vào các nguyên lý nền tảng nhằm giúp độc giả có cái nhìn xa hơn về tương lai của AI. Cô tin “các công cụ nhanh chóng trở nên lỗi thời, nhưng các nguyên tắc cơ bản sẽ tồn tại lâu dài”.
“Dựa trên kiến thức chuyên sâu của tác giả, AI Engineering là một hướng dẫn toàn diện và bao quát về cách xây dựng các ứng dụng tạo sinh trong môi trường sản xuất”, Luke Metz – đồng sáng tạo ChatGPT, cựu quản lý nghiên cứu tại OpenAI – nhận xét trong sách.
Vittorio Cretella, cựu CIO toàn cầu tại P&G và Mars, đánh giá đây là “cuốn sách đáng đọc đối với bất kỳ chuyên gia nào muốn mở rộng AI trên toàn doanh nghiệp”.
Huyền Chip tên là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh ra tại Hải Hậu (Nam Định). Cô tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford (Mỹ). Cô di chuyển giữa Mỹ, Anh, Việt Nam, dành thời gian cho viết lách và nghiên cứu. Cô là tác giả của Xách ba lô lên và đi, Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford, Tuổi trẻ không hối tiếc.
Ngạn Bình
Nguồn: https://vnexpress.net/huyen-chip-ra-mat-sach-ve-cac-mo-hinh-ai-4841763.html